Thứ viên nén của Việt Nam mà Nhật Bản, Hàn Quốc mua gần hết được làm từ loại nguyên liệu gì?

P.V Thứ ba, ngày 15/11/2022 12:35 PM (GMT+7)
Các loại gỗ nhỏ, chủ yếu là cành, ngọn, đầu mẩu gỗ vụn, bìa bắp, thậm chí cả cỏ, trấu, rơm,... cũng có thể trở thành nguyên liệu của viên nén, một sản phẩm mới nổi của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các loại gỗ nhỏ, chủ yếu là cành, ngọn, đầu mẩu gỗ vụn, bìa bắp, thậm chí cả cỏ, trấu, rơm,... cũng có thể trở thành nguyên liệu của viên nén, một sản phẩm mới nổi của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ.

Nguyên liệu từ rừng trồng trong nước là một trong những nguồn cung gỗ nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất cho viên nén. 

Nguồn này bao gồm gỗ nhỏ, chủ yếu là cành, ngọn, đầu mẩu gỗ vụn, bìa bắp. Đây là những sản phẩm phụ từ các xưởng xẻ, ván bóc, xưởng dăm (đối với nguồn dăm không đủ tiêu chuẩn, ví dụ dăm có hàm lượng vỏ cây nhiều không đủ tiêu chuẩn để làm dăm giấy). Nguồn phế phụ phẩm này có nhiều ở khu vực phía Bắc, nơi có nhiều hệ thống xưởng xẻ, xưởng ván bóc, xưởng dăm. 

Nguồn dăm bào, mùn cưa, gỗ vụn từ gỗ nhập khẩu cũng là một trong những nguồn cung gỗ đầu vào quan trọng nhất cho viên nén. 

Ngoài ra, theo nhiều doanh nghiệp, viên nén còn có thể được làm từ trấu, thân cỏ, rơm,... là những phụ phẩm nông nghiệp rất phổ biến ở nước ta.

Thứ viên nén của Việt Nam mà Nhật Bản, Hàn Quốc mua gần hết được làm từ loại nguyên liệu gì? - Ảnh 1.

Dăm bào, mùn cưa, gỗ vụn là một trong những nguồn cung gỗ đầu vào quan trọng nhất cho viên nén. Trong ảnh: Nguyên liệu sản xuất viên nén của Công ty CP Năng lượng Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: K.N.

Theo con số thống kê không chính thức, hiện Việt Nam có khoảng trên 300 cơ sở sản xuất viên nén, với khoảng 70-80% tập trung tại các khu vực phía Nam nơi có các trung tâm chế biến và tại khu vực Duyên hải Miền Trung, đưa Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất viên nén lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ.

Hiện nay, viên nén được kỳ vọng là một mặt hàng đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu hàng năm của ngành gỗ Việt Nam.

Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu viên nén đạt 413 triệu USD. Viên nén xuất khẩu có mức tăng trưởng nhanh qua các năm. Năm 2018, lượng viên nén xuất khẩu tăng 67% so với năm trước đó. Tốc độ tăng trưởng của các năm tiếp theo trung bình khoảng 10%/năm. 

Trong 6 tháng đầu 2022 kim ngạch xuất khẩu viên nén đạt 354 triệu USD. Nếu đà tăng trưởng đầu 2022 được duy trì kim ngạch xuất khẩu viên nén trong cả năm có thể đạt 700 triệu USD và có thể đạt 1 tỷ USD vào năm 2023. Gần 100% lượng viên nén của Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Lượng xuất sang các thị trường còn lại (ví dụ EU) không đáng kể.

Thứ viên nén của Việt Nam mà Nhật Bản, Hàn Quốc mua gần hết được làm từ loại nguyên liệu gì? - Ảnh 2.

Một dây chuyền sản xuất viên nén gỗ. Ảnh: Đ.H

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, lượng và giá viên nén xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian vừa qua chủ yếu là do nhu cầu sử dụng viên nén tại các nước EU tăng đột biến. Nguyên nhân là do các nước EU quay lưng lại với nguồn khí đốt từ Nga khi xung đột Nga – Ukraina nổ ra trước đó được nhập khẩu để phục vụ nhu cầu sưởi ấm. Viên nén nhập khẩu đang được sử dụng để thay thế cho nguồn cung khi đốt đã mất đi này. 

Cầu và giá viên nén tại EU tăng cao, tạo ra sức hút từ các nguồn cung lớn đặc biệt là từ Mỹ -- quốc gia xuất khẩu viên nén lớn nhất trên thế giới. Mặc dù Việt Nam không phải là quốc gia cung viên lớn lớn cho các nước EU, cầu và giá viên nén tại thị trường quốc tế tăng cao tạo cơ hội cho ngành viên nén Việt Nam mở rộng sản xuất và xuất khẩu. 

Tuy nhiên, hiện nay, do phát triển quá "nóng", nhiều doanh nghiệp sản xuất viên nén đang đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu. Theo chia sẻ từ một số doanh nghiệp, hiện chi phí sản xuất viên nén cao hơn khoảng 30 USD/tấn so với chi phí sản xuất dăm, tuy nhiên giá viên nén xuất khẩu lại thấp hơn khoảng 30 USD/tấn so với giá dăm xuất khẩu. Dăm hút nguyên liệu, đẩy giá nguyên liệu lên rất cao trong thời gian vừa qua.

Thứ viên nén của Việt Nam mà Nhật Bản, Hàn Quốc mua gần hết được làm từ loại nguyên liệu gì? - Ảnh 3.

Viên nén gỗ đang rất đắt hàng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, EU,...

Trong bối cảnh thiếu nguyên liệu đầu vào, một số doanh nghiệp sản xuất viên nén phải sử dụng nguyên liệu “tạp” hơn và mở rộng mạng lưới thu mua nguyên liệu đầu vào ở các địa bàn xa hơn. 

Do vậy, chuyên gia của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến cáo, trong tương lai, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu viên nén (cũng như các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, dăm, ván ép...) có sử dụng gỗ rừng trồng cần quan tâm tới việc tạo ra các vùng nguyên liệu của mình nhằm ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào. 

Tạo vùng nguyên liệu có thể thông qua hình thức các doanh nghiệp liên kết với các hộ dân, là những người có tiếp cận với nguồn quỹ đất trồng rừng. Các doanh nghiệp viên nén cũng có thể tìm kiếm cơ hội liên kết hợp tác với các công ty lâm nghiệp có quỹ đất sản xuất để phát triển vùng nguyên liệu. 

Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản đang tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối, do vậy nhu cầu sử dụng viên nén tại các quốc gia này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng đang có những động thái chuyển một phần nguồn điện và hệ thống sưởi chạy bằng than đá sang viên nén. Cầu viên nén tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong tương lai. Về tổng thể, cầu tiêu thụ viên nén tại thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai. Đây là cơ hội lớn cho ngành viên nén Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem