Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ráo riết thu gom, một loại viên nén của Việt Nam vào cuộc đua thu 1 tỷ USD

K.Nguyên Thứ hai, ngày 07/11/2022 14:03 PM (GMT+7)
Toàn cầu đang lên "cơn sốt" viên nén khi mùa đông khắc nghiệt đang đến gần, trong khi nguồn viên nén, khí đốt từ Nga bị gián đoạn đã tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu viên nén của Việt Nam vào cuộc đua đưa giá trị xuất khẩu viên nén đạt 1 tỷ USD.
Bình luận 0

Nở rộ các nhà máy sản xuất viên nén

Từ đầu năm 2022 đến nay ghi nhận nhu cầu tăng vọt của thị trường toàn cầu đối với viên nén gỗ, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga sang EU bị sụt giảm do xung đột Nga - Ukraine và nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối. Nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đã đầu tư dây chuyền sản xuất viên nén, nhiều doanh nghiệp sản xuất viên nén được thành lập.

Đơn cử, ngày 13/7/2022, Công ty Cổ phần Nguyệt Anh được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án Nhà máy sản xuất viên nén gỗ (Wood Pellet) Nguyệt Anh.

Dự án đầu tư tại xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát với diện tích xây dựng 53.032,4m2. Tổng vốn đầu tư của dự án là 115 tỷ đồng với công suất 70.000 tấn/năm. Tiến độ thực hiện dự án từ quý 2 năm 2022 đến quý 1 năm 2024 hoàn thành dự án và đi vào hoạt động.

Tương tự, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Bình cũng trao quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty Cổ phần Dũng Nguyệt Anh Quảng Bình thực hiện dự án nhà máy sản xuất viên nén gỗ với tổng mức đầu tư 115 tỷ đồng. 

Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ráo riết thu gom, một loại viên nén của Việt Nam vào cuộc đua thu 1 tỷ USD - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất viên nén của Công ty CP Năng lượng Dung Quất (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ảnh: K.N

Dự án được triển khai thực hiện tại Khu Công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với công suất sản xuất viên nén gỗ các loại công suất 70.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án dự kiến khởi công từ 8/2022 và hoàn thành đi vào hoạt động 8/2023.

Trong khi đó, Công ty CP Năng lượng Dung Quất (Bình Sơn, Quảng Ngãi) dù mới đi vào hoạt động nhưng đã tăng cường sản xuất để đáp ứng các đơn hảng. Ông Nguyễn Kim Vui, Giám đốc điều hành Công ty cho biết, nếu chạy hết công suất, sản lượng viên nén có thể đạt 20.000 tấn/tháng.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), thời gian qua, việc sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ không ngừng phát triển cả về quy mô, lẫn chất lượng.

"Hiện cả nước có khoảng 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ với giá trị xuất khẩu viên nén gỗ liên tục tăng từ 145 triệu USD vào năm 2017 lên hơn 500 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2022", ông Nghĩa cho biết.

Viên nén trở thành điểm sáng ngành xuất khẩu gỗ nhờ Nhật Bản, Hàn Quốc mua nhiều

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 10/2022 đạt 1,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng 9/2022 và tăng 25,9% so với tháng 10/2021. 

Trong 10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 13,5 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,3 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ráo riết thu gom, một loại viên nén của Việt Nam vào cuộc đua thu 1 tỷ USD - Ảnh 2.

Đóng gói viên nén tại Công ty CP Năng lượng Dung Quất (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ảnh: P.V

Đồ nội thất là nhóm hàng xuất khẩu chính. Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng này giảm do xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ giảm tốc. Áp lực lạm phát cao tại thị trường nhập khẩu chính trong khu vực châu Mỹ là Mỹ khiến nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này giảm. 

Đáng chú ý, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ sang khu vực châu Á tăng trưởng mạnh, khiến tỷ trọng của cả 2 mặt hàng này đều tăng trong 9 tháng năm 2022. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, nhu cầu nhập khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ tại khu vực châu Á tăng mạnh là do các thị trường chính Hàn Quốc, Nhật Bản đều có nhu cầu tăng, trong bối cảnh 2 thị trường này tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối. 

Trung Quốc cũng đang có những động thái chuyển một phần nguồn điện và hệ thống sưởi chạy bằng than đá sang viên nén, khiến nhu cầu viên nén gỗ tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài (Chi hội trưởng Chi hội viên nén gỗ Việt Nam nhiệm kỳ I), năm 2021 lượng viên nén xuất khẩu từ Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 413 triệu USD. Trong 9 tháng đầu 2022 xuất khẩu mặt hàng này cán mốc đạt gần 3,5 triệu tấn đạt 542,32 triệu USD chiếm 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, tăng 35% về lượng và 81% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Hiện Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 trên thế giới.

Nguồn nguyên liệu sản xuất viên nén chủ yếu là các phụ phẩm của ngành gỗ như: cành, ngọn, gỗ nhỏ, bìa bắp từ gỗ rừng trồng và các đầu mẩu, gỗ thừa... từ các cơ sở chế biến. Việc gia tăng sản xuất mặt hàng này giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong các công đoạn chế biến gỗ tạo ra, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo ông Phong, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của mặt hàng viên nén thì cũng đang nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc, là thách thức vô cùng lớn về tính bền vững, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của ngành.

Đó là giá nguyên liệu đầu vào, nguyên liệu có chứng chỉ, thuế xuất khẩu, cũng như việc cạnh tranh nguồn nguyên liệu giữa các doanh nghiệp trong ngành viên nén, giữa các ngành sử dụng chung gỗ rừng trồng trong nước.

"Năm 2022, viên nén đứng thứ 4 về giá trị xuất khẩu trong 8 mặt hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản, chỉ đứng sau đồ gỗ nội ngoại thất, gỗ nguyên liệu (bao gồm cả gỗ dán), dăm gỗ. Là sản phẩm nằm trong chuỗi rừng trồng, nên viên nén có ý nghĩa rất lớn trong nâng cao giá trị cho trồng rừng ở Việt Nam. Xuất khẩu viên nén gỗ Việt Nam có thể đạt hơn 1 tỷ USD vào năm 2023" - ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem