Một mặt hàng của ngành nông nghiệp xuất siêu tới 5,32 tỷ USD, tiến tới con số xuất khẩu 17,5 tỷ USD

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 06/07/2023 18:40 PM (GMT+7)
Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm ước đạt 6,42 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, xuất siêu ước đạt 5,32 tỷ USD
Bình luận 0

7 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, nhờ chủ động tháo gỡ vướng mắc để gia tăng xuất khẩu trong điều kiện khó khăn về đơn hàng mở mới (nhất là thủy sản và lâm sản) và rào cản thị trường nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD (giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022).

Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%; thủy sản 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%... Có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ); trong đó gạo và hạt điều, rau quả và trái cây là những sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả và trái cây kim ngạch lần đầu tiên tăng kỷ lục tới 64,2% so với cùng kỳ, giá trị đạt khoảng 2,75 tỷ USD.

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường XK các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; xuất khẩu sang Mỹ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.

Vực dậy sức bật của những mặt hàng xuất khẩu chủ lực - Ảnh 1.

Chế biến gỗ tại Công ty Lâm Việt. Ảnh: Cao Cẩm.

Vực dậy sức bật của những mặt hàng xuất khẩu chủ lực - Ảnh 2.

Vực dậy ngành chế biến, xuất khẩu gỗ

Gỗ và sản phẩm từ gỗ là một trong những mặt hàng chủ lực giảm đáng kể về mặt kim ngạch xuất khẩu, do vậy trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành lâm nghiệp sẽ tập trung các giải pháp để vực dậy sức bật của ngành chế biến, XK gỗ.

Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm ước đạt 6,42 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 36% so với kế hoạch đặt ra. Trong đó: Gỗ và sản phẩm gỗ 5,96 tỷ USD, giảm 29%, lâm sản ngoài gỗ 455,7 triệu USD, giảm 26,2%. Xuất siêu ước đạt 5,32 tỷ USD, tương đương 70% so với cùng kỳ 2022.

Nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu là do nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu (nhất là ở các thị trường chính Mỹ và châu Âu) khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ký kết và thực hiện các đơn hàng. 

Xung đột Nga – Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp như: Chi phí logistics tăng cao, giá nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào tăng cao... Cùng với đó, chính sách bảo hộ của các quốc gia tiếp tục phát huy nhằm bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, do vậy đã ảnh hưởng tới thương mại sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành lâm nghiệp phấn đấu duy trì tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp ước đạt khoảng 5%; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt khoảng 17,5 tỷ USD; sản lượng gỗ khai thác rừng trồng đạt khoảng 22 triệu m3; diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững ước đạt khoảng 90.000ha; thu dịch vụ môi trường rừng ước đạt 3.200 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành lâm nghiệp tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu; tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro. 

Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; sử dụng môi trường rừng bền vững...

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ NNPTNT, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị các đơn vị chức năng trực thuộc bộ không nêu quá nhiều khó khăn mà việc nêu khó khăn chỉ để kịp thời có các giải pháp giải quyết vấn đề của ngành NNPTNT hiện nay. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xác định khoa học - công nghệ là giải pháp đột phá mang lại sự phát triển của ngành theo hướng xây dựng nền kinh tế nông nghiệp, trong đó thay vì tập trung vào sản lượng thì cần tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế của mỗi nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản. 

Riêng đối với lĩnh vực thủy sản cần tập trung hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng nuôi biển gắn với việc khai thác, xử lý, chế biến phế phụ phẩm của ngành hàng này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem