Mỹ, Trung Quốc tăng thu mua nông sản của Việt Nam, ấn tượng với xuất khẩu gỗ và thủy sản

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 02/12/2022 13:52 PM (GMT+7)
Mỹ và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ lực của Việt Nam, chiếm lần lượt 25% và 19% tổng giá trị xuất khẩu trong 11 tháng năm 2022.
Bình luận 0

Tại Hội thảo "Thông tin thị trường nông sản cho hoạch định chính sách và định hướng xuất khẩu", do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) tổ chức sáng nay, ngày 2/12, Ban tổ chức đã đưa ra số liệu về xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2022 của Việt Nam.

Theo đó, Mỹ và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ lực của Việt Nam, chiếm lần lượt 25% và 19%.

Nhìn chung xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2022 của Việt Nam đều tăng trưởng. Cụ thể giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,5 triệu USD, tăng 9% so với 2021; thủy sản đạt 10,2 triệu USD, tăng 28% so với 2021; gạo, cà phê, cao su, sắn và các sản phẩm từ sắn, hạt tiêu, chè đều tăng trưởng ấn tượng.

Tại Hội thảo, VASEP cũng đưa ra nhận định về xuất khẩu thủy sản tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Theo đó, với tốc độ tăng trưởng và bối cảnh cung - cầu hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 10-11,3 tỷ USD trong năm 2022. 

Xuất khẩu tôm năm 2022 dự kiến đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021. Sản phẩm tôm xuất khẩu chính là tôm chân trắng, chiếm 75% với khoảng trên 3,2 tỷ USD; tôm sú chiếm khoảng 13% với gần 1,5 tỷ USD.

Mỹ, Trung Quốc tăng thu mua nông lâm thủy sản của Việt Nam, ấn tượng với xuất khẩu gỗ và thủy sản  - Ảnh 1.

11 tháng năm 2022, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đạt 14,5 triệu USD, tăng 9% so với 2021. Ảnh: Minh Ngọc

Đối với rau quả, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm với kim ngạch bình quân khoảng 250 - 260 triệu USD/tháng và dự báo năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả, do nhiều loại nông sản được mở cửa vào thị trường Trung Quốc thời gian qua.

Với gỗ và các sản phẩm từ gỗ, Mỹ và EU là những thị trường tiêu thụ chính đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam, nhưng lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng ở các thị trường này đang tiết kiệm chi tiêu, trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là một trong những mặt không thiết yếu, do đó trong thời gian tới nhu cầu đồ nội thất bằng gỗ có thể sẽ giảm mạnh.

Đối với xuất khẩu gạo, nhu cầu cuối năm tăng lên từ các thị trường như Trung Quốc và châu Âu, trong khi vụ đông xuân chưa thu hoạch sẽ khiến cho giá gạo Việt Nam tăng cao hơn nữa. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2022 và 2023 sẽ giảm khoảng 2% xuống còn 503,7 triệu tấn so với năm trước đó, điều này có thể khiến cho giá gạo thế giới trong năm tới tăng nhẹ, mang đến cơ hội thu được giá trị xuất khẩu gạo cao.

Mặc dù xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, triển vọng để xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam vào các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc và EU vẫn sẽ có nhiều khởi sắc vào năm 2023.

Theo đó, đối với thị trường Mỹ, sản phẩm gỗ của Việt Nam có nhiều cơ hội khi sản phẩm gỗ của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ đang phải chịu mức thuế cao trong khi nhu cầu nhập khẩu của Mỹ ngày càng tăng. Ước tính thị trường mặt hàng tủ bếp Mỹ có quy mô lên đến 5-7 tỷ USD/năm.

Đáng chú ý, tháng 11/2022, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát về thao túng tiền tệ, giúp Việt Nam tránh khỏi nguy cơ bị Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt thuế quan trên diện rộng lên các mặt hàng xuất khẩu.

Mỹ, Trung Quốc tăng thu mua nông lâm thủy sản của Việt Nam, ấn tượng với xuất khẩu gỗ và thủy sản  - Ảnh 2.

Xuất khẩu thủy sản 11 tháng năm 2022 của Việt Nam đạt 10,2 triệu USD, tăng 28% so với 2021. Ảnh: VASEP

Đối với thị trường Trung Quốc, chuyên gia cho biết, hạn chế xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này đa số sản phẩm tươi, sống của Việt Nam như trái cây, thủy sản chủ yếu được xuất khẩu biên mậu cư dân biên giới (tiểu ngạch).

Chưa tiếp cận đến kênh khách hàng cuối cùng, đặc biệt là phân khúc thị trường cao cấp trong nội địa Trung Quốc; hàng trái cây của Việt Nam chủ yếu tiêu thụ ở các thị trường cấp thấp các tỉnh, chợ biên giới; chưa chủ động trong xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị lúng túng khi Trung Quốc thay đổi, siết chặt hơn các chính sách/quy định mới trong nhập khẩu (mã số vùng trồng, bao bì đóng gói, đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu, chính sách kiểm soát Covid -19, quy định loại hàng hóa theo cửa khẩu...).

Tuy vậy, triển vọng xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường Trung Quốc vẫn rất rộng mở. Theo báo cáo Triển vọng Nông nghiệp Trung Quốc (2022-2031) dự báo nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp chính sẽ được đảm bảo, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sẽ tăng tốc và thương mại nông sản sẽ tiếp tục sôi động; Sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc sẽ duy trì trên 650 triệu tấn trong giai đoạn 2022-2031, với lượng tồn kho ngũ cốc dồi dào; Tiêu thụ ngũ cốc giảm, và tiêu thụ thịt, trứng, sữa, trái cây và rau quả tăng lên trong giai đoạn 2022-2031.

Đối với thị trường EU, Hiệp định EVFTA là một cơ hội lớn giúp nông sản Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận sâu hơn vào thị trường EU. EVFTA cũng tạo cơ hội để thu hút đầu tư, liên doanh, liên kết và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp tại EU để phát triển chế biến các sản phẩm NLTS tại Việt Nam để xuất khẩu vào EU.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem