Một năm nhìn lại du lịch: Thị trường nội địa thắng thế, thị trường quốc tế vẫn “èo uột”, ảm đạm

Huy Hoàng Thứ sáu, ngày 30/12/2022 07:01 AM (GMT+7)
Việt Nam là nước mở cửa đón khách du lịch quốc tế đầu tiên so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu con số từ khách nội địa ước đạt 101 triệu lượt, vượt 60 triệu lượt theo chỉ tiêu đặt ra, thì với thị trường quốc tế đến Việt Nam mới ở mức khiêm tốn ước đạt 3,5 triệu lượt.
Bình luận 0

Du lịch Việt Nam mất cơ hội "vàng"

Một năm nhìn lại du lịch: Thị trường nội địa thắng thế, thị trường quốc tế vẫn “èo uột”, ảm đạm - Ảnh 1.

Du khách ăn ngay những chiếc nem rán nóng hổi tại cửa hàng Huyền nem rán. Ảnh: Huy Hoàng

Mới đây theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, năm 2022 đã dần khôi phục trở lại, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa ước đạt 101 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.

Nhìn vào con số thống kê có thể thấy thị trường nội địa thắng thế bao nhiêu thì thị trường quốc tế lại ảm đạm bấy nhiêu.

Còn nhớ ngày mở cửa trở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch (15/3/2022), các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, những người làm du lịch đã rất vui mừng trước thông tin này, điều này cho thấy ngành du lịch đã được "hồi sinh".

Đặc biệt, cao điểm 3 tháng hè, tất cả các địa điểm du lịch trên cả nước luôn chật kín du khách. Thậm chí một số điểm nổi tiếng như Hạ Long (Quảng Ninh), Sa Pa (Lào Cai), Quy Nhơn (Bình Định), Phú Quốc (Kiên Giang) luôn trong tình trạng quá tải, cơ sở lưu trú, khách sạn có thời điểm cháy phòng. Ba tháng hè lượng khách đạt hơn 35 triệu, vượt 23% kế hoạch. Nhiều chuyên gia khẳng định, đây là năm hồi sinh của du lịch nội địa.

Chia sẻ về điều này với Dân Việt, ông Nguyễn Tuấn Linh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bắc Cạn, doanh nghiệp lữ hành quốc tế Mr Linh’s Adventures cho biết: "Giai đoạn dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, các doanh nghiệp lữ hành cũng đã có sự chuẩn bị, chạy đà từ trước để sẵn sàng phục vụ du khách nội địa ngay khi có thể. Bên cạnh đó nhu cầu đi du lịch cũng thay đổi liên tục, các doanh nghiệp nắm bắt nhanh. Nếu trước đây xu hướng của du khách là đi theo nhóm nhỏ, cá nhân, xe riêng thì bây giờ các tour đoàn khách lớn, đi xe to. Chưa kể các hãng hàng không cũng mở lại tất cả các đường bay nội địa và tăng tần suất dịp hè".

Cùng thời điểm này, các quy định y tế, cách ly được cởi bỏ, Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá Việt Nam là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Chuyên gia du lịch trong nước thì nhận định, việc mở cửa du lịch sớm, còn là thời điểm vàng để hút du khách quốc tế khi mà nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực và lân cận như Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... vẫn chưa mở.

Một năm nhìn lại du lịch: Thị trường nội địa thắng thế, thị trường quốc tế vẫn “èo uột”, ảm đạm - Ảnh 3.

Du khách nước ngoài xếp hàng chờ mua nem rán - một trong những ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam. Ảnh: Huy Hoàng

Thế nhưng đáng tiếc Việt Nam đã để tuột mất cơ hội vàng đó và mất nguồn doanh thu đáng kể từ du khách quốc tế mang lại. Con số thống kê ước đạt 3,5 triệu lượt khách là con số quá khiêm tốn trong khi nhìn sang các nước trong khu vực, Thái Lan doanh thu đã đạt 10 triệu lượt du khách nước ngoài. Singapore đạt hơn 9 triệu lượt du khách nước ngoài, Indonesia cũng đã vượt qua chỉ tiêu đề ra. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tháng 10 mới mở cửa biên giới, dỡ bỏ các hạn chế nhưng số lượng khách nước ngoài đến cũng tăng chóng mặt.

Phân tích về điều này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho hay, thủ tục visa cũng như thời hạn lưu trú là vấn đề khiến du khách quốc tế sang Việt Nam ít.

"Nếu như Malaysia, Singapore miễn thị thực cho 162 quốc gia; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia; Thái Lan miễn thị thực cho 65 quốc gia… thì Việt Nam mới đang miễn thị thực cho 24 quốc gia.

Thời gian miễn thị thực của nhiều nước ASEAN kéo dài từ 30 ngày đế 45 ngày, thậm chí là 90 ngày. Vừa qua Thái Lan triển khai chương trình mở cửa với Thị thực Du lịch Đặc biệt Thái Lan (STV) dành cho khách lưu trú dài ngày, thời gian lưu trú lên đến 90 ngày…

Có thể nói visa làm cho du khách quốc tế nản lòng và không muốn đến Việt Nam, chọn đi du lịch đến các nước khác trong khu vực mà họ không cần xin cấp visa. Visa là khó khăn lớn nhất, là vấn đề nan giải nhất hiện nay của ngành du lịch và hàng không Việt Nam", ông Hoàng Nhân Chính nói.

Du lịch Việt Nam: Thiếu sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp tự "bơi"

Một năm nhìn lại du lịch: Thị trường nội địa thắng thế, thị trường quốc tế vẫn “èo uột”, ảm đạm - Ảnh 4.

Vịnh Lan Hà, huyện Cát Bà, thành phố Hải Phòng - một trong những danh thắng, địa điểm du lịch được cả du khách trong nước và du khách nước ngoài yêu thích. Ảnh: Huy Hoàng

Ở một khía cạnh khác, ông Tuấn, doanh nghiệp lữ hành chuyên thị trường Mỹ thì chia sẻ với Dân Việt: "Hiện tại du khách Mỹ vào Việt Nam chưa nhiều bởi có nhiều biến động. Lý do thứ nhất bởi người dân Mỹ công việc vẫn chưa thực sự ổn định, nhìn vậy thôi nhiều người vẫn chờ vào tiền trợ cấp của chính phủ.

Lý do tiếp theo đó là giá thành cũng tăng lên, ví dụ như giá vé máy bay nếu bay về Việt Nam cũng bị tăng lên gấp đôi.

Một lý do quan trọng nữa là truyền thông, xúc tiến quảng bá của Việt Nam chưa đầy đủ. Thông tin ở Việt Nam đến với tất cả người dân Mỹ là chưa nhiều, thời điểm tháng 8,9,10 nhiều đối tác của tôi vẫn hỏi, Việt Nam đã ổn về Covid chưa? Các dịch vụ, hoạt động du lịch đã trở lại bình thường chưa?…"

Theo ông Tuấn, ngoài những lý do nói trên thì việc các nước trong khu vực vượt xa Việt Nam về số lượt khách quốc tế là bởi, chính phủ của họ hành động, hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.

Trong khi Việt Nam hầu như các doanh nghiệp, lữ hành du lịch phải "tự bơi" mà có rất ít sự đồng hành, chung tay hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự sát sao, kịp thời đưa ra những định hướng cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Một năm nhìn lại du lịch: Thị trường nội địa thắng thế, thị trường quốc tế vẫn “èo uột”, ảm đạm - Ảnh 5.

Mù Cang Chải vào mùa lúa chín cũng là điểm hấp dẫn du khách.

"Tôi ví dụ như hiện tại, thị trường Ấn Độ đang rất tốt, vậy cơ quan quản lý nhà nước nên có định hướng cho các doanh nghiệp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp để đẩy mạnh, tăng chuyến bay hơn ở thị trường này.

Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, lữ hành với cả hai chiều đón khách Ấn Độ đến Việt Nam và đưa khách Việt Nam đến Ấn Độ. Hay như tới đây tháng 3/2023, Trung Quốc mở cửa biên giới, du lịch hoạt động trở lại thì nên chuẩn bị xúc tiến quy mô, sâu vào Trung Quốc, lôi kéo inbound về Việt Nam.

Hoặc tạo thị trường mục tiêu ở Mỹ, châu Âu, tạo mối quan hệ để làm sao hai bên có hợp tác hai chiều. Nếu doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đưa khách sang Mỹ, châu Âu thì bên đó cũng cần có phương án hỗ trợ đẩy khách về Việt Nam", ông Tuấn cho biết.

Giải pháp cho du lịch Việt: Cần tháo gỡ thủ tục về visa, phát triển kinh tế đêm

Một năm nhìn lại du lịch: Thị trường nội địa thắng thế, thị trường quốc tế vẫn “èo uột”, ảm đạm - Ảnh 6.

Sa Pa nhìn từ trên cáp treo vào mùa nước đổ. Ảnh: Huy Hoàng

Nói về giải pháp để năm 2023, mục tiêu đề ra là 8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam có thể đạt được, theo ông Hoàng Nhân Chính, cần tháo gỡ thủ tục về visa, mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực, kéo dài thị thực lên 30 đến 45 ngày và được gia hạn nhiều lần, tương tự như Thái Lan. Đồng thời, mở rộng các quốc gia được cấp thị thực điện tử, tên miền nên được thay đổi để khách nước ngoài dễ tìm kiếm hơn, giao diện thân thiện với khách du lịch quốc tế.

Ông Phạm Hà, chủ tịch Lux Group đưa ra giải pháp là sự liên kết xúc tiến giữa cơ quan nhà nước, khách sạn, hàng không, đặc biệt là vai trò quan trọng đi trước của các hàng hàng không, từ đó mới có thể đạt được mục tiêu mà chúng ta đã đề ra.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Viettravel thì đề xuất, cần đánh giá cụ thể về kết quả khôi phục ngành du lịch quốc tế sau ngày 15/3/2022 trên cơ sở so sánh với các nước trong khu vực về: Chính sách, thị trường, chương trình quảng bá, hỗ trợ của chính phủ đối với ngành du lịch…

Ban hành kế hoạch cấp quốc gia về khôi phục và phát triển ngành du lịch; Nhanh chóng thành lập tổ công tác đặc biệt để phục hồi khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trong đó có sự tham gia của cơ quan quản lý về du lịch và các doanh nghiệp tư nhân.

Một năm nhìn lại du lịch: Thị trường nội địa thắng thế, thị trường quốc tế vẫn “èo uột”, ảm đạm - Ảnh 7.

Vịnh Lan Hạ, Cát Bà, Hải Phòng. Ảnh: Huy Hoàng

Ông Kỳ nhấn mạnh thêm trong các đề xuất đó là sản phẩm du lịch: "Cần đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, mua sắm hoàn thuế và nhiều dịch vụ hấp dẫn vào ban đêm tại các điểm đến địa phương. Phát triển kinh tế ban đêm cần gắn với văn hóa bản địa, nâng cao sức cạnh tranh của từng địa phương. Khách đến Việt Nam vẫn đi ngủ sớm, không có nhiều dịch vụ để tiêu tiền. "Bỏ quên" kinh tế ban đêm đang là rào cản khiến du lịch Việt Nam đi sau nhiều nước".

Một số doanh nghiệp thì đưa ra giải pháp cần đa dạng hóa thị trường du lịch, đồng thời tăng cường khai thác du lịch cao cấp quốc tế khách du lịch MICE đến Việt Nam với các sự kiện ngoại giao, thương mại, kinh tế, đầu tư, hội chợ, hội nghị, các sự kiện thể thao, văn hoá quốc tế… tăng cường các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế giữa Chính phủ với các bộ, ngành, các địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem