Một ngân hàng bán vàng giá 82,5 triệu đồng/lượng, "đắt" hơn 5,5 triệu so với giá vàng "bình ổn"

Linh Anh Thứ sáu, ngày 14/06/2024 06:05 AM (GMT+7)
Trong phiên ngày 13/6, đa số các ngân hàng bán vàng miếng SJC ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Đáng chú ý, có một ngân hàng bán vàng với giá 82,5 triệu đồng/lượng, "đắt" hơn 5,5 triệu so với giá vàng "bình ổn" của các NHTMNN.
Bình luận 0

Một ngân hàng bán vàng giá 82,5 triệu đồng/lượng

Trong phiên hôm qua (13/6), giá bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là 75,98 triệu đồng/lượng. Mức giá này đã duy trì 6 phiên liên tiếp, kể từ ngày 6/6.

Thống kê của Dân Việt tại 13 ngân hàng trong phiên ngày 13/6 chia các ngân hàng thành hai nhóm:

Nhóm thứ nhất bao gồm 4 NHTMNN (Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank) cùng với Công ty SJC tham gia bán vàng miếng Ngân hàng Nhà nước. Trong phiên, 5 đơn vị niêm yết vàng SJC với giá "bình ổn" là 76,98 triệu đồng/lượng. Đây cũng là phiên thứ 6 liên tiếp, giá vàng không đổi kể từ phiên ngày 6/6.

Đặc biệt, SJC là đơn vị duy nhất trong 5 đơn vị tham gia phương án bình ổn thị trường của NHNN mua vàng.

Một ngân hàng bán vàng giá 82,5 triệu đồng/lượng, "đắt" hơn 5,5 triệu so với giá vàng "bình ổn"- Ảnh 1.

Diễn biến giá vàng SJC 1 tháng qua (từ ngày 13/5 - 13/6). Đơn vị: triệu đồng/lượng. Nguồn: giavang.org.

Trong số 13 ngân hàng thống kê, Dân Việt ghi nhận 5 trong số 9 ngân hàng thương mại cổ phần (ngoại trừ 4 NHTMNN: Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) niêm yết vàng SJC bằng với giá "bình ổn" của các NHTMNN là 76,98 triệu đồng/lượng. 5 nhà băng đó bao gồm: SeABank, TPBank, VPBank, Nam A Bank và VietABank.

1 trong số 4 các ngân hàng TMCP còn lại, ngân hàng SCB niêm yết vàng SJC loại 1, 2, 5 chỉ mua vào - bán ra ở mức 7,44 - 7,98 triệu đồng/chỉ. Vàng SJC 1 lượng (tức 10 chỉ) niêm yết 7,45 triệu đồng/chỉ mua vào và 7,98 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, giá bán vàng SJC tại ngân hàng SCB "nhỉnh" hơn giá vàng tại 4 NHTMNN và công ty SJC là khoảng 282.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, tại lần cập nhật lần đầu tiên trong ngày, ngân hàng ACB niêm yết giá vàng SJC mua vào - bán ra lần lượt ở mức 76,98 - 79,98 triệu đồng/lượng, "đắt" hơn 3 triệu đồng/lượng so với giá vàng "bình ổn" tại 4 NHTMNN. 

Tại lần cập nhật cuối ngày (lần thứ 3), giá vàng SJC của ngân hàng ACB giảm 480.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, lần lượt ở mức 76,5 triệu đồng/lượng mua vào và 79,5 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, sau điều chỉnh, giá bán vàng miếng SJC của ACB vẫn cao hơn 2,52 triệu đồng/lượng so với giá vàng miếng được 5 đơn vị tham gia bán vàng "bình ổn" của NHNN. Đây cũng là mức giá niêm yết vàng SJC tại ngân hàng SCB trong phiên ngày 13/6.

Đặc biệt, khảo sát ngày 13/6 lúc 9h20', ngân hàng Eximbank niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào là 7,648 triệu đồng/chỉ và giá bán ra 7,968 triệu đồng/chỉ. Cập nhật lúc 13h32' cùng ngày, giá vàng SJC tại Eximbank giảm 150.000 đồng đồng/chỉ mua vào và 70.000 đồng/chỉ bán ra so với giá niêm yết buổi sáng, mua vào - bán ra lần lượt về mức 7,484 triệu đồng/chỉ và 7,898 triệu đồng/chỉ.

Dù đã "hạ nhiệt" nhưng mức giá tại tại Eximbank vẫn cao hơn 2 triệu đồng/lượng so với giá vàng niêm yết tại 4 NHTMNN.

Một ngân hàng bán vàng giá 82,5 triệu đồng/lượng, "đắt" hơn 5,5 triệu so với giá vàng "bình ổn"- Ảnh 2.

Giá vàng SJC tại Eximbank lúc 13h32' ngày 13/6. Ảnh: Eximbank.

Đáng chú ý, tại HDBank, nhà băng này niêm yết vàng SJC Sheet Gold ở mức 79 triệu đồng/lượng mua vào và 82,5 triệu đồng/lượng bán ra. Đây cũng là nhà băng niêm yết giá vàng cao nhất trong nhóm ngân hàng thống kê.

Như vậy, giá vàng tại HDBank đang "đắt" hơn 5,52 triệu đồng/lượng so với giá vàng "bình ổn" tại 4 NHTMNN và Công ty SJC.

Cập nhật đến ngày 13/6/2024, giá vàng thế giới mua vào là 2.316 USD/ouce và bán ra là 2.317 USD/ouce. Trong khi đó, giá vàng SJC trong nước cũng giữ ổn định ở mức mua vào là 74,98 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 76,98 triệu đồng/lượng.

Như vậy, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới những ngày gần đây chỉ khoảng trên dưới 4 triệu đồng/lượng - là mức "chấp nhận được" như một số chuyên gia nhận định.

GS. TS. Trần Thọ Đạt nhận định, trong bối cảnh nhiều biến động, vàng có thể là kênh trú ẩn an toàn nhưng nếu chọn vàng là kênh đầu tư thì có nhiều rủi ro.

"Nếu người dân không đầu tư vào các kênh khác để sản xuất kinh doanh mà tiếp tục đẩy mạnh mua vàng thì nguồn lực này sẽ nằm im trong dân, không có lợi cho nền kinh tế. Về lâu dài, Chính phủ cũng cần có giải pháp làm cho các kênh đầu tư tài sản, tài chính khác trở nên hấp dẫn hơn để người dân có các lựa chọn thay thế, giảm tập trung vào vàng", ông Đạt nói.

Còn theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng: Vàng là một kênh đầu tư truyền thống của người dân bên cạnh các kênh truyền thống khác như bất động sản, gửi tiết kiệm... Bởi vậy, để người dân giảm đầu tư vào vàng, biến vàng thành nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, giải pháp căn cơ là Nhà nước cần khuyến khích phát triển các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu..., bên cạnh việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô như thời gian qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem