Một ngôi tháp cổ 14 tầng ở Nam Định đậm dấu tích hào khí Đông A nước Đại Việt thời nhà Trần

Mai Chiến Thứ hai, ngày 06/05/2024 05:36 AM (GMT+7)
Tháp Phổ Minh, (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) có 14 tầng, cao hơn 19m, được xây dựng theo lối truyền thống phổ biến thời văn hóa nhà Trần với kiểu dáng hình vuông. Năm 2007, tháp Phổ Minh được xác lập kỷ lục là ngôi tháp cổ bằng ngạch xưa nhất ở Việt Nam.
Bình luận 0

Tháp Phổ Minh, một tháp cổ ở thành phố Nam Định, (tỉnh Nam Định) gồm 14 tầng, cao hơn 19m, được xây bằng gạch xưa nhất ở Việt Nam. Video: Mai Chiến.

Tháp Phổ Minh hơn 700 năm sừng sững, hiên ngang cùng thời gian

Chùa Phổ Minh tọa lạc tại phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) được xây dựng từ thời nhà Lý, nơi đặt vạc Phổ Minh - một trong tứ đại khí của Đại Việt. Quy mô chùa được mở rộng với quy mô lớn cùng với việc xây dựng các cung điện ở Thiên Trường dưới thời nhà Trần vào năm 1262.

Một ngôi tháp cổ 14 tầng ở Nam Định đậm dấu tích hào khí Đông A nước Đại Việt thời nhà Trần- Ảnh 1.

Tháp Phổ Minh (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) có tuổi đời hơn 700 năm. Ảnh: Mai Chiến.

Bởi thế, chùa Phổ Minh được coi là đại danh lam của nước Việt xưa gắn liền với những nhân vật lịch sử thời Trần. Hiện nay, trong chùa còn lưu giữ nhiều bảo vật thời nhà Trần.

Trong đó, có tháp Phổ Minh, được đặt giữa sân chùa Phổ Minh. Bước qua cổng Tam quan chùa, du khách sẽ nhìn thấy ngọn tháp cổ đã bạc màu theo thời gian.

Tháp cổ Phổ Minh được xây dựng trong khoảng từ năm 1305 - 1308 theo lối truyền thống phổ biến thời văn hóa nhà Trần với kiểu dáng hình vuông; gồm 14 tầng, cao 19,5m; ở các tầng đều trổ 4 cửa vòm cuốn, giữa các tầng là gờ mái.

Một ngôi tháp cổ 14 tầng ở Nam Định đậm dấu tích hào khí Đông A nước Đại Việt thời nhà Trần- Ảnh 2.

Đế tháp Phổ Minh được làm toàn bộ bằng đá, các tảng đá có nhiều kích thước khác nhau... Ảnh: Mai Chiến.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năm - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, tháp Phổ Minh gồm 3 thành phần chính: Đế tháp, thân tháp và đỉnh tháp.

Cụ thể, đế tháp Phổ Minh được làm toàn bộ bằng đá, các tảng đá có nhiều kích thước khác nhau, được chạm khắc hoa văn cánh sen, hoa văn sóng nước và toàn bộ đế mang hình ảnh của 1 cỗ kiệu.

Thân tháp có 14 tầng, các tầng tháp mang dáng dấp chung, nhưng có khác nhau một số chi tiết. Tầng 1 được xây hoàn toàn bằng đá xanh với nhiều kiểu dáng, kích thước phù hợp với từng kích cỡ; tầng cao 1,87m được kết cấu với các thành phần như cột, xà, cửa, tường "long ngó", "ô bàn cờ", mái. Trên tầng 1 có một cấp đá tạo dáng hoa sen đỡ tầng 2.

Một ngôi tháp cổ 14 tầng ở Nam Định đậm dấu tích hào khí Đông A nước Đại Việt thời nhà Trần- Ảnh 3.

Thân tháp cổ có 14 tầng, các tầng tháp mang dáng dấp chung, nhưng có khác nhau một số chi tiết. Ảnh: Mai Chiến.

Từ tầng 2 trở lên được xây bằng gạch, trát vữa, góc mái cong. Các trụ góc và cửa vòm đều bằng đá, cửa tháp xây kín. Càng lên cao, các tầng càng thu nhỏ dần từ diện tích, chiều cao, kích thước.

Đỉnh tháp là một khối đá tạo dáng hình bông sen bao gồm nhiều tầng lớp khác nhau như: Đỉnh búp sen thuôn mập, gồm 5 lớp cánh sen ngửa, chụm; trong đó lớp cuối cùng có viền kép và có đường sống nổi ở giữa. Các lớp cánh sen dưới cùng úp xuống và đều là dạng cánh có viền kép, dáng cánh sen hơi mập.

Một ngôi tháp cổ 14 tầng ở Nam Định đậm dấu tích hào khí Đông A nước Đại Việt thời nhà Trần- Ảnh 4.

Đỉnh tháp cổ Phố Minh là một khối đá tạo dáng hình bông sen. Ảnh: Mai Chiến.

Toàn bộ búp sen được đặt trên một khối đất nung, dáng thuôn phình hai tầng màu đỏ. Đỉnh búp sen kết thúc 14 tầng của tháp Phổ Minh.

Tháp Phổ Minh - ngôi tháp cổ bằng ngạch xưa nhất ở Việt Nam

Theo các nhà nghiên cứu, vật liệu xây dựng tháp Phổ Minh chủ yếu là đá xanh, gạch (có nhiều loại khác nhau). Mỗi đầu viên gạch có dòng chữ "Hưng Long thập tam niên", nghĩa là năm Hưng Long thứ mười ba 1305 và khắc họa con rồng nổi thời Trần.

Một ngôi tháp cổ 14 tầng ở Nam Định đậm dấu tích hào khí Đông A nước Đại Việt thời nhà Trần- Ảnh 5.

Tháp Phổ Minh được đặt giữa sân chùa Phổ Minh (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Ảnh: Mai Chiến.

Ở tháp Phổ Minh, ngoài sự kiên cố của vật liệu đá ở tầng dưới, các tầng trên được tạo bởi một cột đồng, xung quanh cột đồng này xếp các loại gạch làm cốt tháp. Để liên kết vật liệu bên ngoài, người ta còn dùng các dây đồng; dây đồng được vê xoắn chặt chẽ, sau đó còn có các lá đồng bọc lấy các nút xoắn, vừa làm cho mối dây gọn, vừa tăng thêm sự chắc chắn của dây đồng.

Về chủ đề trang trí trên tháp Phổ Minh gồm có: rồng sóc, hoa sen, hoa cúc, hoa mai, hoa lá, sóng nước, mây trời.

Trong thời Trần, tháp Phổ Minh được coi là ngôi tháp lớn nhất, hiện vẫn còn trụ vững đến ngày nay, khá nguyên vẹn cả về cấu trúc lẫn vị trí. Đặc biệt, tháp Phổ Minh còn có những sáng tạo mới và độc đáo như đã đưa các ý tưởng tôn giáo, tín ngưỡng và kiến trúc (cỗ kiệu đá và hồ nước cách điệu) mà ở các ngôi tháp khác không có.

Một ngôi tháp cổ 14 tầng ở Nam Định đậm dấu tích hào khí Đông A nước Đại Việt thời nhà Trần- Ảnh 6.

Chính giữa các tường có để 4 cửa ra vào tháp cổ, ở trước có các đôi rồng đá, sóc. Ảnh: Mai Chiến.

Qua quan sát của chúng tôi, xung quanh tháp Phổ Minh có tường bao quanh, ở các điểm trụ đều có đèn lồng. Chính giữa các tường có để 4 cửa ra vào tháp, ở trước có các đôi rồng đá, sóc.

Dưới chân tháp Phổ Minh là 2 cây hương lớn (hay còn gọi là cột kinh) được làm bằng đá, tạo tác vào thế kỷ 17. Trước 2 cột kinh lớn là 2 cột kinh nhỏ, được tạo tác tinh xảo, theo hình hoa sen; trên đỉnh chạm cánh sen, bên trong có hình ảnh Phật ngồi trên tòa hoa sen.

Đặc biệt, xung quanh các cột kinh và bát hương còn có 12 chân tảng đá hoa cánh sen có dáng dấp và kích thước khá gần nhau.

Một ngôi tháp cổ 14 tầng ở Nam Định đậm dấu tích hào khí Đông A nước Đại Việt thời nhà Trần- Ảnh 7.

Dưới chân tháp Phổ Minh là 2 cây hương lớn (hay còn gọi là cột kinh) được làm bằng đá, bát hương và 12 chân tảng đá hoa cánh sen có dáng dấp và kích thước khá gần nhau. Ảnh: Mai Chiến.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năm - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, tháp Phổ Minh là một ngôi tháp tiêu biểu của thiền phái Trúc Lâm, một thành công cho kỹ thuật xây dựng tháp thời Trần, có đóng góp quan trọng vào nghệ thuật kiến trúc tháp cổ Việt Nam.

Có thể nói rằng, tháp Phổ Minh không chỉ là một công trình quý giá về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc mà mang trong mình cả niềm tự hào dân tộc thể hiện ý chí, hiên ngang, bất khuất của Hào khí Đông A.

Chùa Phổ Minh gắn với triều đại nhà Trần - triều đại phong kiến Việt Nam đối với với sự xâm lược của đế quốc mạnh nhất lúc bấy giờ là đế quốc Nguyên Mông, bởi nhà Trần đã 3 lần đánh bại sự lâm lược của quân Nguyên Mông. Chính vì vậy, tháp Phổ Minh được coi là biểu tượng của tỉnh Nam Định.

Một ngôi tháp cổ 14 tầng ở Nam Định đậm dấu tích hào khí Đông A nước Đại Việt thời nhà Trần- Ảnh 8.

Năm 2007, tháp Phổ Minh được xác lập kỷ lục là ngôi tháp cổ bằng ngạch xưa nhất ở Việt Nam. Ảnh: Mai Chiến.

Năm 1991, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã in hình ảnh tháp Phổ Minh lên tờ tiền giấy mệnh giá 100 đồng. Năm 2007, tháp Phổ Minh được xác lập kỷ lục là ngôi tháp cổ bằng ngạch xưa nhất ở Việt Nam.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Di tích lịch sử - văn hóa đền Trần và chùa Phổ Minh là Di tích quốc gia đặc biệt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem