Bảo vật quốc gia ở một đền thờ cổ ở Nam Định là một vật hễ ai bước vào tòa tiền đường đều trông thấy

Vũ Thị Tuyết Mai (Cổng TTĐT TP Nam Định) Thứ hai, ngày 17/07/2023 23:18 PM (GMT+7)
Bộ cánh cửa ở gian giữa tòa tiền đường đền Thiên Trường trong cụm Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần–chùa Tháp, thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) là bảo vật quôc gia vô giá từ thế kỷ XVII thời Hậu Lê...
Bình luận 0

Tức Mặc vốn là mảnh đất dấy nghiệp, là quê hương của vương triều Trần, tiêu biểu là cung điện Trùng Quang nơi Thượng hoàng nhà Trần về ngự.

Cung điện Trùng Hoa nơi các đương kim Hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị Thái Thượng hoàng. Năm 1262, nhà Trần đã thăng hương Tức Mặc lên thành phủ Thiên Trường.

 Khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần tọa lạc tại hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường xưa, nay là khu dân cư Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) là cụm di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích thời Trần ở Nam Định nói riêng và cả nước nói chung.

Khu di tích được Bộ văn hóa xếp hạng di tích quốc gia ngày 28/4/1962 tại quyết định số 313/VHQĐ. Đến ngày 27/9/2012 Thủ tướng chính phủ có quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng là di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

Vào đầu thế kỷ XV, nước Đại Việt bị đặt dưới sự đô hộ của giặc Minh. Những cung điện nguy nga, tráng lệ của hành cung Thiên Trường đã bị quân xâm lược tàn phá, hủy hoại. 

Theo nguồn thư tịch cổ như văn bia, gia phả, sắc phong, câu đối… cùng truyền thuyết địa phương xác nhận: Đền Thiên Trường đã được dân làng Tức Mặc dựng lên để thờ phụng vua cha, lúc đó gọi là nhà thờ Đại tôn. 

Đến niên hiệu Chính Hòa 15 (1694) đời Vua Lê Hy Tông, nhà thờ mới được dựng bằng gỗ lim. Năm 1705, nơi này chính thức được gọi là Trần Miếu và hằng năm triều đình có ban lệ quốc tế (tục lệ tế của quốc gia).                                                    

Bảo vật quốc gia ở một đền thờ cổ ở Nam Định là một vật hễ ai bước vào tòa tiền đường đều trông thấy - Ảnh 1.

Bộ cánh cửa ở gian giữa tòa tiền đường đền Thiên Trường trong cụm Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần – chùa Tháp, thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) là bảo vật quôc gia vô giá. Phần trên khung cửa chạm lưỡng long chầu mặt nguyệt. Mặt nguyệt được chạm như một bông hoa mai, xung quanh cài mây tản lá hỏa, ở giữa bông hoa chạm nổi chữ “Phúc” với đường nét độc đáo...

Hiện nay, khu di tích đền Trần bao gồm 3 ngôi đền: đền Thiên Trường (còn gọi là đền Thượng) là nơi thờ tứ vị Thủy tổ, 14 vị Hoàng đế cùng các đế hậu, đế phi. 

Đền Cố Trạch (còn gọi là đền Hạ) là nơi thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến, gia tướng. Đền Trùng Hoa là nơi thờ tượng đồng 14 vị Hoàng đế.

Đền Thiên Trường là ngôi đền cổ nhất trong khu di tích. Công trình kiến trúc đền Thiên Trường chủ yếu được trùng tu lớn vào thời Nguyễn; hiện nay di tích còn lưu giữ một số chân tảng đá hoa sen mang phong cách nghệ thuật thời Trần thế kỷ XIII và bộ cánh cửa tòa tiền đường bằng gỗ lim chạm rồng thời Hậu Lê thế kỷ XVII còn bảo lưu được khung cửa, bạo cửa tạo thế uốn vành mai, soi chạm lớp lớp cánh lá sinh động - một phần kiến trúc còn lại của công trình cũ càng tôn thêm vẻ uy nghi cho di tích.  

Phần trên khung cửa chạm lưỡng long chầu mặt nguyệt. Mặt nguyệt được chạm như một bông hoa mai, xung quanh cài mây tản lá hỏa, ở giữa bông hoa chạm nổi chữ “Phúc” với đường nét độc đáo. 

Bên trong bộ khung cửa, bạo cửa là 2 cánh cửa chạm rồng thời Hậu Lê. Cánh cửa 1.5m x 2m chạm kênh bong đôi rồng đang chầu nhau, mồm ngậm ngọc. Rồng có râu tóc uy nghi, lớp vẩy, hàng vây hài hòa lại có thêm vân ám lá hỏa tua tủa vươn lên làm cho đôi rồng oai phong đường bệ.

Ngoài cặp rồng lớn, bộ cửa còn chạm đan xen những rồng con uốn lượn, những chú li ngoái cổ tự nhiên nhìn về phía sau và cặp nghê đang nhẫn nại phủ phục nâng ngạch cửa lên một cách nghệ thuật.

Khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp là khu Di tích quốc gia đặc biệt có nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử, mỹ thuật …, là quê hương, là nơi phát tích của vương triều Trần - triều đại hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp còn là nơi sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt mà tên tuổi đã làm rạng danh cho quê hương, đất nước. Nơi đây không chỉ có các giá trị văn hóa đã, đang và sẽ được bảo tồn, mà còn có giá trị trong lĩnh vực du lịch để giới thiệu, tuyên truyền những bài học dựng nước, giữ nước của cha ông ta cho các thế hệ mai sau.

Vũ Thị Tuyết Mai, BQL khu DTLSVH Đền Trần–Chùa Tháp TP Nam Định (sưu tầm, biên tập)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem