Một người Mỹ nhớ da diết Tết Việt

Thứ sáu, ngày 08/02/2013 07:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Câu đầu tiên khi ông gặp tôi sau bao ngày xa cách: "Mùa này hoa mai Sài Gòn đã đua sắc chưa?". Và tôi hiểu, với Daniel Lawrence Kirisits ký ức về những ngày tết Việt vẫn nguyên vẹn và đau đáu trong ông là nỗi nhớ Việt Nam.
Bình luận 0

Sau ngày chia tay Kirisits ở sân bay Sơn Tân Nhất của 1 năm trước đây, tôi đã nghĩ, không bao giờ có cơ hội để gặp lại, bởi Kirisits cũng đã già và phần công việc ở Việt Nam của ông cũng đã kết thúc. Còn tôi, cơ hội để sang Mỹ rất hiếm, chưa nói đến chuyện lại có thể gặp được ông trong vùng lãnh thổ rộng lớn mênh mông của nước Mỹ.

img
Ông Kirisits trước ngôi nhà do thợ Việt Nam mới sửa.

Nhưng Trái đất quả thật rất tròn! Một người Việt muốn tìm lại người bạn Mỹ ở trên đất Mỹ, còn một người Mỹ, muốn tìm lại chút hương sắc Việt Nam. Cả hai chúng tôi đều đã rất may mắn. Nơi tôi đến công tác chỉ cách nhà của Daniel Lawrence Kirisits chừng 2km, vì vậy trong suốt những ngày ở Mỹ, chúng tôi đã thường xuyên trò chuyện cùng nhau.

Lần đầu tiên sang Việt Nam vào năm 2007, Daniel Lawrence Kirisits làm việc cho một công ty dầu khí ở Sài Gòn. Chúng tôi là đồng nghiệp và nhanh chóng kết thân. Sau một thời gian ở Việt Nam, ông đã đưa vợ sang sống cùng. Vợ của Kirisits là bà Linda, một phụ nữ Mỹ đặc trưng, nhưng cũng yêu thích khám phá những nét văn hóa Việt. Đặc biệt, bà rất thích tìm hiểu về rồng. Những ngày sống cùng chồng ở Việt Nam, bà Linda thường hay lui tới các đền chùa và bảo tàng để tìm hiểu. Mặc dù không phải là một nhà nghiên cứu, nhưng những thông tin bà thu thập được đều được ghi chép lại rất tỉ mỉ. Hầu như tất cả những đền chùa và bảo tàng ở Sài Thành, bà Linda đều đã từng ghé thăm. Niềm đam mê khám phá của vợ cũng đã truyền sang Kirisits từ lúc nào không hay. Ban đầu là ông "tháp tùng" bà đi chùa, sau đó, chính vẻ đẹp ở chốn thanh tịnh đã cuốn hút người đàn ông bận rộn này.

img
Tác giả và ông Kirisits.

Trong ngôi nhà của vợ chồng ông ở University Boulevar, Houston, Texas 77046 bày biện rất nhiều đồ vật ông mang về từ Việt Nam. Trong đó không thiếu những bức họa con rồng, những hình tượng đá, và những bức tranh phong cảnh đồng quê Việt Nam. Kirisits khoe với tôi rằng, vợ chồng ông mới sửa nhà để đón năm mới mà thợ sửa nhà của ông cũng chính là một người Việt nhập cư. Ông nói, dù thiết kế phải hiện đại và phù hợp với chuẩn Mỹ, nhưng ông vẫn muốn được sống trong ngôi nhà có chút kiến trúc mang phong cách Việt Nam.

Kirisits vẫn nhớ như in, suốt 4 năm sống ở Việt Nam, cứ mỗi lần tết đến, vợ chồng ông lại sửa soạn đi chùa vãn cảnh, xin lộc như một gia đình thuần Việt vậy. Ông nhớ khoảnh khắc một ngày trước khi năm mới đến, vợ chồng ông cũng gác lại hết công việc, cùng nhau đi mua sắm và chuẩn bị cho một cái tết sung túc như người Việt.

Ông nhớ phiên chợ chiều 30 Tết, đường Nguyễn Huệ như ngập tràn sắc xuân. Những cành mai sắc vàng óng ánh trong nắng, có cả những cành đào từ ngoài Bắc chuyển vào, những giỏ quà được gói cẩn thận, đẹp mắt bày bán trong các cửa hàng, người Việt rộn rã, tấp nập mua bán, khiến những người nước ngoài như vợ chồng ông cũng bị cuốn theo.

Trong ngôi nhà ông thuê ở Việt Nam, không có bánh chưng, bánh tét và những hũ dưa hành như người Việt, nhưng có cành mai vàng đẹp rực rỡ như mang cả mùa xuân vào nhà. Kirisits còn nhớ lại những ngày sau tết, những đồng nghiệp Việt Nam thường mang bánh chưng lên cơ quan để ăn cùng nhau, và Kirisits là người tham gia nhiệt tình nhất.

Cho đến bây giờ, khi đã trở về Mỹ, vào dịp người Mỹ đón năm mới, Kirisits luôn nhẩm tính đến ngày lịch âm để tính đến thời khắc người Việt đón Tết. Cứ như vậy, hương vị của bánh chưng và hương sắc của hoa mai đã in đậm trong tâm trí của người Mỹ này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem