Một ông nông dân Lai Châu “hô biến” 3 cây hoa hồng cổ thành vườn hoa hồng trong thung lũng đẹp như phim

Thanh Ngân - Phạm Hoài Thứ sáu, ngày 11/03/2022 13:06 PM (GMT+7)
Từ 3 cây hồng cổ Sa Pa mua về lúc ban đầu, một lão nông ở Lai Châu đã “hô biến” thành vườn hồng đẹp như tranh, ai nhìn cũng mê. Đó là ông nông dân Bạch Thanh Quang, ở bản Hưng Bình (xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu).
Bình luận 0

Gây dựng vườn trồng hoa hồng đẹp như phim từ 3 cây hoa hồng cổ Sa Pa

Clip: Ông nông dân Bạch Thanh Quang, ở bản Hưng Bình (xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) tiết lộ kinh nghiệm trồng hồng cổ Sa Pa, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên loài hoa hồng cổ quý hiếm này.

Vườn hồng cổ Sa Pa đẹp như phim của lão nông họ Bạch, nằm ngay bên cạnh tỉnh lộ 136 (thành phố Lai Châu – Tam Đường) đoạn chạy qua bản Hưng Bình, xã Bình Lư. 

Bất kỳ ai ngang qua nơi này, cũng muốn dừng lại thật lâu để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hàng trăm cây hồng cổ đang nở hoa khoe sắc, tỏa hương thơm ngào ngạt. 

Nhưng ít ai biết, vườn hồng đẹp như tranh ấy lại được "sinh ra" từ 3 cây hồng cổ, mà lão nông Bạch Ngọc Quang mua lúc ban đầu.

Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, ông Quang bộc bạch: "Trong các loài hoa hồng cổ, tôi thích nhất là hoa hồng cổ Sa Pa. 

Năm 2018, tôi không chút đắn đo, bỏ ra hơn chục triệu đồng mua 3 cây hồng cổ về trồng, chăm sóc và nhân giống, vừa để thỏa niềm đam mê bấy lâu của mình, vừa phát triển kinh tế gia đình...".

Thời điểm đó, hoa hồng cổ Sa Pa có giá trị kinh tế khá cao. Giống hoa hồng quý này cũng được nhiều người ưa chuộng...

Lão nông Lai Châu “hô biến” 3 cây hồng cổ thành vườn hồng đẹp như tranh - Ảnh 2.

Ông Bạch Ngọc Quang, bản Hưng Bình (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) bắt đầu trồng hồng cổ Sa Pa từ năm 2018. (Ảnh: Thanh Ngân)

Sau khi mua về, 3 cây hồng cổ Sa Pa được ông Quang chăm sóc rất cẩn thận. Ông tự mầy mò học hỏi kĩ thuật chăm sóc, nhân giống hoa hồng cổ qua sách, báo, internet. 

Hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, lại được ông chăm bẵm mỗi ngày, 3 cây hồng cổ nhanh chóng bén rễ, sinh trưởng, phát triển tốt.

Khi 3 cây hồng cổ phát triển ổn định cũng là lúc ông Quang tính đến chuyện nhân giống, mở rộng vườn hồng của gia đình. Ông Quang nhân giống hồng cổ bằng cách giâm cành.

"Kĩ thuật giâm cành hoa hồng khá đơn giản. Tôi chọn và cắt những cành bánh tẻ từ 3 cây hồng cổ. Những cành được lựa chọn cắt nhân giống không được quá già và cũng không non quá. Từ những cành bánh tẻ đó, tôi cắt thành từng đoạn, mỗi đoạn từ 25 – 30cm...", ông Quang hé lộ.

Theo ông Quang, những đoạn cành giâm đó được nhúng thuốc kích rễ chừng 15 phút, sau đó mới đưa ra trồng trong bầu...

Ông Quang cho hay, giá thể trồng nhân giống hoa hồng cổ Sa Pa chủ yếu là đất màu tơi xốp. Khi giâm cành không cần phải bón phân, mà chỉ cần tưới nước thường xuyên là được. 

Thời điểm giâm cành thích hợp nhất là từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau. Khi cành giâm nảy mầm, ra từ 3 – 4 lá thì có thể đưa ra trồng trực tiếp xuống đất hoặc trồng trong chậu đều được. 

Lão nông Lai Châu “hô biến” 3 cây hồng cổ thành vườn hồng đẹp như tranh - Ảnh 3.

Trong vườn nhà ông Quang hiện có hơn 500 cây hồng cổ Sa Pa. (Ảnh: Thanh Ngân)

Ông Quang chủ yếu trồng cây hồng cổ Sa Pa trực tiếp xuống đất, sau khi đã lên luống cẩn thận.

Làm giàu từ trồng hoa hồng cổ Sa Pa

Chia sẻ với Dân Việt về kĩ thuật trồng hoa hồng, chăm sóc cây hồng cổ Sa Pa, ông Quang cho hay, hoa hồng cổ Sa Pa là giống cây thân gỗ. Ông sử dụng phân chuồng hoai mục để bón lót cho cây hồng cổ khi trồng. 

"Trong quá trình chăm sóc cây hồng cổ Sa Pa, cứ cách từ 2 – 3 tháng, tôi lại cho chúng "ăn" phân NPK một lần. Tùy vào mức độ sinh trưởng, phát triển của cây hồng cổ, mà tôi cho chúng "ăn" phân với liều lượng phù hợp. Khi cây hồng cổ trưởng thành, thì mỗi năm tôi bón cho chúng 2 lần phân chuồng ủ hoai mục và 4 lần cho "ăn" NPK", ông Quang thổ lộ.

Lão nông Lai Châu “hô biến” 3 cây hồng cổ thành vườn hồng đẹp như tranh - Ảnh 4.

Vườn hồng cổ Sa Pa của gia đình ông Quang đẹp như tranh, ai nhìn cũng mê. (Ảnh: Thanh Ngân)

Ngoài cho ăn đủ dinh dưỡng, ông Quang còn thường xuyên tưới nước cho cây hồng cổ Sa Pa. Cứ cách từ 4 – 5 ngày, ông Quang lại tưới nước cho vườn hồng một lần, tránh tình trạng để đất khô quá. Bên cạnh đó, ông Quang cũng đặc biệt chú ý đến khâu phòng trừ sâu bệnh hại cho vườn hồng cổ.

Lão nông Lai Châu “hô biến” 3 cây hồng cổ thành vườn hồng đẹp như tranh - Ảnh 5.

Mỗi năm, ông Quang bán ra thị trường trên dưới 800 cây hồng cổ Sa Pa. (Ảnh: Thanh Ngân)

"Cây hồng cổ Sa Pa thường xuất hiện một số nấm bệnh như: Phấn trắng, nhện đỏ, sâu vẽ bùa và bệnh nhờn. Những loại sâu bệnh hại cây hồng này thường xuất hiện theo mùa. 

Vì vậy, trong quá trình chăm sóc phải thường xuyên thăm nom, phát hiện và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho vườn hồng. Với mỗi loại sâu bệnh hại, tôi sử dụng loại thuốc đặc trị để phun phòng trước khi chúng xuất hiện" – ông Quang thông tin.

Theo ông Quang, sở dĩ ông thích nhất loài hồng cổ Sa Pa là vì giống hồng này có nhiều ưu điểm. Hồng cổ không chỉ sai hoa, mà màu sắc cánh hoa cũng rất đẹp. 

Tùy vào cách chăm sóc và địa lí nơi trồng, mà hồng cổ Sa Pa cho màu sắc khác nhau. Khi trời râm mát thì hồng cổ Sa Pa có màu đỏ thắm. Còn khi nắng lên thì màu sắc cánh hoa sẽ nhạt hơn.

Vườn hồng cổ Sa Pa đẹp như tranh của ông Quang rộng chừng 300m2, với hơn 500 cây hồng cổ ở nhiều độ tuổi khác nhau, đều đang độ nở hoa, khoe sắc. 

Tùy vào cây hồng to hay nhỏ, mà ông Quang bán ra thị trường với giá khác nhau. 

Ông Quang bán cây giống với giá 40.000 đồng/cây. Còn với cây hồng cổ 1 năm tuổi, ông Quang bán với giá trên dưới 300.000 đồng/cây. Mỗi năm bán ra thị trường hơn 800 cây hồng cổ, với giá bình quân khoảng 400.000 đồng/cây, ông Quang thu về hơn 300 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem