100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số-miền núi ở Bình Thuận đều đã có đường ô tô đến nơi
100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số-miền núi ở Bình Thuận đều đã có đường ô tô đến nơi
Bùi Phụ
Thứ hai, ngày 28/08/2023 12:50 PM (GMT+7)
Ngày 28/8, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, vừa ký văn bản tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Cuộc sống bà con dân tộc ở một vùng núi rừng được phát triển
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Qua đó các địa phương đã chủ động tổ chức và huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tính đến nay, tình hình sản xuất và đời sống của người dân vùng ĐBDTTS và miền núi cơ bản ổn định, đời sống văn hóa nâng lên từng ngày.
Một ngày trung tuần tháng 8/2023, PV Dân Việt có chuyến đi thực tế về xã vùng cao Phan Dũng huyện Tuy Phong nơi có đông đồng báo dân tộc Raglai đang sinh sống.
Có thể nói, Phan Dũng là xã vùng cao, giáp tỉnh Lâm Đồng, trước đây đời sống còn nhiều khó khăn thì này đang "thay da đổi thịt" từng ngày.
Dạo một vòng qua các tuyến đường chính của xã Phan Dũng, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống mới vui tươi, thanh bình ở miền sơn cước này.
Nhiều hộ gia đình đang tranh thủ phơi những nông sản vừa thu hoạch được, chuẩn bị bán cho thương lái từ dưới xuôi lên mua vận chuyển về phố thị bán cho người tiêu dùng…
Có thể nói Phan Dũng giang tay đón chúng tôi bằng khung cảnh êm đềm của một miền sơn cước hữu tình. Tô điểm vào đó là những cánh đồng lúa pha lẫn trong màu xanh của núi rừng trùng trùng điệp điệp. Khung cảnh này đã tạo cho chúng tôi một cảm giác rất dễ chịu…
Ấn tượng nhất khi xe chúng tôi chạy bon bon trên đường đèo quanh co, uốn lượn một bên sườn núi cao vời vợi, một bên là những cánh đồng lúa dưới các thung lũng khiến cho Phan Dũng đẹp hơn.
Gần 20 năm trước, chúng tôi đã một lần đi Phan Dũng, đường đi lúc đó từ thị trấn Liên Hương(huyện Tuy Phong) lên Phan Dũng rất khó khăn. Nhóm chúng tôi phải chuẩn bị lương thực, mang ba lô trèo đèo, lội suối vất vả gần 2 ngày mới đến nơi. Nay từ thị trấn Liên Hương(giáp Quốc lộ 1A) chỉ hơn 1 giờ xe máy, chúng tôi đã có mặt ở Phan Dũng.
Theo ông Nguyễn Quốc Nam – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, năm 2009, UBND tỉnh Bình Thuận đầu tư làm tuyến đường nhựa dài hơn 30 km từ Quốc lộ 1A lên tận xã vùng cao Phan Dũng. Nhờ tuyến đường này nên đời sống kinh tế - xã hội – văn hóa của bà con đã miền núi đã phát triển tốt hơn trước rất nhiều.
Cũng nhờ tuyến đường này, mấy năm qua dân phượt đã khám phá ra tuyến đường trekking Phan Dũng – Tà Năng (xuyên qua 2 tỉnh Bình Thuận - Lâm Đồng), nên bà con xã Phan Dũng tập làm du lịch phục vụ du khách gần xa, đời sống theo đó phát triển tốt hơn...
Theo UBND xã Phan Dũng, trên toàn xã có hơn 250 hộ, với hơn 800 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Raglai đang sinh sống. Hầu hết những hộ này trước đây được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, 100%. Nhà nào cũng có điện thắp sáng và sạch để nước sinh hoạt.
Xã Phan Dũng có một trạm y tế, đảm bảo trang thiết bị y tế để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Một trường THCS, tiểu học và mẫu giáo được xây dựng quy mô, khang trang đáp ứng nhu cầu học tập của con em bà con trong xã.
Cũng theo UBND xã Phan Dũng, những năm qua, nhờ huyện và tỉnh đầu tư nhiều công trình phúc lợi nên nhiều gia đình bà con đồng bào Raglai được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Nhờ đó, nhiều hộ chăn nuôi bò, dê, heo… trở nên khá giả.
Xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có đường ô tô
Theo UBND tỉnh Bình Thuận hiện nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đường ô tô được nhựa hóa thông suốt đến trung tâm xã.
Hiện có 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh; 98% hộ sử dụng điện lưới Quốc gia; 88,3% hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tính đến đầu tháng 8/2023, vùng ĐBDTTS toàn tỉnh có diện tích cây trồng ước gần 50.000 ha, trong đó diện tích cây trồng hàng năm trên 39.000 ha, bao gồm cây lúa 25.600 ha, bắp lai trên 6.500 ha, các loại cây trồng khác trên 6.700 ha.
Có trên 11.000 ha cây lâu năm, có giá trị kinh tế thị trường được ĐBDTTS bố trí hợp lý theo từng vùng đất, khí hậu như cây nho ở xã Phú Lạc (Tuy Phong), bưởi da xanh, cao su, điều, mít, dừa, sầu riêng… đều có ở các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh.
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận và các cơ quan chức năng liên quan, bà con ĐBDTTS đã áp dụng khá tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.
Cụ thể là bà con nông dân đã áp dụng trồng cây bắp lai ở vùng ven sông La Ngà từ Tánh Linh lên Đức Linh năng suất luôn đạt cao 60 tạ/ha, có nơi hộ đồng bào còn làm đạt từ 78 – 80 tạ/ha.
Bên cạnh đó, các vùng trồng lúa chất lượng cao ở vùng Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh, được bà con làm ra đạt chất lượng tốt, bán theo giá thị trường... Với cây thanh long nhiều hộ dân tộc thiểu số ở xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) vượt qua nghèo khó vươn lên thành hộ khá.
Một số nơi người đồng bào đầu tư trồng sầu riêng như vùng từ Đông Giang, Đông Tiến đến La Dày huyện Hàm Thuận Bắc, kết quả thu nhập tốt.
Tính đến đầu năm 2023, hộ nghèo ĐBDTTS còn 2.801 hộ, chiếm 10,78% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số và chiếm 32,35% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
Số hộ cận nghèo ĐBDTTS còn 3.341 hộ, chiếm 12,86% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số và chiếm 23,27% so với tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh.
Các xã thuần vùng ĐBDTTS hiện nay đều đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng đủ 8 bệnh truyền nhiễm đạt trên 95%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm. Bà con ĐBDTTS thuộc vùng khó khăn, diện hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 100%.
Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có trên 400 em là người ĐBDTTS đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong cả nước. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng ĐBDTTS và miền núi cơ bản ổn định.
Tiếp tục đầu tư cho bà con dân tộc miền núi
Theo ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành hỗ trợ vùng ĐBDTTS phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Cụ thể là tập trung phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế, xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi. Bên cạnh đó là phối hơp̣ thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại vùng ĐBDTTS.
Tập trung khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất nông nghiệp, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và phát triển các ngành nghề, dịch vụ, tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững vùng ĐBDTTS và miền núi.
Từng bước phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số và thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng ĐBDTTS và miền núi.
Theo ông Giáp Hà Bắc – Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh( Bình Thuận), huyện đang thực hiện chương trình nhà ở cho ĐBDTTS
Theo đó, huyện Tánh Linh là huyện tiên phong của tỉnh trong việc thực hiện Dự án 1 về xây dựng nhà ở cho ĐBDTTS thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Toàn huyện Tánh Linh có 74 hộ ĐBDTTS nghèo được hỗ trợ xây nhà với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/căn. Các cơ quan chức năng huyện đã triển khai đến các đối tượng và các gia đình đã tiến hành xây nhà từ tháng 5/2023 và hầu hết các ngôi nhà đã cơ bản hoàn thiện 80%.
Theo UBND huyện Tánh Linh, chương trình nhà ở cho ĐBDTTS góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, sẽ là cú hích mạnh mẽ thúc đẩy đời sống của người dân vươn lên trong cuộc sống…
UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 – 2025 với tổng kinh phí thực hiện là hơn 852 tỷ đồng.
Tánh Linh là huyện đi tiên phong thực hiện mục tiêu hỗ trợ xây dựng nhà ở của chương trình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.