Một tập đoàn cần mua 100.000 tấn ngô/tháng: Xây dựng cánh đồng lớn trồng ngô, sắn
Một tập đoàn cần mua 100.000 tấn ngô/tháng: Xây dựng cánh đồng lớn trồng ngô, sắn tại 3 tỉnh Tây Nguyên
Minh Huệ
Thứ năm, ngày 05/01/2023 11:55 AM (GMT+7)
Tập đoàn De Heus cần cung cấp từ 70.000 – 100.000 tấn ngô mỗi tháng. Hiện chưa có nhà máy thức ăn nào ở khu vực Tây Nguyên, và De Heus sẵn sàng đầu tư một nhà máy thức ăn nếu chúng ta có thể đáp ứng được số lượng cũng như chất lượng cho ngô và sắn.
Xây dựng cánh đồng lớn trồng ngô, sắn tại 3 tỉnh Tây Nguyên
Sáng 5/1, Bộ NNPTNT phối hợp Tập đoàn De Heus và Agriterra (Tổ chức hỗ trợ phát triển nông nghiệp toàn cầu Hà Lan) tổ chức Hội thảo đánh giá triển vọng phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở Tây Nguyên.
Sau Biên bản ghi nhớ/MoU ba bên được ký kết vào tháng 5/2022 tại tỉnh Gia Lai, đây là hoạt động phối hợp đầu tiên của Bộ NNPTNT, Tập đoàn De Heus và Agriterra để triển khai MoU nhằm từng bước chủ động nguyên liệu thức ăn trong nước, thông qua mô hình kinh doanh với hợp tác xã và các tổ chức nông dân.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam là nước nông nghiệp, có không ít mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng nhất, nhì thế giới nhưng nghịch lý là hàng năm vẫn phải chi nhiều tỷ USD để nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 22,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với giá trị 9,07 tỉ USD. Đây chính là một thách thức lớn nhất trong ngành chăn nuôi của Việt Nam hiện nay.
Sự phụ thuộc này được dự báo còn tiếp diễn lâu dài, nếu chúng ta không có chiến lược tổng thể, bài bản, sự hợp tác và vào cuộc quyết liệt trong việc xây dựng vùng nguyên liệu của các bên liên quan, gồm chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ, các nhà khoa học và người sản xuất.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hạn chế hiện nay là năng suất ngô của Việt Nam mới được 4,8 tấn/ha, trong khi năng suất ngô trung bình thế giới là 9,8 tấn/ha. Diện tích gieo trồng ngô cũng giảm mạnh, cả nước hiện chỉ còn hơn 600.000ha.
"Sau khi kí MoU tại Gia Lai, De Heus đã làm việc với Viện Nghiên cứu Ngô, khẳng định nếu trồng ngô tại Tây Nguyên thì năng suất sẽ đạt khoảng 9 tấn/ha với việc sử dụng giống ngô biến đổi gen, kháng sâu bệnh tốt. Muốn nâng cao sức cạnh tranh thì phải chủ động sản xuất. Không làm thì thôi, nhưng đã làm thì phải có kết quả, đảm bảo tiến độ. De Heus hiện đang là doanh nghiệp đầu tư lớn vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, hi vọng De Heus sẽ cùng các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam, bà con nông dân xây dựng nền nông nghiệp sinh thái hiệu quả, văn minh" - Thứ trưởng Tiến nói.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Willemink Arno – Giám đốc Vận hành De Heus Việt Nam cho biết: Hàng năm De Heus sử dụng khoảng 3,2 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó ngô từ 800.000 – 1,1 triệu tấn (hiện 95% phải nhập khẩu, tương đương giá trị 6.700 – 9.250 tỷ đồng/năm); từ 100.000 – 300.000 tấn sắn lát; chưa kể đậu tương và nhiều nguyên liệu khác cũng phải nhập khẩu. Trong khi đó, ngô và sắn có tiềm năng rất lớn nếu sử dụng nguyên liệu trong nước.
Những yếu tố quyết định đến việc doanh nghiệp mua hay không, đó là giá cả và chất lượng. Trong đó, ngô hạt nội địa thường có độ ẩm cao hơn, biến động về chất lượng nhiều hơn, kích thước hạt nhỏ hơn, nhiều hạt hỏng và vật thể lạ, thường xuyên xuất hiện yếu tố nấm mốc.
"Ngô Việt Nam để cạnh tranh với ngô Nam Mỹ về giá cả, chất lượng, thì phải tập trung giảm chi phí và nâng cao năng suất, như áp dụng những kỹ thuật tiên tiến hơn vào trồng trọt, sử dụng phân bón hiệu quả hơn; nâng cao công nghệ chế biến (khâu thu hoạch và sấy khô), bảo quản sau thu hoạch. Đặc biệt là thu hẹp khoảng cách giá giữa người nông dân và người mua cuối cùng, tức là giảm khâu trung gian" - ông Arno nhấn mạnh.
Ông Arno cũng cho biết thêm: Nghiên cứu của Agriterra tại Tây Nguyên và kinh nghiệm De Heus chỉ ra rằng, nông dân nhận được mức giá thấp hơn nhiều so với giá mà De Heus phải trả cho người mua cuối. Vì vậy để bà con hào hứng trồng sắn, ngô, phải có những hợp tác xã đóng vai trò là người thu gom/đại lý. Do đó De Heus đề xuất Bộ NNPTNT nâng cao cơ hội thành công cho hợp tác xã thông qua việc ưu đãi thuế, cung cấp cho các HTX các nguồn tài trợ từ Chính phủ với lãi suất thấp để nông dân có thể tiếp cận.
"Hiện mỗi tháng De Heus cần cung cấp từ 70.000 – 100.000 tấn ngô; sắn được quan tâm hơn bởi ngành công nghiệp tinh bột sắn phát triển, và có thể chấp nhận được chất lượng thấp hơn. De Heus cũng sẽ chú trọng vào việc sử dụng các phụ phẩm của sắn do các nhà máy sản xuất tinh bột cung ứng. Hiện chưa có nhà máy thức ăn nào ở khu vực Tây Nguyên, và De Heus sẵn sàng đầu tư một nhà máy thức ăn nếu chúng ta có thể đáp ứng được số lượng cũng như chất lượng cho ngô, sắn" - ông Arno nhấn mạnh thêm.
Ông Thái Hồng Lam – chuyên gia tư vấn kinh doanh cao cấp Agriterra (Tổ chức hỗ trợ phát triển nông nghiệp hiện diện toàn cầu) cho biết: Theo nghiên cứu của Agriterra tại Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, năng suất ngô của Tây Nguyên cao hơn năng suất ngô trung bình cả nước khoảng 1 tấn, nếu De Heus bắt đầu vùng nguyên liệu từ Tây Nguyên thì khá thuận lợi. Theo đó mức giá thu mua chấp nhận được đối với ngô hạt là từ 5.500 – 8.000 đồng/kg, sắn lát 4.400 – 5.500 đồng/kg.
Theo ông Lam, để cải thiện chuỗi cung ứng hiện nay, cần hình thành phát triển doanh nghiệp trong HTX, thúc đẩy HTX đa dịch vụ.
Ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi đề xuất đánh giá lại toàn bộ thực trạng diện tích, sản lượng ngô tại Tây Nguyên. Đồng thời xây dựng cánh đồng mẫu lớn trồng ngô, sắn tại một số huyện, kết nối bà con lại với nhau cùng với doanh nghiệp làm ăn có lợi. Đồng thời hoá giải trăn trở, nhức nhối lớn nhất của ngành chăn nuôi là vùng nguyên liệu.
Một số ý kiến đại biểu khác cho rằng, quan trọng nhất là cách thức tổ chức thu mua ngô, sắn để bà con nông dân có lợi nhuận và tham gia.
Ông Nguyễn Quang Tin – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch "hiến kế": Ngô, sắn là 2 đối tượng cây trồng cũ nên nếu không có cách làm mới thì sẽ không cạnh tranh được với các loại cây trồng chủ lực hiện nay ở Tây Nguyên. Để cạnh tranh được, chỉ có cách cải thiện về giá.
"Lượng nguyên liệu doanh nghiệp cần rất lớn, nhưng giá thu mua được bao nhiêu để cạnh tranh với sản phẩm nhập nội cũng như các sản phẩm khác tại địa phương thì mới kí được hợp đồng. Tôi cho rằng doanh nghiệp không nên tham vọng quản trị cả vùng nguyên liệu trong tay, mà coi nông dân, HTX là đối tác. Phối hợp với các công ty khác chế biến 1 số sản phẩm khác ngoài thức ăn chăn nuôi; khai thác phụ phẩm nông nghiệp để có thêm phân khúc giá trị. Qua đó, đề xuất với địa phương cho xây dựng nhà máy, kho chứa, trạm trung chuyển..." - ông Tin nói.
De Heus đề xuất phối hợp với Bộ NNPTNT và các tỉnh tiến hành nghiên cứu khả thi đầu tư các nhà máy chế biến, hệ thống các kho bảo quản gần với các vùng nguyên liệu trồng sắn và ngô lớn: ngô (các huyện Kông Chro, Chư Pưh – tỉnh Gia Lai; Ea H’leo, Ea Kar, Cư M’Gar - tỉnh Đắk Lắk); Sắn (các huyện Kông Chro, Chư Pưh, La Pa – tỉnh Gia Lai; các huyện Kông Bông, Ea Súp, M’Đrăk – tỉnh Đắk Lắk).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.