Một tập đoàn lớn của Hàn Quốc muốn mua thứ được hấp thụ từ rừng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc

K.Nguyên Thứ hai, ngày 18/12/2023 06:32 AM (GMT+7)
Hiện, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đang phối hợp với Công ty Lâm nghiệp SK xây dựng đề xuất dự án giảm phát vùng trung du, miền núi phía Bắc. Nhiều địa phương cũng đã chủ động xây dựng đề án, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.
Bình luận 0

Nói về tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng của Việt Nam, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm  nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, từ năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng Thế giới đã ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) nhằm chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2e kết quả giảm phát thải ở 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2025 và nhận về số tiền là 51,5 triệu USD. 

Đến nay, thị trường carbon đã có những bước tiến quan trọng. Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện Đề án thành lập thị trường carbon trong nước. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tín chỉ carbon và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 156/2018/NDD-CP, trong đó đề xuất bổ sung nội dung về thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh.

"Việt Nam đang rất tích cực trong việc hình thành thị trường carbon, có lộ trình rõ ràng, đang bắt kịp với xu thế của thế giới và đối với carbon rừng cũng không nằm ngoài lộ trình đó", ông Bảo nhấn mạnh.

Một tập đoàn lớn của Hàn Quốc muốn mua thứ được hấp thụ từ rừng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc - Ảnh 1.

Ngân hàng Thế giới đã thanh toán 41,2 triệu USD theo thỏa thuận mua tín chỉ carbon ở 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2025. Ảnh: N.Hạnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với độ che phủ rừng của Việt Nam hiện nay là trên 42% thì tổng lượng hấp thụ CO2 hằng năm lên đến gần 70 triệu tấn, trong khi lượng phát thải hằng năm của ngành lâm nghiệp khoảng 30 triệu tấn, thị trường carbon là cơ hội lớn của Việt Nam. 

Tuy nhiên, để tham gia thị trường carbon cần nhiều thời gian và nguồn lực hỗ trợ để xây dựng, đàm phán và triển khai các Thỏa thuận trao đổi tín chỉ. Hiện nay, một số tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài đã sớm tiếp cận, đề xuất với Việt Nam để đàm phán thỏa thuận mua bán, trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ carbon của rừng. 

Điển hình là Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, đến nay, WB đã thanh toán 41,2 triệu USD (tương đương 80% kết quả giảm phát thải đã ký kết).

Để tiếp tục huy động nguồn thu từ bán tín chỉ carbon rừng, Cục Lâm nghiệp đã xây dựng đề xuất tham gia sáng kiến Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF). 

Đây là chương trình giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đã được thể chế hóa đầu tiên tại Ý định thư được ký kết giữa đại diện của 2 bên là Bộ Nông nghiệp và PTNT và tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) trong khuôn khổ của hội nghị COP26. 

Theo đó, dự kiến Việt Nam chuyển nhượng 5,15 triệu tín chỉ giảm phát thải từ rừng khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2022-2026 với đơn giá dự kiến là 10 USD. Toàn bộ lượng tín chỉ chuyển nhượng này cũng vẫn được Việt Nam sử dụng để đóng góp vào NDC. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tích cực chuẩn bị các tài liệu và điều kiện để đàm phán và đi đến ký kết Thỏa thuận.

Cục Lâm nghiệp cũng đang phối hợp với Công ty Lâm nghiệp SK xây dựng đề xuất dự án giảm phát vùng trung du, miền núi phía Bắc. 

"Chúng tôi cũng ghi nhận thông tin nhiều địa phương cũng đã chủ động xây dựng đề án, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép được thí điểm dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng tại địa phương như Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai. Có thể thấy, nhu cầu trao đổi, chuyển nhượng, thương mại hóa tín chỉ carbon rừng ở trong nước đang có xu hướng phát triển mạnh. Cục Lâm nghiệp cũng đang nghiên cứu, đánh giá tiềm năng tín chỉ carbon rừng của toàn quốc nhằm khuyến nghị việc trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng", ông Bảo thông tin.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem