Một khu rừng gỗ lớn từ 10 năm tuổi có thể chứa 'kho vàng' tới 300 tấn carbon/ha, đem bán tín chỉ thu ngoại tệ
Một khu rừng gỗ lớn từ 10 năm tuổi có thể chứa 'kho vàng' tới 300 tấn carbon/ha, đem bán tín chỉ thu ngoại tệ
Khánh Nguyên
Thứ bảy, ngày 02/12/2023 05:57 AM (GMT+7)
Để gỡ nút thắt về trồng rừng nói chung và xã hội hóa trồng rừng nói riêng, lãnh đạo Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho rằng cần xây dựng cụm nhà máy chế biến ở vị trí thích hợp, thuận tiện di chuyển tới vùng nguyên liệu.
Là tỉnh có diện tích rừng đứng thứ 3 toàn quốc, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng, nỗ lực thúc đẩy xã hội hóa trồng rừng, nhất là rừng gỗ lớn.
Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hóa cho biết, diện tích rừng hiện có của tỉnh là 647.737ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 393.361ha; diện tích có rừng trồng là 254.376ha, độ che phủ rừng của tỉnh đạt 53,6%.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, các doanh nghiệp có thể phối hợp với người dân, tạo nên một chuỗi liên kết, hình thành các HTX, tạo ra sự ưu tiên cho những cộng đồng, tạo ra không gian để bà con có thể giữ rừng một cách tự nguyện và hiệu quả.
"Thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, cho phép hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp để đẩy mạnh tuyên truyền và chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu từ rừng, nhất là tại các vùng núi và gò đồi" - ông Cường cho biết.
Cũng theo ông Cường, hiện tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện thí điểm chi trả tín chỉ carbon. Ngành chức năng đang tiến hành rà soát để chi trả cho các hộ gia đình, các tổ chức tham gia trồng, bảo vệ rừng. "Chúng tôi đánh giá, việc chi trả tín chỉ carbon như một luồng gió mới giúp bà con bảo vệ rừng tốt hơn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu rừng trồng 5 - 6 tuổi chỉ hấp thụ được khoảng 100 tấn carbon/ha thì rừng đạt 12 - 13 năm tuổi có thể hấp thụ 300 tấn carbon/ha. Do vậy, chúng tôi xác định cần khuyến khích bà con trồng rừng gỗ lớn" - ông Cường thông tin.
Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp thông tin, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, phục hồi rừng và trồng cây phân tán. Những nỗ lực này đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 40,84% năm 2015 lên 42,02% vào năm 2022; duy trì, phát triển hơn 14,7 triệu ha rừng, trong đó có 4,6 triệu ha rừng trồng.
Từ 2021 đến nay, cả nước trồng khoảng 696.000ha rừng trồng tập trung; khoảng 277 triệu cây phân tán. Diện tích rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn là 445.480ha; diện tích chuyển hóa rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn 63.341ha; tổng diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 449.240ha.
Với các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng như giao đất giao rừng, liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi… có đến 83% nguồn vốn đầu tư phát triển rừng là từ nguồn xã hội hóa, vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 17%.
Xã hội hóa nghề trồng rừng
Ông Trần Nho Đạt - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Cục Lâm nghiệp) cho biết, hàng năm, rừng Việt Nam cung cấp khoảng 31 triệu m3 gỗ, góp hơn 17 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, rừng còn có tiềm năng lớn về giảm phát thải, hấp thụ và lưu giữ carbon và cung cấp dịch vụ môi trường rừng.
Tuy nhiên, hiện nay việc bảo tồn, phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, chủ yếu là thiếu quy hoạch vùng trồng gỗ lớn tập trung, chưa có tổ chức sản xuất theo chuỗi và mức thu còn chưa tương xứng với giá trị mang lại.
Từ thực tế đó, Bộ NNPTNT - trực tiếp là Cục Lâm nghiệp được giao xây dựng đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến trong tháng 11/2023, Bộ sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ.
"Chúng tôi ưu tiên các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, phục hồi, nâng cao chất lượng rừng. Song song với đó, là phát triển bền vững lâm sản ngoài gỗ, dược liệu gắn với văn hóa truyền thống của cộng đồng, người dân địa phương" - ông Đạt nói.
Đồng tình với việc kêu gọi xã hội hóa trồng rừng, ở cấp địa phương, ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa nhìn nhận, xã hội hóa trồng rừng là huy động và phối hợp người dân, các tổ chức trong tất cả quy trình, từ khâu phát triển giống. Ngoài ra là có cơ chế ràng buộc và lợi ích giữa các bên được hài hòa.
Bà Ngô Nữ Huyền Trang - Trưởng phòng Đối ngoại phụ trách phát triển bền vững Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam cho rằng, việc xã hội hóa nghề trồng rừng là vô cùng cần thiết, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển giá trị gia tăng, đảm bảo sinh kế người dân.
Trong khi đó, ông Hà Đăng Chỉnh - Trưởng phòng nguyên liệu gỗ Công ty CP Woodsland thừa nhận, bản thân doanh nghiệp rất khó thuyết phục người dân giữ rừng gỗ lớn. Bởi thông thường, người dân chọn thời điểm khai thác dựa trên giá thị trường. Việc trồng rừng chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún khiến tâm lý khai thác tự phát còn là vấn đề nan giải.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp thông tin, Nhà nước hiện đóng cửa rừng tự nhiên ít nhất đến năm 2030, nên rừng đặc dụng, phòng hộ (khoảng 7 triệu ha) phải giữ nguyên. Phần còn lại, khoảng 4 triệu ha rừng phòng hộ cần để phục hồi. Do đó, chỉ còn gần 4 triệu ha có thể khai thác, sản xuất.
Trên thực tế này, ông Bảo nhận định, hạ tầng lâm nghiệp tại các vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên có nhiều dư địa về trồng rừng nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. "Khai thác gỗ từ núi cao thì chi phí vận chuyển sẽ bị đội lên rất nhiều" - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp nhìn nhận.
Để gỡ nút thắt về trồng rừng nói chung và xã hội hóa trồng rừng nói riêng, lãnh đạo Cục Lâm nghiệp cho rằng cần xây dựng cụm nhà máy chế biến ở vị trí thích hợp, thuận tiện di chuyển tới vùng nguyên liệu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.