Một thời hào hùng

Thứ năm, ngày 21/04/2011 15:34 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày này cách đây 50 năm, tại khu vực Bãi Bàu, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh dưới sự lãnh đạo của T.Ư Cục Miền Nam, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam (NDGPMNVN) chính thức ra đời.
Bình luận 0

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có đóng góp to lớn của Hội NDGP.

“Nhiệm vụ của Hội vận động, tổ chức ND đóng góp sức người, sức của phục vụ kháng chiến chống Mỹ; còn chăm lo quyền lợi ruộng đất và tổ chức các hình thức sản xuất cho ND”- PGS - TS Lâm Quang Huyên - cán bộ T.Ư Hội NDGP (từ năm 1965-1974) nhớ lại.

img
Cán bộ Hội Nông dân vùng giải phóng Long An giúp bà con thu hoạch lúa.

Giữ vững thành quả ruộng đất

Ông Huyên kể, ngay sau khi ra đời Hội NDGP đã hướng dẫn ND trong vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn đấu tranh với trò hề của Ngô Đình Diệm về ý đồ phục hồi tầng lớp địa chủ cũ đã bị chính quyền cách mạng tịch thu chia cho ND trong 9 năm kháng chiến.

Từ năm 1970, để đối phó với “Luật Người cày có ruộng” của Nguyễn Văn Thiệu, Hội tỏ rõ vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ quyền lợi ruộng đất của ND. Nghị quyết Hội nghị BCH Hội NDGPMNVN họp từ ngày 5.9.1971 đến 14.9.1971 nêu rõ: “Bằng mọi phương pháp, Hội phát động ND vùng còn bị Mỹ –n gụy kìm kẹp chống lại “Luật Người cày có ruộng”, chống lại những thủ đoạn của bọn ác ôn, tề xã… cướp ruộng của ND”.

Ở những vùng giải phóng, Hội giải thích cho ND hiểu chính sách ruộng đất của Mặt trận Dân tộc GPMNVN là giữ nguyên diện tích đã được cách mạng chia cấp trước đây nhằm động viên tầng lớp trung nông yên tâm sản xuất, đóng góp lương thực cho cách mạng; đồng thời lấy đất của bọn ác ôn, tề ngụy bỏ chạy chia cho ND thiếu đất. BCH Hội các cấp phân công cán bộ phụ trách ruộng đất.

Bến Tre là địa phương đi đầu phong trào chia cấp đất cho ND. Ông Đào Văn Hội- Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm nhớ lại: “Nhiệm vụ trước tiên là Hội NDGP xã tịch thu đất của địa chủ, tay sai ngụy quyền bỏ chạy cấp cho ND; giảm thuế nông nghiệp cho ND. Ở Long An, từ năm 1963- 1964, ND được cấp hàng ngàn ha đất và được cách mạng giảm tô từ 40-80%.

Cùng thời gian này, 900 hộ ND vùng giải phóng tỉnh Sóc Trăng được nhận 110ha đất. Hội còn vận động ND khai hoang 600ha và đào 12 con kênh mới, nạo vét 8 con kênh cũ. Chỉ trong năm 1965 Hội NDGP tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cấp 1.666 mẫu và tạm cấp 289 mẫu đất cho ND không đất.

Giúp ND phát triển sản xuất

“Để nắm ND và lãnh đạo ND, ngoài việc giáo dục chính trị và tổ chức quần chúng, các cấp Đảng bộ cần thấy hết ý nghĩa chính trị của việc thực hiện chính sách ruộng đất, việc lãnh đạo đẩy mạnh sản xuất...”

(Chỉ thị số 66/CTNT ngày 6.1.1969 của T.Ư Cục MN).

Sau khi ban hành Chỉ thị “Tổ chức tổ đổi công” (12.6.1965), Nghị quyết Hội nghị tháng 3.1968 và tháng 7.1969 Thường vụ T.Ư Cục Miền Nam yêu cầu các cấp ủy và Hội NDGP xây dựng các tổ vạn vần đổi công (TVVĐC) ở nông thôn.

Tư liệu lịch sử truyền thống Hội ND tỉnh Thừa Thiên-Huế ghi: “Đến đầu năm 1971 toàn tỉnh có 41/56 xã giải phóng, ND thành lập 190 TVVĐC dưới nhiều hình thức, trong đó có 85 tổ khu vực miền núi ăn chia hoa lợi”.

Làm ăn trong các TVVĐC, mỗi năm bình quân người dân đồng bằng được 450kg thóc, miền núi 250 kg/người. Năm 1965, ND huyện A Lưới góp 87.883 ngày công, 3.629 thùng gạo (44.435kg) phục vụ kháng chiến.

Tỉnh Long An - Kiến Tường (sau giải phóng sáp nhập thành tỉnh Long An) Hội NDGP ở cơ sở thường xuyên họp ND để bàn chuyện sản xuất, yêu cầu TVVĐC ưu tiên cấy cho gia đình liệt sĩ trước, chỉ lấy một nửa tiền công.

Tại Sóc Trăng, Hội thành lập 763 TVVĐC với 16.710 thành viên. Năm 1967, ND TVVĐC ở các xã Gia Hòa, Hòa Tú, Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên sản xuất được giống lúa Hai Hoảnh năng suất cao, chống được sâu bệnh.

Theo tư liệu của Hội NDGP, đến năm 1972 các cấp Hội toàn miền đã giúp ND xây dựng được 16.647 TVVĐC, thu hút 246.619 ND tham gia. “Không ít cán bộ Hội đi vận động thành lập TVVĐC đã hy sinh”- ông Huyên kể.

Nòng cốt tổ chức biểu tình chống giặc

Đầu những năm 60 thế kỷ 20, ở Long An khí thế cách mạng của ND lên rất cao, vùng giải phóng mở rộng dài từ huyện biên giới Đức Huệ về Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa và trên 10 xã của các huyện miền hạ. Năm 1962 huyện Bến Lức thành lập BCH Hội NDGP, tôi được bầu là Chánh Thư ký Nông hội, cơ quan đóng tại xã Thạnh Lợi.

img

Thành lập chưa đầy 2 tháng, Hội NDGP tỉnh đã làm nòng cốt tổ chức hơn 300 ND xã Hòa Khánh, huyện Đức Hòa biểu tình chống giặc gom dân, bắn pháo bừa bãi vào xóm ấp. Kẻ thù đã xả súng bắn vào đoàn biểu tình sát hại nữ hội viên Nguyễn Thị Em. Tháng 10.1967, ở Đồng Tháp Mười, giặc sát hại 41 ND xã Tân Hòa, gây căm phẫn tột độ trong ND. Sau Mậu Thân (1968) địch phản kích ác liệt, hàng trăm ND bị bắt, bị tù…

Trên 86.000 thùng gạo phục vụ chiến trường

Năm 1967, từ Hội NDGP Khu chuẩn bị chiến dịch tổng công kích Mậu Thân, tôi về làm Bí thư Huyện ủy Phong Điền (Thừa Thiên –Huế).

Tôi là cán bộ lãnh đạo Hội NDGP được Đảng phân công làm Bí thư một huyện nằm sát thành phố Huế, trực tiếp chỉ đạo BCH Hội NDGP huyện triển khai nhiệm vụ đến Ban cán sự (chi hội) thôn vận động hội viên ND cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ: Đưa con em tham gia các đơn vị vũ trang và tăng tốc sản xuất lương thực để đủ ăn và đóng góp cho cách mạng.

Việc tổ chức ND vào các tổ vạn vần đổi công, hăng hái tăng gia sản xuất trở thành phong trào có sức cuốn hút mạnh mẽ. Một thời gian ngắn, nhân dân Phong Điền đã góp cho cách mạng 86.067 thùng gạo, tương đương 1.291 tấn; vận động đưa 370 con em tham gia lực lượng vũ trang huyện.

Hoàn thành xuất sắc mọi việc Đảng giao

Năm 1973, từ Hội Việt kiều yêu nước Campuchia, tôi được điều về nước công tác tại Hội NDGP tỉnh Tây Ninh. Tôi được phân công xuống huyện Tân Biên xây dựng tổ chức cơ sở Hội ở 3 xã mới giải phóng Tân Hội, Tân Hiệp và Tân Đông.

img

Trong một thời gian ngắn, xã Tân Hiệp kết nạp được 100 hội viên, Tân Đông 150 hội viên và Tân Hội xấp xỉ 100 hội viên. Cùng với xây dựng tổ chức Hội, Huyện ủy Tân Biên chỉ đạo chúng tôi chia cấp đất cho ND, mỗi hộ được tạm cấp 10.000m2.

Hoàn thành cấp đất, các Ban cán sự nhanh chóng tổ chức Tổ vạn vần đổi công(TVVĐC), hướng dẫn bà con khai hoang trồng khoai lang, khoai mì, đậu và rau màu. Nội dung sinh hoạt chi hội, cùng với học Điều lệ Hội NDGP, Hội hướng dẫn ND bàn bạc sản xuất, nâng chất TVVĐC.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem