Sau ngày về hưu, ông làm mọi người kinh ngạc về những tác phẩm dày dặn và hết sức công phu về văn học.
Tấm lòng tha thiết với văn chươngHai tác phẩm của ông đã được xuất bản gồm: Thơ Đường bình chú- Giải thưởng Nguyễn Khuyến, 2000; thưởng thức và bình chú thơ chữ Hán Hồ Chí Minh- 3 giải thưởng năm 2005: Giải của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Giải Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương- Nghệ An, Giải Nguyễn Khuyến- Hà Nam.
![Ông Nguyễn Thế Nữu. Ông Nguyễn Thế Nữu.](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2014/images/2014-01-23/1434367132-32.jpg)
Ông Nguyễn Thế Nữu.
Lần này ông lại đưa xuất bản một bản thảo dày cộp: “Thưởng thức Ngục trung nhật ký của Hồ Chủ tịch”, đó là công việc lớn lao và rất có giá trị. Tham gia biên soạn có sự đóng góp về tài liệu của cố thi sĩ Trần Hữu Thung và sự cộng tác của người em trai thi sĩ- nhà giáo Trần Hữu Dinh. Giáo sư Phan Văn Các- nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm đã trân trọng viết lời giới thiệu cho cuốn sách.
Bạn đọc thích thú được nhìn thấy bản sao nguyên gốc thủ pháp của Bác Hồ trong từng bài thơ của Ngục trung nhật ký, từ trang 1 đến trang 132 của nguyên tác. Cuối sách Bác Hồ ghi rõ: 9.8.1941-10.9.1943. Ngoài ra còn bút tích của bài thơ Tân xuất ngục học đăng sơn (Mới ra tù tập leo núi). Bài thơ này vốn không có trong Ngục trung nhật ký. Bác viết bằng nước cơm trên lề một tờ báo gửi về nước để các đồng chí ở nhà lấy thuốc iod hiện chữ lên mà đọc, nhằm thông báo là Bác đã được trả tự do và đang tập trèo núi để sớm có thể về nước. Vì tờ báo bị thất lạc nên bài thơ chỉ còn trong trí nhớ của Bác, năm 1960 Bác viết lại theo yêu cầu của Viện Văn học và đồng chí Trường Chinh đề nghị được đưa bài thơ này vào cuối tập Ngục trung nhật ký, coi như bài tổng kết tập thơ.
Phần tiếp theo là phần Thưởng thức từng bài thơ với sự phân tích sâu sắc của các tác giả, kể cả sự nhận xét về các ý kiến đã công bố trước đây của các học giả khác. Tôi có cảm tưởng sau cuốn sách công phu này khó có ai có thể viết gì thêm về Ngục trung nhật ký (!). Trong từng bài ngoài phần nguyên văn phiên âm Hán Việt có phần dịch nghĩa, phần dịch thơ của nhóm tác giả cùng với các bản dịch đã có từ trước. Bài nào cũng được giải thích đầy đủ ngọn ngành và phân tích tỉ mỉ về hoàn cảnh ra đời, về ý nghĩa tư tưởng, nhân văn và giá trị văn học...
Tôi ước ao tác phẩm này của nhóm tác giả Nguyễn Thế Nữu cũng sẽ được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài để bạn bè 5 châu được hiểu thêm về một đoạn đời vô cùng gian khổ nhưng tinh thần vẫn rất vững vàng, rất lạc quan và rất sáng suốt của Hồ Chủ tịch.
Từ thơ viết… từ điển
Bạn bè ông đều làm lãnh đạo các cục, vụ, viện, có người làm phó thủ tướng. Nhưng ông thực sự là nông dân và yêu văn chương với tình yêu hết sức nồng hậu, đặc biệt.
|
Vì tác phẩm này Bác Hồ viết bằng chữ Hán nên lần đầu tiên trong sách có phần Từ điển xếp theo vần chữ cái để giải thích từng từ chữ Hán được dùng trong tác phẩm. Chúng ta biết rằng chữ Việt có tới 60% có gốc từ chữ Hán. Nếu tính về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, giao thông, vận tải, y học... thì có đến 90% có gốc từ chữ Hán. Ngày nay học sinh không được học chữ Hán trong nhà trường, cho nên phần Từ điển trong cuốn sách này thật sự có giá trị đối với học sinh, sinh viên và tất cả những người yêu tiếng Việt. Có phần từ điển này chúng ta mới đủ tư liệu để hiểu sâu sắc hơn giá trị của từng bài thơ trong Ngục trung nhật ký.
Điều đáng nói là tác giả Nguyễn Thế Nữu cao tuổi, hoàn cảnh kinh tế eo hẹp. Phải có một sức mạnh ghê gớm lắm, phải có tình yêu sâu đậm lắm với Hồ Chủ tịch ông mới có thể mổ cò từng chữ trên một cái máy tính đời đầu để cho ra tác phẩm công phu và rất có giá trị này. Máy tính của ông không có phần mềm chữ Hán, ông đã dùng phương pháp thủ công sao chụp các bản có phần chữ Hán và cắt từng chữ dán vào bản thảo trước khi sao chụp lại. Thật không để đâu cho hết sự khâm phục của tôi với vị lão nông khả kính này. Rất mong độc giả tìm đọc để thưởng thức công trình nghiên cứu rất thú vị này.
GS Nguyễn Lân Dũng (GS Nguyễn Lân Dũng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.