Mr Hunter Lê Khắc Ngọ là ai mà bị công an truy nã quốc tế?
Mr Hunter Lê Khắc Ngọ là ai mà bị công an truy nã quốc tế?
Minh Quân
Thứ năm, ngày 12/12/2024 10:53 AM (GMT+7)
Mr Hunter Lê Khắc Ngọ đã xây dựng cho mình một hình ảnh thành công trên mạng xã hội, đặc biệt là các nền tảng như Facebook, YouTube. Đối tượng tự quảng bá mình là một nhà đầu tư tài ba, có kinh nghiệm dày dặn trên thị trường tài chính.
Lê Khắc Ngọ, thường được biết đến với biệt danh Mr. Hunter (sinh năm 1990, trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), là một trong những đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo tài chính lớn nhất Việt Nam trong những năm gần đây. Cùng với Phó Đức Nam (Mr. Pips), các đối tượng này đã xây dựng một hệ thống lừa đảo tinh vi, qua đó chiếm đoạt số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Qua hình ảnh bóng bẩy, những chia sẻ về cuộc sống giàu sang và những lời hứa hẹn về lợi nhuận cao trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, Mr. Hunter đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người đầu tư.
Ngọ kể bản thân xuất thân từ gia đình thuần nông, từng vấp ngã trên con đường dựng nghiệp. Ở tuổi 20, Ngọ nợ số tiền 2 tỷ đồng cho việc khởi nghiệp. Để truyền cảm hứng nhằm "lùa gà", Ngọ thường chia sẻ về quan điểm, kiến thức tài chính, đầu tư và xây dựng hình ảnh bản thân là một "chuyên gia tài chính hàng đầu" hay "triệu phú tự thân" đi lên từ con số 0.
TikToker này còn tổ chức các lớp học tài chính, hội thảo chia sẻ nhiều kiến thức đầu tư, làm giàu... và đưa ra nhận định về xu hướng giá vàng hay phân tích các biểu đồ giá, mô hình nến dự đoán thị trường chứng khoán trên nền tảng TikTok. Tại các hội thảo, Mr. Hunter liên tục "truyền cảm hứng" cho các nhà đầu tư thông qua những câu chuyện thành công của bản thân trong lĩnh vực này với triết lý "Làm giàu không khó, nếu bạn biết cách".
Mr. Hunter cũng được giới thiệu là nhà cố vấn phát triển cho các công ty môi giới và quỹ đầu tư quốc tế tại thị trường Đông Nam Á và Việt Nam. Đối tượng thường xuyên đăng ảnh và clip khoe tài sản khủng cùng những chia sẻ về những khoản đầu tư lớn. Các kênh mạng xã hội của Mr. Hunter thu hút một lượng lớn người theo dõi.
Sau khi Ngọ bị khởi tố, nhiều người mới "vỡ lẽ" về những chiêu trò lừa đảo. Các đối tượng đã xây dựng các nền tảng giao dịch giả, tạo ra những giao dịch ảo để đánh lừa nhà đầu tư. Sau khi thu hút được một lượng lớn tiền, các đối tượng sẽ khóa tài khoản của nhà đầu tư và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Thủ đoạn lừa đảo của Mr Hunter và Mr Pips
Liên quan đến vụ án lừa đảo đầu tư tài chính lớn nhất từ trước đến nay, Công an TP Hà Nội đã khởi tố 31 bị can về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Không tố giác tội phạm, Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có". Đồng thời, lực lượng chức năng phong tỏa khối tài sản khổng lồ hơn 5.200 tỷ đồng.
Hai đối tượng cầm đầu đường dây được xác định là Phó Đức Nam (tức Mr Pips, SN 1994, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter, SN 1990, Hà Nội). Hiện, Phó Đức Nam đã bị bắt. Đối với Lê Khắc Ngọ, cơ quan công an xác định thời điểm triệt phá vụ án, đối tượng này đang ở nước ngoài. Công an TP Hà Nội đã ra quyết định truy nã quốc tế đối với Lê Khắc Ngọ về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đồng thời đề nghị Ngọ sớm ra đầu thú để được hưởng khoan hồng.
Từ năm 2021, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ (34 tuổi, trú P.Phú Diễn, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) liên kết với một đối tượng quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ có văn phòng điều hành tại TP. Phnom Penh (Campuchia), chỉ đạo 7 đối tượng tại Việt Nam thành lập nhiều công ty "ma" đặt trụ sở tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác, tạo dựng các sàn giao dịch ngoại hối và chứng khoán quốc tế giả mạo.
Các sàn này, với giao diện tương tự như những sàn giao dịch quốc tế GTMX, ALPHA, TRDING, IQX..., được lập trình với đòn bẩy tài chính lớn (từ 20 đến 1.000 lần số tiền nạp), khiến các nhà đầu tư luôn thua lỗ và tài khoản "cháy" sau mỗi lần đặt lệnh.
Cơ quan điều tra xác nhận các sàn giao dịch này hoạt động bất hợp pháp, không được cấp phép tại Việt Nam và sử dụng phần mềm giả để can thiệp kết quả giao dịch.
Một trong những "chiêu trò" nổi bật là các khóa đào tạo trực tuyến về phương pháp đầu tư "kiếm tiền dễ dàng", nhằm kích thích nạn nhân nạp tiền. Sau khi "con mồi" rơi vào bẫy, nhóm này sử dụng các mạng xã hội, hội nhóm để tiếp cận, đóng giả chuyên gia tài chính hoặc nhà đầu tư khác nhằm tăng niềm tin.
Để thuyết phục nạn nhân tiếp tục nạp tiền, các đối tượng cho nạn nhân hưởng lợi nhuận nhỏ ban đầu, thậm chí hướng dẫn rút một phần tiền để tạo dựng uy tín. Các đối tượng còn thuê văn phòng gần trụ sở Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, khiến nhà đầu tư nghĩ rằng họ đang tham gia giao dịch hợp pháp.
Theo điều tra, hệ thống của Ngọ và Nam có hơn 1.900 nhân viên, được phân nhiệm vụ rõ ràng từ marketing, tư vấn, chăm sóc khách hàng, đến kỹ thuật và quản lý sàn. Đến nay, cảnh sát đã xác định được 2.661 nạn nhân với số tiền nạp lần đầu gần 50 triệu USD. Tuy nhiên, mới chỉ có 18 người trình báo với tổng thiệt hại hơn 28 tỷ đồng.
Công an Hà Nội đề nghị những người là bị hại của các vụ lừa đảo trên các trang web, các sàn giao dịch của Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ sớm ra trình báo với phòng cảnh sát hình sự công an các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Các bị hại cũng có thể đến trực tiếp Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội tại 90 Nguyễn Du (P.Nguyễn Du, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc gọi đường dây nóng 0886882338 để được hướng dẫn giải quyết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.