Mùa chăn “vịt chạy đồng”

Chủ nhật, ngày 10/11/2013 06:58 AM (GMT+7)
Giữa cánh đồng lớn mênh mông, mưa như trút nước, gió giông tạt vào người rát cả da thịt, dưới mặt ruộng, từng đàn vịt ngẩn ngơ, vô tư lũi đầu dưới gốc rạ “rút” mồi uồn uột…
Bình luận 0
Nghề dầm mưa dãi nắng, bàn chân cắn bùn

Tháng 8, khi lúa hè thu trên các cánh đồng lớn gặt xong, cũng là lúc những chiếc “tàu tốc hành” chở vịt đổ về “cắm trại” dọc theo các bờ kênh, ngoài đồng để “cầm vịt”. Những “chủ vịt” phần lớn ở những vùng miệt dưới Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cà Mau… Mỗi chủ “ôm” đàn vịt hàng ngàn con, thường là vịt đẻ và vịt con.

Rong ruổi cùng “chủ vịt” là đội ngũ chăn vịt có từ 3 - 5 người tùy theo số lượng đàn vịt và loại vịt. Khác với những “chủ vịt” chạy vòng ngoài “dọ đồng”, thì đội ngũ chăn vịt lúc nào cũng bám sát theo những bước chân “rút mồi” của đàn vịt hàng ngàn con trên cánh đồng, bất kể nắng, mưa…
img

Qua trò truyện, được biết Thành (17 tuổi), Cu Bồi (14 tuổi), Phương (19 tuổi) quê tận Tân Hiệp (Kiên Giang), có gia cảnh khó khăn, từ nhỏ đã bỏ học lao vào cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt.

Cu Bồi kể lại “cơ duyên” vào nghề: “Cũng nhờ anh Phương đi trước theo chú Ba, chú Ba cần thêm người vì một mình anh Phương “đeo” không nổi. Anh Phương về kêu em và anh Thành theo, ở nhà cũng chẳng làm gì ra tiền, giữ vịt lãnh lương tháng, ăn, ở thì chú Ba lo…”.

Ngoài cánh đồng, Phương đang ra hiệu gì đó, Thành, Cu Bồi như hiểu ý, vội vàng cầm cây “gậy” (loại cây trúc, hoặc tầm vông, nhỏ bằng nửa bắp tay, trên ngọn có gắn mảnh ni-lon, dùng để “ven” vịt) vọt nhanh ra chỗ Phương. Ba người “lùa” vịt vào “mành mành”, không cho vịt lọt “vùng cấm”.

Người dân xứ tôi thường nói: “Làm nghề chăn vịt là hạ bạc nhất trong các nghề hạ bạc”. Thoáng nghe, tưởng chừng nhận xét có vẻ “tàn nhẫn”, ngẫm kỹ lại thấy đúng nhưng “đau”. Làm nghề chăn “vịt chạy đồng” lắm nỗi gian truân, dầm mưa dãi nắng là chuyện thường như cơm bữa, bởi đơn giản “vịt rút tới đâu, người theo đến đó”.

Đang đứng trên giồng đê nắng chang chang ở đồng lớn Cần Đăng, anh Trần Văn Tín, quê Lai Vung (Đồng Tháp) có hơn 5 năm kinh nghiệm trong nghề chăn “vịt chạy đồng” cho biết: Làm cái nghề này phải “chôn chân ngoài đồng” nắng mưa, sình lầy mặc kệ. Mấy hôm trước mưa giông tầm tã, đâu dám bỏ vịt vào trại, sợ nó mê mồi “rút” qua đám ruộng chưa cắt, mình đành trùm áo mưa ngồi trên đống rơm giữa đồng trống để canh. Trời nắng “cháy đầu” cũng không dám vô “lùm” cây, trời hiu hiu dễ buồn ngủ lắm. Bỏ vô bóng mát chiều tìm vịt lạc là cái chắc. Ngồi ngoài đê tuy gục gật mà chắc ăn.

Chưa hết, do phải dầm nước thường xuyên, tiếp xúc nguồn nước nhiễm thuốc nông nghiệp nên trên mình của những người “chăn vịt” luôn nổi “lác”, viêm da đỏ ửng; nhất là bàn chân nước ăn lở loét, chai cứng: “Ban đầu đau, rát khó chịu, lâu quen rồi anh ơi, làm nghề chăn vịt này ai mà chẳng vậy” - anh Tín vừa nói vừa chỉ tay vào những ngón chân chỉ còn thớ thịt chứ không có móng.

Không còn trẻ như Thành, Cu Bồi, Phương, cách chỗ anh Tín đứng, ông Thông đang cặm cụi ngồi bên đống rơm, trừng đôi mắt lòa nhòa về hướng bầy vịt tơ đang “quần mồi” dưới mặt ruộng. “Lứa vịt này đang vào độ “đâm lông viền” nên ham mồi lắm, hở một chút nó rút qua bên đám ruộng chưa gặt là hỏng bét”. Nhìn thân hình đen đúa, còm cõi, đầu tóc bờm xờm của ông, không ai nghĩ rằng ông chỉ ở cái tuổi 50. Ông không muốn nói nhiều về cái nghề “hạ bạc” mình đang làm, chỉ biết rằng: “Cực lắm chú ạ, tại ở quê mình không có đất ruộng…” .

Gian nan tìm vốn đổi đời

Nghề cực khổ nhưng tiền lương lại không như công sức bỏ ra. Theo Cu Bồi, Phương, Thành thì một tháng mỗi người được 1,5 triệu, cơm nước chủ lo, nhưng nghề này đối mặt với việc nhịn đói chờ cơm là chuyện thường. Phương cho biết: “Sáng đánh vịt ra đồng sớm, chủ nấu cơm không kịp nên ăn mì, trưa chủ nấu đem vô nhưng lùa vịt cách trại xa quá có khi chủ quên đem hoặc không biết hướng nên chờ mãi, đói quá chịu không nổi, nướng hột vịt ăn cầm hơi”.

Thật vậy, tạnh mưa đã quá ngọ nhưng cả ba đều chưa ăn cơm sáng. Ngoài việc ăn, chuyện uống cũng thất thường, chăn “vịt chạy đồng” mà không biết uống nước mương, nước lung mới là chuyện lạ!

Anh Tín kề vai sát cánh chạy đồng cùng “chủ” qua biết bao gian nan, bao nhiêu đợt vịt trên nhiều vùng đất xa lạ nhưng đến nay cũng được trả lương chưa quá 3triệu/tháng, mà phải chăn hơn 2.000 con vịt.

Một lần chạy đồng, cầm vịt chỗ mới thời gian khoảng một tháng, nhưng người chăn vịt “hên” không làm tổn thất gì, chủ trúng tiền thì được thưởng thêm vài trăm nghìn. Tổn thất ít thì bị cằn nhằn một vài câu, “xui” hao hụt nhiều bị trừ tiền lương.

Theo anh Tín thì cũng có nhiều chuyện oái oăm lắm: Một số “chủ vịt” mướn người theo, nói hết đợt “chạy đồng” trả tiền một lượt, nhưng do vịt “không trúng hột” hay bị “bể bầy” (vịt chết hàng loạt) lỗ vốn, họ cuốn trại về quê, không trả nổi tiền mua đồng và tiền công người giữ…

Biết bao lần đi qua những cánh đồng còn trơ gốc rạ, luôn thấy thấp thoáng những con người đứng, ngồi trên những giồng đê, đống rơm xa tít ngoài đồng. Họ bất chấp mưa gió, bất chấp hiểm nguy rình rập để sống với nghề “hạ bạc” nhất - nghề chăn “vịt chạy đồng”… Ước mơ đổi đời của họ cũng bình thường, thế vậy, lắm khi qua bao mùa “chạy đồng” mà họ chẳng rứt ra được khỏi nghề… Có lẽ ngoài vịt ra, trước mặt họ chỉ là “Cánh đồng bất tận”…
LV (Theo LV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem