Mua của Việt Nam chưa đủ, một nước Đông Nam Á còn ký hợp đồng mua một loại nông sản của Campuchia sau 10 năm
Mua của Việt Nam chưa đủ, một nước Đông Nam Á còn ký hợp đồng mua một loại nông sản của Campuchia sau 10 năm
K.Nguyên
Thứ ba, ngày 12/09/2023 18:29 PM (GMT+7)
Xuất khẩu gạo của Việt Nam lần đầu tiên xác lập kỷ lục mới khi nhu cầu mua gạo của thế giới chưa bao giờ cao đến thế. Trong khi đó, Indonesia còn ký thỏa thuận cung cấp gạo với Campuchia sau 10 năm.
Tác động của EI Nino đã ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo của nhiều nước châu Á, đây là một trong những lý do chính khiến Ấn Độ và một số nước quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo. Từ sau quyết định đó, giá gạo thế giới lên một tầm cao mới, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng lập những kỷ lục chưa từng có.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 8/2023, Việt Nam đã xuất khẩu tới 921.000 tấn gạo, trị giá 546,4 triệu USD, tăng mạnh 39,5% về lượng và tăng 50,7% về giá trị so với tháng 7/2023.
Luỹ kế 8 tháng năm 2023, nước ta xuất khẩu gần 6 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 3,16 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng nhưng tăng tới 35,7 về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái do giá gạo xuất khẩu tăng mạnh.
Philippines, Trung Quốc, Indonesia tiếp tục là những thị trường mua nhiều gạo nhất của Việt Nam.
Đơn cử như Philippines, chỉ trong tháng 8, Việt Nam đã xuất khẩu sang Philippines gần 410.000 tấn gạo, thu về 244 triệu USD, tăng 76,5% về giá trị so với tháng 8 năm ngoái. Đây cũng là quốc gia mua gạo của Việt Nam nhiều nhất trong tháng 8 vừa qua.
Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng tăng 45,6%, sang Malaysia tăng 50,6%, sang Ghana tăng 63,8%... Đặc biệt, xuất khẩu gạo sang Indonesia đạt 61,2 triệu USD, tăng tới 1.409% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ mua gạo từ Campuchia, lần đầu tiên sau 10 năm Indonesia ký thỏa thuận cung cấp với Campuchia lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Bản hợp đồng có khối lượng lên tới 250.000 tấn mỗi năm, gấp đôi khối lượng của hợp đồng tương tự vào năm 2012.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp lúa gạo, cả giá xuất khẩu và giá tại thị trường nội địa quay đầu giảm mạnh trong những phiên gần đây do tác động từ thị trường Philippines, khi quốc gia này áp mức giá trần tại thị trường nội địa thấp hơn nhiều so với giá gạo thế giới.
Điều này đồng nghĩa, các quốc gia khó có thể xuất bán vào Philippines do chênh lệch giá, kéo theo giá gạo trên thị trường thế giới hạ nhiệt.
Thông tin từ Bloomberg, lạm phát gạo ở Philippines đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 5 năm vào tháng 8 vừa qua. Ngân hàng trung ương Philippines cảnh báo sẵn sàng tiếp tục thắt chặt tiền tệ nếu cần, trong khi các nước khác đang gấp rút đảm bảo nguồn cung.
Lệnh cấm của Ấn Độ đã gây đảo lộn thị trường lương thực và khiến các quốc gia lo lắng về việc đảm bảo nguồn cung. Cùng lúc đó, các chính phủ phải nỗ lực kiềm chế giá gạo gia tăng vì đây vốn là lương thực quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của hàng tỷ người trên khắp châu Á và châu Phi.
Đảm bảo nguồn cung gạo là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, buộc các nhà lãnh đạo phải khẩn trương hành động. Do đó, Philippines đang lên kế hoạch về một hợp đồng 5 năm với Việt Nam. Trong khi đó, Senegal đang tiến hành các đề nghị ngoại giao với Ấn Độ, tương tự cách thức mà các nước Guinea và Singapore thực hiện để đảm bảo nguồn cung.
Nhiều quốc gia cũng đang thực hiện các bước để ngăn chặn giá gạo gia tăng. Malaysia đã áp đặt giới hạn mua hàng và bắt tay vào việc kiểm tra các nhà bán buôn và nhà xay xát thương mại, trước những cáo buộc rằng gạo trong nước đang bị bán dưới dạng gạo nhập khẩu với giá cao hơn.
Myanmar cũng đã áp đặt một hệ thống bắt buộc ghi lại khối lượng gạo dự trữ để kiểm soát giá trong nước và ngăn chặn tình trạng đầu cơ.
Sau những động thái của các nước nhập khẩu, giá gạo xuất khẩu đã giảm. Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 11/9, giá gạo xuất khẩu 5% và 25% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 623 USD/tấn và 608 USD/tấn.
So với mức đỉnh 643 USD/tấn với gạo 5% tấm và gạo 25% tấm là 628 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của nước ta đã giảm 20 USD/tấn. Tuy nhiên, giá gạo Việt vẫn đang cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan.
Tại thị trường trong nước, giá lúa gạo vẫn ở mức cao. Theo đó, giá lúa IR 50404 ở mức 7.700 - 8.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 7.800 - 8.200 đồng/kg; OM 5451, OM 18 đạt 7.700 - 8.100 đồng/kg; Nàng Hoa 9 đạt 8.200 - 8.400 đồng/kg.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.