Sau 34 năm xuất khẩu lô gạo đầu tiên, Việt Nam đang ở vị trí nào trên bản đồ lúa gạo thế giới?

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 02/09/2023 06:01 AM (GMT+7)
Năm 1989, lần đầu tiên Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu gạo thế giới, đánh dấu mốc quan trọng của hạt gạo Việt. Sau 34 năm, gạo Việt đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế và liên tục lập những kỳ tích, hiện thực hóa giấc mơ trở thành cường quốc lương thực trên thế giới.
Bình luận 0

Giá gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới

Theo bản tin của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 31/8/2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 643 USD/tấn, gạo 25% tấm là 628 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan là 633 USD/tấn và 565 USD/tấn. Như vậy, gạo Việt Nam đang giữ vị trí cao nhất thế giới về giá.

Giá gạo Việt Nam tiếp tục thiết lập những kỷ lục mới sau khi một số nước như Ấn Độ, Nga, UAE có những động thái siết xuất khẩu gạo để đảm bảo bình ổn giá trong nước trong bối cảnh El Nino có những tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất lúa. 

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn giữ vững quan điểm xuất khẩu khoảng 7 – 8 triệu tấn gạo, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực trong nước, thể hiện uy tín, vị thế của một trong những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

Hiện thực hóa khát vọng “cường quốc lương thực” - Ảnh 1.

Bốc xếp gạo xuống tàu tại Cảng Sài Gòn để xuất khẩu sang Malaysia. Ảnh: TTXVN

Đến cuối tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, thu về gần 2,6 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu truyền thống chủ yếu ở châu Á nhập gạo Việt Nam 3,3 triệu tấn (chiếm hơn 77%), tăng gần 36% so cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, lượng lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (dùng chế biến thức ăn chăn nuôi, dự trữ trong dân, dự trữ quốc gia, làm giống...) khoảng 29,5 triệu tấn một năm. Như vậy, năm 2023 cả nước sẽ còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 7-8 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu.

Trước đó, năm 2022 ngành chế biến và xuất khẩu gạo cũng đã có một năm thành công khi tạo nhiều dấu ấn: Sản lượng xuất khẩu 7 triệu tấn, trị giá 3,5 tỷ USD; có mặt trên kệ siêu thị EU, vào bữa ăn Nội các Nhật Bản...

Trở lại thời điểm trước năm 1986, Việt Nam phải nhập khẩu gạo do sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa. Năm 1986, với những chính sách đổi mới về phát triển kinh tế đất nước nói chung, trong đó có triển khai những chính sách quan trọng phát triển nông nghiệp nên sản xuất lúa gạo của Việt Nam phát triển nhanh chóng, tăng cả về sản lượng và năng suất. Đến năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo, chấm dứt thời kỳ thiếu gạo và chuyển sang xuất khẩu.

Hiện thực hóa khát vọng “cường quốc lương thực” - Ảnh 3.

Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu gạo tiêu thụ trong nước mà còn có ý nghĩa to lớn về mặt giao thương hàng hoá quốc tế. Sau năm 1986, lúa gạo là một trong những ngành hàng đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như các lĩnh vực kinh tế khác trong việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Qua hơn 34 năm xuất khẩu gạo, đến nay, gạo Việt Nam có mặt ở hơn 150 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản…

Cân bằng lợi ích, nâng cao thu nhập cho nông dân

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, giá gạo Việt Nam tăng cao, xuất khẩu thuận lợi vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức. 

Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 "biến" lớn: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Trong điều kiện thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ, những xung đột, những chính sách của các nước thay đổi liên tục, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng những dự báo tầm dài cần nỗ lực đảm bảo tính chính xác cao hơn, tuy nhiên những dự báo ngắn hạn có sự thay đổi liên tục.

Về giải pháp đảm bảo an ninh lương thực, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã sớm có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng đã có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực, hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo làm nảy sinh cơ hội, thời cơ cho chúng ta. 

Bộ trưởng đề nghị các bên liên quan cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía, thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện.

"Nếu không có biến động thì Việt Nam sẽ không gặp vấn đề gì trong việc xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, khoảng 20% diện tích lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong liên kết và còn tới 80% diện tích ngoài liên kết. Ngoài ra, giá lúa chịu quy luật cung - cầu. Tại Việt Nam giá lúa gạo còn chịu nhiều vấn đề khác như vấn đề đặt cọc, câu chuyện thỏa thuận, mua bán, mùa vụ…" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Trước thời cơ như hiện tại, Bộ trưởng kêu gọi các bên phải tôn trọng nhau, phải chia sẻ thời cơ, làm sao để mùa sau mọi người còn có thể mua bán, thỏa thuận, làm ăn với nhau. Bộ trưởng nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ số một là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thứ hai mới là đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như là một cam kết có trách nhiệm của Việt Nam với thế giới về vấn đề an ninh lương thực.

Nỗi trăn trở tăng thu nhập của người trồng lúa

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ tâm tư về điều ám ảnh trong tâm trí của mình là làm sao cải thiện được thu nhập của người nông dân trồng lúa. Bộ trưởng cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông đã nhận được tin nhắn của một nông dân cho biết nếu giá lúa cao và thu nhập ổn định thì người nông dân miền Tây sẵn sàng đem mùng ra ngoài đồng để giữ lúa cho Nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực; và nếu giá lúa thấp thì người người nông dân sẽ bỏ ruộng, khi đó mới chính là vấn đề mất an ninh lương thực.

img

Nông dân huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ thu hoạch lúa. Ảnh: Huỳnh Xây

Cũng theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, cần nhìn cấu trúc ngành hàng lúa gạo nhiều chiều hơn. Nếu chuyển đổi tạo ra những nghề ở nông thôn, lúc đó người nông dân không chỉ hưởng từ thành quả từ thóc lúa của mình. Thông qua liên kết hợp tác xã để mua nhiều vật tư nông nghiệp thì giá giảm, giá giảm thì lợi nhuận tăng, khuyến khích bà con nông dân tham gia hợp tác xã để mua chung, bán chung, tạo ra nhiều dịch vụ chung, khi đó thu nhập của bà con nông dân sẽ nằm ở nhiều phân khúc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem