Mùa lễ hội hay mùa... hành xác?

Thứ ba, ngày 19/02/2013 19:26 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mùa lễ hội 2013 đã bắt đầu với rất nhiều lộn xộn, tình trạng chen lấn, quá tải chặt chém du khách vẫn diễn ra phổ biến khắp nơi. Dường như mùa lễ hội đã trở thành mùa... hành xác của khách du lịch.
Bình luận 0

Vật vã du ngoạn

Tính từ đầu xuân Quý Tỵ đến nay, những trung tâm lễ hội, hành hương lớn nhất miền Bắc như chùa Hương, chùa Bái Đính, chợ Viềng, hội Tịch điền, đền Gióng, hội pháo Đồng Kỵ... đều đã chính thức khai hội.

img
Cháu bé mệt nhoài trong mưa khi theo bố mẹ đi chùa Hương (Hà Nội)

Riêng chùa Yên Tử (Quảng Ninh), mặc dù chính thức khai hội vào tối mùng 9 tháng Giêng nhưng từ trước đó vài ngày, tại khu vực này đã vô cùng đông vui tấp nập do nhiều sự kiện lễ hội diễn ra trong dịp này chào mừng đón bằng di tích quốc gia đặc biệt cho khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Bà Hoàng Thị Hà – Phó Chủ tịch UBND TP.Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết: “Trong những ngày đầu năm Quý Tỵ, lượng khách về Yên Tử tăng lên rất nhiều so với mọi năm, chỉ riêng 5 ngày đầu năm, lượng khách về Yên Tử lên tới khoảng 2 - 3 vạn người”.

Vừa trở về từ sau một tour du lịch hành hương đầu năm ở chùa Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Hương (Hà Nội) trong 3 ngày từ 6 đến mùng 8 Tết Quý Tỵ, chị Ngô Hoàng Quyên ở nhà C2 tập thể Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Từ năm sau gia đình tôi sẽ cạch món đi lễ bái chùa chiền đầu năm.

Nói chung đúng là thân làm tội đời, ai cũng chen chúc đi chùa, ở chùa Bái Đính thì như một cái chợ, dịch vụ hàng quán chặt chém, đông tới mức phải thuê cả thang để trèo tường leo ra. Ở chùa Hương, đố ai đi được đò đúng với giá Nhà nước quy định, cả nhà tôi đi 4 người, đáng lý chỉ mất khoảng hơn 300.000 đồng, thế mà phải trả đến hơn 1 triệu đồng để ngồi đò trên suối Yến. Chúng tôi nào biết kêu ai, lấy ai ra để mà xử lý những chủ đò bắt chẹt khách như thế?”.

Thanh tra Bộ VHTTDL bắt đầu vào cuộc

Chiều 18.2 (tức mùng 9 tết), trao đổi với NTNN về những xử lý của ngành trước tình trạng lễ hội lộn xộn đầu năm, ông Vũ Xuân Thành- Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết là ông chưa thể nói được gì, ngày hôm nay (18.2) mới bắt đầu thanh tra, chưa có kết quả xử lý. Ông Thành hẹn một vài ngày tới sẽ thông tin cho báo chí biết. Được biết, ông Phạm Xuân Phúc- Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL trong ngày 18.2 cũng đi kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại Yên Tử (Quảng Ninh).

Huy Hoàng

Bác Lê Thị An, 75 tuổi, ở đường Ngô Gia Tự (TP. Bắc Ninh) cho biết: “Hội Người cao tuổi phường tôi cũng tổ chức cho các cụ đi tham quan hành hương lễ Phật ở chùa Hương nhân dịp đầu xuân.

Chúng tôi toàn người cao tuổi, chân yếu tay run, cũng gắng chống gậy hành hương vào lễ Phật nhưng nhiều người nửa đường không đi nổi, phải ngồi lại ven đường. Quá đông đúc, nhộn nhạo, vệ sinh môi trường thì bẩn, rác thải khắp nơi. Mà sợ nhất là nơi đất Phật nhưng cảnh xả thịt thú rừng vẫn diễn ra ngang nhiên trước mắt tất cả mọi người giữa thanh thiên bạch nhật, chúng tôi sợ quá, run hết cả tay chân”.

“Chặt chém” khắp nơi

Chợ Viềng Nam Định những ngày này tấp nập, ồn ào và có phần xô bồ, một số hàng quán tranh thủ thời cơ tăng giá gấp 3 - 4 lần ngày thường. Phiên chợ Viềng năm nay tuy đông đúc nhưng người đi hội cũng không còn hưởng trọn vẹn sự thú vị như trước, khi tính thương mại hóa đã lấn lướt ý nghĩa truyền thống của phiên chợ cầu may.

Anh Phạm Hoàng Hà ở xã Khánh Dương (Yên Mô, Ninh Bình) bức xúc kể lại: “Nhà tôi đi chợ Viềng từ chiều mùng 7 tết, nhưng cách chợ 7km thì đường tắc, không thể vào, chúng tôi phải gửi xe ô tô ở ven đường để đi xe ôm vào, họ thu giá cắt cổ 450.000 đồng, thằng bé con tôi khát nước, mua một lon Pepsi mà tôi phải trả 50.000 đồng, thật là quá đáng. Vẫn biết ngày tết cái gì cũng đắt đỏ hơn nhưng như thế thì quá là chặt chém. Không đi thì chẳng có chỗ chơi, mà muốn du ngoạn đầu xuân một chút lại mua về bao nhiêu nỗi bực mình”.

Tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) ngày mùng 6 tết, chị Nguyễn Thị Hà Hương ở phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) đã phải cắn răng trả 500.000 đồng cho dịch vụ đội lễ chen vào hộ vì người quá đông. Chị kể: “Người phụ nữ ấy bảo tôi là để chị ta bưng giúp lễ, mình tưởng là người tốt bụng, nghĩ rằng vào đến nơi sẽ hậu tạ, nhưng không ngờ chị ta đòi ngay 500.000 đồng, một cái giá quá bất ngờ mà không trả thì chắc chắn tôi sẽ bị rầy rà, bị chửi bới xui xẻo cả năm. Thật quá đáng, vì quãng đường chỉ vài chục mét chứ có dài đâu”.

Những nỗi khổ của du khách hành hương dịp đầu năm kể bao nhiêu cũng không hết và cũng không có gì mới so với những năm trước. Rõ ràng năm nào Bộ VHTTDL cũng tổ chức các hội nghị để bàn thảo việc làm sao giải quyết được những vấn nạn của mùa lễ hội, nhưng rốt cuộc cũng chưa cải thiện được là mấy. Vấn đề ở đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nơi quản lý các khu thắng cảnh, di tích và sự quá tải do lượng khách ồ ạt dồn về trong một thời gian ngắn.

Có thể nói, một khi tâm lý chen nhau đổ xô đi lễ, đi hội vào dịp đầu năm của người Việt chưa thể thay đổi thì những vấn nạn của lễ hội vẫn sẽ tái diễn như thế, bởi hạ tầng cơ sở và năng lực quản lý, điều hành của các địa phương còn quá yếu kém...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem