Tờ Bưu điện Bangkok của Thái Lan cho rằng một trong số những nhà sản xuất đường lớn nhất Thái Lan đang đối mặt với những cáo buộc “cướp đất” trong ngành công nghiệp mía đường béo bở của Campuchia.
Tờ báo cho biết, trong những ngày này, hàng núi bao tải chứa mía mới thu hoạch đang chất đầy tại một nhà máy ở Campuchia mà Công ty Khon Kaen Sugar Industry Plc (KSL) là một đối tác liên doanh. Hồi năm ngoái, liên doanh này đã trở thành nhà máy chế biến đường đầu tiên đi vào hoạt động tại Campuchia kể từ hơn 40 năm qua.
|
Nông dân trồng mía ở Campuchia. |
Bên cạnh nước láng giềng Thái Lan, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ nhì thế giới, với mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn sản phẩm trong năm nay, thì đường là lựa chọn hiển nhiên để Campuchia đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp. Sức hấp dẫn cũng nằm ở ưu tiên miễn thuế xuất vào các thị trường Liên minh châu Âu (EU), trong đó các mức giá tối thiểu được đảm bảo, vốn đã có hiệu lực từ năm 2009 cho các mặt hàng đường xuất xứ từ Campuchia trong khuôn khổ Sáng kiến Tất cả mọi thứ trừ vũ khí (EBA).
KSL đã ký thỏa thuận đối tác với Công ty Đài Loan Vewong, cùng một doanh nghiệp Campuchia và Thượng nghị sĩ Campuchia Ly Yong Phat thành lập liên doanh khai thác mía đường trên khu vực rộng khoảng 20.000ha ở vùng Tây Nam Campuchia.
Từ tháng 6.2010, liên doanh này đã xuất đợt đầu tiên sang EU, cụ thể là 10.000 tấn đường vào Vương quốc Anh trong khuôn khổ thỏa thuận EBA. Tuy nhiên, hàng nghìn nông dân Campuchia tố cáo rằng, họ bị đuổi khỏi đất nông nghiệp của mình, trong một số trường hợp đã trở thành vô gia cư và bị tuyệt đường sống. Cộng đồng địa phương đã bị dọa dẫm bằng luật pháp và thậm chí, bị cảnh sát, nhân danh dự án, tấn công để giải tỏa đất đai.
Theo báo cáo thường niên của Tổ chức BABC, mỗi năm hơn 12.000 người dân Campuchia bị tác động bởi những vụ cưỡng chiếm đất đai, cũng như những hành động vi phạm khác liên quan tới ngành công nghiệp mía đường.
Hạ Anh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.