Mùa nước nổi miền Tây, dân xóm thuyền ở Kiên Giang có việc làm, rủng rỉnh tiền tiêu

Chúc Ly - Ngọc Quyên Chủ nhật, ngày 13/11/2022 05:04 AM (GMT+7)
Từ tháng 7 âm lịch, khi con nước ở các vùng thượng nguồn ĐBSCL lên cao cũng là lúc dân Kiên Giang chuẩn bị đón mùa nước nổi. Mùa nước nổi miền Tây cũng là thời điểm ở các xóm nghề truyền thống chuyên sản xuất các ngư cụ, phương tiện đánh bắt tất bật vào mùa.
Bình luận 0

Xóm nghề truyền thống vót câu, đan lợp rộn ràng

Về ấp Xẻo Cui, xã Hòa Thuận (Giồng Riềng) những ngày tháng 9, dễ dàng bắt gặp hình ảnh hàng chục hộ dân ở xóm nghề truyền thống vót câu, làm lợp bắt cá đang tất bật với công việc để cung ứng hàng cho thị trường mùa nước nổi.

Ấp Xẻo Cui phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nhiều gia đình không đất ruộng hoặc ít đất đã có thêm thu nhập từ nghề đan lợp, vót câu, vót đũa. Đón mùa nước nổi năm nay, người dân làm nghề nơi đây bận rộn hơn những năm trước vì đơn đặt hàng tăng cao.

Bà Thị Cưỡng, ngụ ấp Xẻo Cui cho biết: "Đan lợp cá là nghề mang tính thời vụ, chỉ bận rộn vài tháng trong năm. Gia đình tôi theo nghề hơn 30 năm. Hàng năm cứ vào mùa nước nổi, gia đình sống khỏe hơn nhờ nghề này".

"Trước đây, tôi được cha chỉ dạy rồi làm tới bây giờ. Vào những lúc mưa nhiều, nước lên cao thì khách sỉ đặt càng nhiều hơn. Hiện giá lợp cá bán sỉ ra thị trường là 30.000 đồng/cái, sau khi trừ đi chi phí, bà có lãi 15.000 đồng/cái. Nếu làm liên tục, vợ chồng bà kiếm được 5-6 triệu đồng/tháng", bà Cưỡng chia sẻ.

Kiên Giang: Dân xóm nghề truyền thống rủng rỉnh tiền vào mùa nước nổi - Ảnh 2.

Anh Danh Chành (bên phải) và anh Danh Lượng ở xóm nghề truyền thống chuẩn bị vận chuyển cần câu ra đầu kênh giao cho xe tải. Ảnh: NQ.

Hàng năm, để chuẩn bị làm lợp, khoảng tháng 3 bà Cưỡng bắt đầu mua tre về chuốt, phơi, để sẵn đến tháng 6, tháng 7 thì đan lợp theo đơn đặt hàng. Bà phải tìm và chọn những cây tre già, để lợp đạt chất lượng và nông dân có thể sử dụng 2-3 mùa.

Kiên Giang: Dân xóm nghề truyền thống rủng rỉnh tiền vào mùa nước nổi - Ảnh 3.

Với thâm niên làm nghề vót câu trên 20 năm, vợ chồng anh Danh Chành vót được 10.000 cần câu/tháng, trừ hết chi phí thu lãi trên 10 triệu đồng. Ảnh: NQ.

Còn anh Danh Chành, ngụ cùng ấp, cho biết: "Thời gian gần đây đơn hàng đặt cần câu cá, câu ếch tăng nên gia đình tôi và bà con trong xóm phải tăng ca đến 2-3 giờ sáng. Nghề vót câu làm quanh năm, khi vô mùa nước nổi thì đắt hàng hơn. Nghề này tuy cực nhưng đổi lại được ngồi trong nhà, trai, gái, già, trẻ đều làm được".

Hiện anh Chành giao cần câu cá cho các cơ sở bán ngư lưới cụ dao động từ 90-100 nghìn đồng/100 cần, giá bán lẻ 200 nghìn đồng/100 cần. Ngoài cần câu cá, vợ chồng anh Chành còn nhận làm câu ếch, giá bán 60-80 đồng/100 cần.

Bnh quân vợ chồng anh Chành vót được khoảng 10.000 cần câu/tháng, trừ hết chi phí nguyên liệu, còn thu lãi trên 10 triệu đồng. Để bà con có thu nhập, anh Chành đứng ra nhận đơn đặt hàng rồi về chia sẻ lại cho mọi người trong xóm. Những hộ không có điều kiện mua tre thì vót gia công, với tiền công 100 cần là 5 nghìn đồng.

Nghề đóng ghe, xuồng cũng tất bật

Đón mùa nước nổi, nghề đóng ghe, xuồng ở Kiên Giang cũng đang vào mùa cao điểm sản xuất. Hiện nghề đóng ghe xuồng nơi đây phần lớn được hỗ trợ từ máy móc, kỹ thuật hiện đại. Những chiếc ghe, xuồng bằng gỗ truyền thống cũng dần được thay thế bằng composite với nhiều kiểu dáng mới lạ, nhẹ và vận tốc cao hơn.

Khi nước lũ tràn đồng, ghe xuồng là phương tiện đi lại, chuyên chở hàng hóa rất thông dụng của người dân vùng sông nước. Đây cũng là phương tiện dùng cho việc đánh bắt thủy sản nên nhu cầu về ghe, xuồng rất lớn. Điều này khiến cho nghề đóng ghe, xuồng của các cơ sở phát triển mạnh.

Kiên Giang: Dân xóm nghề truyền thống rủng rỉnh tiền vào mùa nước nổi - Ảnh 4.

Anh Lê Quốc bên số xuồng, ghe, vỏ lãi chuẩn bị giao cho khách hàng. Ảnh: NQ.

Có mặt tại cơ sở sản xuất xuồng, ghe, vỏ lãi của anh Lê Việt Quốc tại ấp 1, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (Gò Quao) những ngày này, mới thấy hết cảnh nhộn nhịp ở đây. Ghe, xuồng, vỏ lãi được xếp cao cạnh bờ kênh chờ khách lấy. Trong khi đó, tại khu vực sản xuất phía sau nhà, nhiều nhóm thợ đang tất bật với công việc để kịp xuất xưởng những chiếc xuồng mới.

Kiên Giang: Dân xóm nghề truyền thống rủng rỉnh tiền vào mùa nước nổi - Ảnh 5.

Vào mùa nước nổi, mỗi ngày cơ sở sản xuất xuồng, ghe, vỏ lãi của anh Quốc tạo việc làm cho 20 lao động. Ảnh: NQ.

Cơ sở của anh Quốc sản xuất quanh năm, nhưng đến mùa nước lũ đổ về thì không khí làm việc tại đây càng khẩn trương hơn, cao điểm nhất là từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 10 âm lịch. Tại đây gồm nhiều sản phẩm như xuồng cắt lái, ghe tam bản, vỏ lãi… 

Kiên Giang: Dân xóm nghề truyền thống rủng rỉnh tiền vào mùa nước nổi - Ảnh 6.

Nghề đóng ghe, xuồng, vỏ lãi giúp cho nhiều hộ dân và lao động tại địa phương có nguồn thu ổn định. Ảnh: NQ.

Sản phẩm chủ lực nhất là xuồng cắt lái và ghe tam bản, với giá dao động từ 2-4 triệu đồng/chiếc; vỏ lãi giá bán từ 5-15 triệu đồng/chiếc tuỳ tải trọng.

Theo anh Quốc, ở những ngày thường cơ sở sản xuất khoảng 100 chiếc/tháng. Còn khi vào mùa nước nổi số lượng bán ra tăng gấp 2-3 lần. Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên cơ sở tăng giá bán từ 300-400 nghìn đồng/chiếc.

Mùa nước nổi về, không chỉ người dân trong tỉnh mà các tỉnh An Giang, Cà Mau, Long An cũng đến đặt mua xuồng, ghe của anh Quốc. Nhiều đại lý mỗi lần đặt hàng trăm sản phẩm để bỏ mối và bán lẻ cho người dân ở vùng lũ và biên giới Campuchia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem