Múc đất ruộng bán cho lò gạch, tiềm ẩn nguy cơ...

Ngọc Vũ Thứ ba, ngày 30/06/2015 14:00 PM (GMT+7)
Không chỉ người dân ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cho múc đất ruộng bán cho lò gạch, mà tại nhiều nơi khác như xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) thời gian qua cũng diễn ra tình trạng tương tự. Việc lấy đất ruộng bán cho lò gạch đang ngày càng lan rộng, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp... 
Bình luận 0

60.000 đồng/m3 đất ruộng

Có mặt tại đồng ruộng xã Vĩnh Nam (Vĩnh Linh) lúc sáng sớm, chúng tôi phát hiện một công trường khai thác đất ruộng cấp tập với 2 máy múc và 5 xe ben chở đất chạy tung bụi bay mù. Chúng tôi vừa ghi hình thì ngay lập tức hoạt động khai thác đất ruộng tại đây dừng lại. Một nhóm người ăn mặc chỉn chu đang chỉ đạo khai thác đất tại hiện trường liền nhảy vào xe ô tô biển số 74C 024.26 chạy đi. Theo tìm hiểu của phóng viên, xe ô tô trên có đăng ký mang tên Công ty TNHH MTV Tiên Tiến (đóng tại xã Vĩnh Long, Vĩnh Linh).

img
Thửa ruộng ở xã Vĩnh Nam nham nhở vì bị múc đất mặt, chừa lại đất cục  bạc màu. (Ảnh: N.V)

Tiếp tục đến cánh đồng xã Vĩnh Lâm, cách trụ sở UBND xã này chừng 1km, chúng tôi chứng kiến cảnh đất ruộng ở đây đang được múc bán ngang nhiên trên một diện tích lớn. Từng gàu đất mặt màu đen mun, tơi xốp lần lượt được xúc đưa lên xe tải chở đi nơi khác. Phát hiện chúng tôi chụp hình, đội quân khai thác đất ở đây ngừng hoạt động.

Theo một nông dân tên Cảm (thôn Tiên Mỹ 2, xã Vĩnh Lâm), mỗi khối đất ruộng được anh này bán giá 60.000 đồng. Đất ruộng của anh Cảm sau khi bán được xe tải chở về cung cấp cho lò gạch Linh Đơn đóng tại xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Linh). Anh Cảm nói rằng, vì chân ruộng cao gây khó khăn trong việc lấy nước phục vụ sản xuất nên anh múc đất bán để hạ độ cao. “Người ta khai thác đất nhưng phải trả lại lớp đất mặt cho mình, độ sâu khai thác là 0,2m” - anh Cảm nói.

Chính quyền cho phép

Theo ông Thái Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, việc khai thác đất ruộng ở huyện đã diễn ra từ nhiều năm trước, nhưng là do dân tự ý làm. Năm nay, vì nhiều lý do nên UBND huyện đề nghị Phòng TNMT kiểm tra, hướng dẫn nông dân làm đúng thủ tục cần thiết. Sau đó, nông dân đã có hồ sơ, đơn xin cấp phép cải tạo, hạ độ cao đối với đất nông nghiệp và sử dụng đất dư thừa làm vật liệu san lấp công trình. Phòng TNMT huyện đã tiến hành thẩm định nên UBND huyện mới ký quyết định đồng ý cho cải tạo.

Theo hồ sơ chưa đầy đủ mà UBND huyện Vĩnh Linh cung cấp thì đã có hàng chục hộ dân thuộc các xã Vĩnh Nam, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy… được đồng ý cho khai thác đất ruộng với diện tích trên 2,3ha. Theo quan sát của phóng viên, trên thực tế, việc múc đất hạ độ cao không đúng quy định. Máy múc đã xúc luôn lớp đất mặt của các thửa ruộng để chở đi bán. Độ sâu hạ độ cao ở nhiều thửa ruộng là hơn 0,4m, gấp đôi quy định cho phép. Mặt bằng ruộng sau khi múc đất là những tảng đất cứng, bạc màu, lồi lõm…

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Năm – Trưởng phòng TNMT huyện Vĩnh Linh khẳng định, ngày nào cũng có cán bộ của phòng đi kiểm tra việc cải tạo đất ruộng. Tuy nhiên, khi phóng viên phản ánh thực tế đang diễn ra thì ông này lại phân bua rằng phòng chỉ có ít người nên không thể tiến hành kiểm tra(!?).

Ông Trần Thanh Hiền – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết, lớp đất mặt ruộng hết sức quan trọng, giàu chất dinh dưỡng, đảm bảo cho sự phát triển của cây lúa. Nếu ruộng mất đi lớp đất mặt thì năng suất lúa giảm, sâu bệnh nhiều hơn, chi phí sản xuất tăng... ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Để phục hồi hiện trạng ruộng như ban đầu sau khi múc đất mặt phải rất nhiều thời gian, phân bón. 
Lờ chính quyền, doanh nghiệp tự ý phá ruộng

Theo phản ánh của một số người dân tại xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), thời gian qua, Nhà máy Gạch ngói Cầu Họ đóng trên địa bàn xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên đã tiến hành lấy đất tại cánh đồng thuộc thôn 9, xã Cẩm Quang để làm nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất của nhà máy. Mỗi ngày có hàng chục chiếc xe tải hoạt động liên tục chở đất từ cánh đồng về đổ tại cơ sở 2 của nhà máy.

Ông Phạm Văn Hỷ - Trưởng thôn 9 cho biết: Trong buổi họp thôn vào tháng 12.2014 đại diện nhà máy đã về làm việc và thoả thuận với người dân để nhà máy lấy đất tại cánh đồng này phục vụ nhà máy, đồng thời hạ độ cao chân ruộng cho người dân và cải tạo đất. Diện tích cải tạo là 40.000m2. Sau khi người dân và doanh nghiệp thoả thuận xong, phía thôn xóm cũng đã có văn bản báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của các cấp.

Thôn 9 có 60 hộ thì tới 40 hộ nằm trong vùng Nhà máy Gạch Cầu Họ thương lượng lấy đất. Thời điểm chúng tôi có mặt, tại cánh đồng thôn 9 đang có 2 máy múc và hàng chục chiếc xe tải hoạt động liên tục. Ông Lê Văn Tứ - Chủ tịch UBND xã Cẩm Quang cho biết: Xã đã nhận được tờ trình của xóm  và xã cũng đã làm văn bản gửi lên cơ quan cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản chỉ đạo của các cấp có liên quan. Nhà máy Gạch ngói Cầu Họ tự thoả thuận với người dân chứ không qua xã.

Ông Hoàng Văn Long - Giám đốc Nhà máy Gạch ngói Cầu Họ phân trần: Nhu cầu về gạch ngói của người dân ngày càng lớn nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền tại Hà Tĩnh quy hoạch vùng nguyên liệu. Vì vậy, công ty chúng tôi trực tiếp làm việc với người dân chứ không qua chính quyền xã. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Viết Chiến - Trưởng phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Cẩm Xuyên cho biết: Phòng chưa nhận được văn bản báo cáo nào từ nhà máy cũng như từ xã gửi lên. Đến khi anh em phản ảnh, chúng tôi mới biết sự việc. Tôi sẽ cho anh em kiểm tra lại, nếu có sẽ cho dừng việc lấy đất và xử lý.

Nguyễn Duyên
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem