Mục sở thị 4 “báu vật” giếng cổ được người dân Xuân Tảo lưu giữ hàng trăm năm

Phương Linh- Nguyễn Tùng Thứ tư, ngày 12/10/2022 08:52 AM (GMT+7)
Sự thay đổi liên tục của xã hội hiện đại đã và đang khiến những giá trị xưa cũ dần bị mai một. Những bóng dáng giếng cổ nằm trong lòng phường Xuân Tảo là một trong số ít những điều đáng quý còn sót lại.
Bình luận 0

Clip giếng cổ ở phường Xuân Tảo (Hà Nội). Thực hiện: Phương Linh - Nguyễn Tùng.

Mục sở thị 4 “báu vật” giếng cổ được người dân Xuân Tảo lưu giữ hàng trăm năm - Ảnh 2.

Xưa kia, những chiếc giếng không chỉ đem lại nguồn nước sinh hoạt cho người dân mà còn trở thành biểu tượng văn hoá, thể hiện bản sắc phong tục của từng làng. Toạ lạc ven con sông Hồng chảy dồi dào quanh năm, phường Xuân Tảo (Hà Nội) lẽ dĩ nhiên cũng mang trong mình những bóng giếng mang đậm hương vị của làng quê Bắc Bộ.

Mục sở thị 4 “báu vật” giếng cổ được người dân Xuân Tảo lưu giữ hàng trăm năm - Ảnh 3.

Ngày nay, phường Xuân Tảo còn giữ lại tổng cộng 4 chiếc giếng cổ được đặt tên theo từng thôn: giếng Đông, giếng Giàn, giếng Lộc và giếng thôn Nhang. Những chiếc giếng này hầu như đều có niên đại trên trăm năm và được nhiều thế hệ người dân gìn giữ, bảo vệ cẩn thận. Cách cổng chào Xuân Đỉnh khoảng chục mét, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của một chiếc giếng được bao bọc cẩn thận bởi một lớp tường rào được xây bằng gạch kiên cố. Đây là giếng Đông, nằm ở đầu ngõ Bún.

Mục sở thị 4 “báu vật” giếng cổ được người dân Xuân Tảo lưu giữ hàng trăm năm - Ảnh 4.

Cách cổng chào khoảng 600m là chiếc giếng Lộc cổ kính, nằm khép mình bên cạnh một ngã ba luôn ồn ào, tấp nập người và xe. Cũng giống như giếng Đông, xung quanh nơi này là một hàng rào cao 1m được bọc gai thép vô cùng chắc chắn. Ông Liêm, người dân sống ở thôn Đông kể rằng chiếc giếng này đã tồn tại tầm 400 - 500 năm về trước. Giếng mới được cải tạo lại khoảng chục năm lại đây, trước đó giếng vẫn còn được mở nắp và được lát bằng gạch vồ thay vì xi măng như hiện tại. Từ khi lắp đặt hệ thống nước máy, người dân tuy không sử dụng chiếc giếng cổ này nhưng vẫn giữ nguyên bởi đây chính là di vật hiếm hoi được ông cha họ để lại.

Mục sở thị 4 “báu vật” giếng cổ được người dân Xuân Tảo lưu giữ hàng trăm năm - Ảnh 5.

Giếng Lộc tuy được bồi đắp bằng một lớp xi măng cứng cáp, lớp rêu phong mọc bao phủ thành giếng đã tạo nên dáng vẻ xưa cũ, mang đầy dấu tích của thời gian. Phía bên trên có một chiếc nắp sắt có thể đóng mở nhưng luôn được khóa trái vô cùng cẩn thận. Đặc biệt, bên cạnh giếng còn đặt một bàn thờ luôn nghi ngút hương khói.

Mục sở thị 4 “báu vật” giếng cổ được người dân Xuân Tảo lưu giữ hàng trăm năm - Ảnh 6.

Bà Đỗ Thị Dung (70 tuổi), người trông coi giếng chia sẻ: "Chiếc giếng tồn tại cũng hơn 200 trăm năm rồi, nó đã chứng kiến cuộc đời của rất nhiều thế hệ người dân thôn Lộc. Bởi vì người dân vô cùng trân trọng, nâng niu chiếc giếng nên đã lập bàn thờ để thắp hương thờ thần giếng vào những dịp lễ, Tết. Giếng tuy còn nước nhưng ít ai dùng".

Mục sở thị 4 “báu vật” giếng cổ được người dân Xuân Tảo lưu giữ hàng trăm năm - Ảnh 7.

Dừng chân bên cạnh miếu Vũ thôn Nhang linh thiêng, chúng tôi được người dân giới thiệu về chiếc giếng đá nằm trong một khuôn viên nhỏ, khuất bóng sau những rặng cây. Chiếc giếng thấp, lại được đặt những bồn cây, hoa cảnh xanh ngát xung quanh khiến nơi đây tựa như một khu vườn ngập tràn sức sống.

Mục sở thị 4 “báu vật” giếng cổ được người dân Xuân Tảo lưu giữ hàng trăm năm - Ảnh 8.

Giếng thôn Nhang cao khoảng 30cm, được tạo nên bằng đá liền khối. Trên miệng giếng có nhiều vết lõm lớn nhỏ do hoạt động kéo gầu lấy nước xưa kia để lại. Không chỉ được ốp gạch gọn gàng, bên cạnh giếng còn đặt một ngôi miếu vô cùng khang trang để thờ thần giếng.

Mục sở thị 4 “báu vật” giếng cổ được người dân Xuân Tảo lưu giữ hàng trăm năm - Ảnh 9.

Qua tìm hiểu, tất cả chi phí cải tạo nơi này đều được chính tay người dân xung quanh đóng góp và được hoàn thành khoảng 3 năm trước. Chiếc giếng không chỉ mang trong mình những hồi ức đáng tự hào mà còn đại diện cho tình yêu làng xóm của những người con thôn Nhang.

Mục sở thị 4 “báu vật” giếng cổ được người dân Xuân Tảo lưu giữ hàng trăm năm - Ảnh 10.

Cuối cùng, khi nhắc đến giếng cổ Xuân Tảo, không thể bỏ quên chiếc giếng Giàn mang đậm những dấu ấn lịch sử. Nhiều ý kiến cho rằng, giếng được đào vào khoảng những năm 1016 - 1018, cùng thời điểm khởi dựng đình Giàn.

Mục sở thị 4 “báu vật” giếng cổ được người dân Xuân Tảo lưu giữ hàng trăm năm - Ảnh 11.

Xung quanh giếng cũng có một khuôn viên nhỏ được thiết kế hoàn toàn bằng đá. Những cột trụ, tường bao quanh đều được chạm khắc bằng những hoa văn độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam như rặng mây, hoa sen, lá đề…

Mục sở thị 4 “báu vật” giếng cổ được người dân Xuân Tảo lưu giữ hàng trăm năm - Ảnh 12.

Giếng Giàn không chỉ từng là nơi là cung cấp nước sạch cho làng mà còn mang giá trị rất lớn về mặt tâm linh. Theo đó, vào những ngày mùng 9 - 11/2 âm lịch hàng năm, hội làng Xuân Đỉnh sẽ được tổ chức và hoạt động mở đầu chính là lễ rước nước từ giếng cổ về đình để tiến cúng Thần Hoàng làng. Giờ đây, không thể lấy nước trực tiếp vì giếng Giàn đã cạn nên người dân sẽ bơm nước vào giếng và kéo lên để đảm bảo nghi thức truyền thống được diễn ra trọn vẹn.







Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem