Tiệm giặt là đặc biệt ở Hà Nội chỉ sử dụng “cử chỉ bằng tay” để giao tiếp

Thảo Quyên Thứ năm, ngày 25/08/2022 10:08 AM (GMT+7)
Tại tiệm giặt là số 7 đường bờ sông Sét (quận Hoàng Mai, Hà Nội), khách hàng và nhân viên giao tiếp với nhau bằng một phương thức riêng, khác biệt hoàn toàn so với những nơi khác.
Bình luận 0

Bước qua ranh giới của bản thân

Tiệm giặt là tại địa chỉ số 7 đường bờ sông Sét (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) rất đặc biệt, ở đây, nhân viên và khách hàng giao tiếp với nhau bằng một phương thức riêng. Khách hàng quan sát, viết ra giấy yêu cầu rồi đưa cho nhân viên cửa hàng. 

Thậm chí, tại tiệm giặt là còn có sẵn những con dấu khắc lời yêu cầu, lời nhắn, những tấm biển chỉ dẫn chi tiết để giúp nhân viên hiểu được yêu cầu của khách hàng nhanh chóng. Bởi nhân viên tiệm giặt là đều là những người điếc. 

Tiệm giặt là đặc biệt ở Hà Nội chỉ sử dụng “cử chỉ bằng tay” để giao tiếp với khách hàng - Ảnh 1.

Tiệm giặt là của người Điếc tại địa chỉ số 7 đường bờ sông Sét, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Thảo Quyên.

Chủ nhân tiệm giặt là đặc biệt này là chị Lương Thị Kiều Thuý (Sn 1991, Hà Nội). Thúy hoàn toàn không nghe được từ năm 10 tuổi. Để "trò chuyện" với Thúy, chúng tôi đã gửi tin nhắn rồi được một cuộc hẹn gặp trực tiếp trong lúc cô gái trẻ đang bận rộn mở một tiệm giặt thứ hai do người điếc vận hành. 

Cô chủ tiệm giặt là đặc biệt trả lời từng câu hỏi chúng tôi viết ra giấy, bắt đầu câu chuyện bằng ước mơ của bản thân. Không nghe được từ bé, cô gái người Hà Nội vẫn mơ ước trở thành nhà báo. Nhưng ngày tốt nghiệp trường Cao đẳng truyền hình, cũng là lúc Thúy nhận ra nghề báo có nhiều rào cản đối với người khiếm thính. 

Cô gái học "thủ ngữ" - ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính, người điếc để giao tiếp nhiều hơn với những người đồng cảnh ngộ. Năm 2019, Thúy tham gia dự án nghiên cứu về tình trạng việc làm của người điếc tại Hà Nội khi đang hoạt động tại Tổ chức thanh niên hoạt động vì quyền của người điếc/khiếm thính. 

"Tôi ấp ủ ý tưởng xây dựng mô hình giặt là, tạo cơ hội việc làm cho người điếc, khiếm thính và sử dụng lợi nhuận để phát triển cộng đồng bền vững", chị Thuý chia sẻ.

Ước mơ của cô gái trẻ đã được đền đáp. Năm 2020, với ý tưởng mang tên "Giặt là Sáng" của Thúy vinh dự đoạt giải thưởng "Cánh én vàng" tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2020 do TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. 

Ý tưởng này tiếp tục đoạt giải "Best Performance" tại cuộc thi "Ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội cho thanh niên 2020" do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức.

Tiệm giặt là đặc biệt ở Hà Nội chỉ sử dụng “cử chỉ bằng tay” để giao tiếp với khách hàng - Ảnh 3.

Chị Lương Thị Kiều Thuý với nụ cười luôn nở trên môi. Ảnh: Thảo Quyên.

Không lâu sau đó, tháng 12/2020, tiệm giặt là người điếc xuất phát từ ý tưởng "Giặt là Sáng" được thành lập với mục đích tạo cơ hội việc làm, tăng sự hoà nhập của người khuyết tật đến với xã hội, thay đổi định kiến về người điếc/khiếm thính.

"Tôi đã dốc toàn bộ sức lực, thời gian để có thể mở tiệm giặt là đầu tiên, tôi khá kiên trì nên dù khó khăn đến đâu tôi cũng sẽ không lùi bước. Tôi đã mở được tiệm giặt là đầu tiên bằng hình thức liên danh. Đến tiệm giặt thứ 2, tôi đã thực sự dùng tài chính của mình cùng một số người bạn khuyết tật nữa để mở", chị Thuý tâm sự.

Tiệm giặt là đặc biệt ở Hà Nội chỉ sử dụng “cử chỉ bằng tay” để giao tiếp với khách hàng - Ảnh 4.

Chị Thuý cùng những người nhân viên của mình đang tất bật làm việc. Ảnh: Thảo Quyên.

Đam mê cống hiến giá trị tích cực

Với chị Thúy, điều ý nghĩa nhất mà tiệm giặt là mang lại là đã giúp thay đổi suy nghĩ của những người trong xã hội về người khuyết tật. Đây cũng là điều những người khuyết tật tại tiệm giặt là cảm thấy tự hào. 

"Tôi mong sẽ có thật nhiều người biết đến tiệm giặt là của người điếc để nâng cao nhận thức về khuyết tật cũng như những cộng đồng khác biệt. 

Còn với chúng tôi, tiệm giặt là lan toả sự tự tin trong cuộc sống, chấp nhận bản thân mình, tìm cách nỗ lực biến điểm yếu thành điểm mạnh", chị Thuý chia sẻ.

Lê Thu Ngân (Sn 2003) nhân viên của tiệm giặt của người điếc từ những ngày đầu. 

"Tôi cảm thấy rất vui khi được làm việc tại đây. Ban đầu mọi thứ với tôi còn khó khăn khi khách hàng không hiểu tôi nói gì, nhưng hiện tại tôi đã quen và có thể giải quyết mọi công việc tại tiệm" - Ngân dùng "thủ ngữ" trao đổi, Thúy là người "dịch" lại giúp chúng tôi.

Cùng với Ngân, tiệm giặt là của người điếc ở số 7 đường bờ sông Sét hiện còn có thêm một nhân viên nam làm việc thường xuyên. 

Tiệm giặt là đặc biệt ở Hà Nội chỉ sử dụng “cử chỉ bằng tay” để giao tiếp với khách hàng - Ảnh 6.

Dù là những người không "hoàn hảo" về thể chất nhưng khuôn mặt của họ lúc nào cũng ánh lên sự rạng rỡ, niềm vui, tự tin, từ ánh mắt cho đến nụ cười. Ảnh: Thảo Quyên.

Theo quan sát của phóng viên, những khách quen của tiệm không mất quá nhiều thời gian để trao đổi, còn người chưa quen phải viết ra giấy. 

Niềm hạnh phúc giản dị được là người có ích trong xã hội đang được Thúy và các đồng nghiệp quyết tâm từng ngày tại tiệm giặt là đặc biệt. 

Nói về dự định trong tương lai, cô chủ tiệm giặt là mong muốn nhân viên có thể duy trì công việc ổn định, tiệm sẽ ngày càng có nhiều khách và sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình dịch vụ này ở nhiều địa điểm khác để cho người điếc có thêm cơ hội việc làm, để cuộc sống bớt nhọc nhằn hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem