Muỗi Aedes - nguồn lây truyền virus ăn não Zika có nhiều tại Việt Nam

Quốc Hải Thứ ba, ngày 02/02/2016 19:07 PM (GMT+7)
Dịch bệnh mới do virus Zika gây ra có cùng nguồn lây với bệnh sốt xuất huyết là muỗi Aedes. Tuy nhiên, có đến 80% các trường hợp nhiễm Zika không có biểu hiện lâm sàng nên càng khó khăn hơn trong công tác giám sát phát hiện.
Bình luận 0

Chiều 2.2, Bộ Y tế đã có cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với các tỉnh thành về công tác phòng chống dịch do virus Zika và các dịch bệnh nguy hiểm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Đông Xuân năm 2016.

img

Cẩn trọng với virus Zika vì có nguồn gốc lây truyền từ muỗi Aedes. (Ảnh minh họa)

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, tuy chưa có trường hợp nhiễm virus Zika tại nước ta nhưng nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan trong cộng đồng là hoàn toàn có thể do sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Trong khi, hiện người dân không có miễn dịch đối với virus Zika.

“Đáng lo ngại, bệnh sốt xuất huyết có cùng nguồn lây truyền virus Zika - là loài muỗi Aedes. Việt Nam hiện có mật độ muỗi Aedes rất cao”, bà Tiến nói.

Cũng theo bà Tiến, vấn đề chính vẫn là kiểm soát chặt ca bệnh về từ vùng dịch. Nhưng theo thống kê, có đến 80% các trường hợp nhiễm Zika không có biểu hiện lâm sàng. Do đó, việc giám sát phát hiện bệnh này tại các cửa khẩu quốc tế không phải dễ. Biện pháp cấp bách là phải truyền thông giúp người dân cân nhắc, hạn chế đến các nước Nam Mỹ, một số nước châu Âu và Đông Nam Á đang có dịch. Đặc biệt là phụ nữ mang thai, vì có một số bằng chứng gợi ý virus Zika có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tới nay muỗi tại Việt Nam vẫn đang sinh sôi mạnh dù thời tiết lạnh.

“Chúng ta cần kiểm tra lại độ nhậy cảm với hóa chất đang được sử dụng để diệt muỗi Aedes hiện nay. Nếu cần, các đơn vị dự phòng xem xét có phải thay đổi hóa chất hay không? Ta cứ kêu gọi người dân phòng tránh muỗi đốt, mà muỗi thì cứ có hoài thì làm sao mà phòng được? Phải diệt ngay các nguồn chứa bọ gậy là nguồn phát sinh muỗi. Người dân cần ý thức lật úp, đậy kín tất cả các dụng cụ có khả năng chứa nước tại nơi mình sinh sống”, bà Tiến nói.

Cũng tại cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng y tế cũng lưu ý các bệnh dịch khác cũng có thể xảy ra vào thời điểm này là cúm mùa (H1N1, H3N2…), cúm gia cầm (H5N1, H7N9…). Ngoài ra, cần lưu ý nguy cơ mắc liên cầu lợn do ăn tiết canh và ngộ độc rượu trong những ngày vui Xuân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem