Muốn “cai nghiện” hàng Trung Quốc?

Thứ hai, ngày 26/05/2014 06:49 AM (GMT+7)
Một chuyên gia về tiếp thị không trả lời thẳng câu hỏi “liệu có cai nghiện hàng Trung Quốc được không?” mà chỉ nói rằng, các bạn trẻ Việt kiều ở Cali từng có triết lý mua sắm: “Dừng lại 30 giây”.
Bình luận 0
Không phải kể từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, chuyện cai nghiện hàng Trung Quốc mới được đặt ra. Từ lâu, như rất nhiều quốc gia trên thế giới người tiêu dùng đã nói “không” với hàng Trung Quốc “kém chất lượng” ở các nhóm hàng: thực phẩm, hoá chất, điện tử…

Một chuyên gia về tiếp thị không trả lời thẳng câu hỏi “liệu có cai nghiện hàng Trung Quốc được không?” mà chỉ nói rằng, các bạn trẻ Việt kiều ở Cali từng có triết lý mua sắm: “Dừng lại 30 giây”. Khi quyết định mua sắm một món hàng nào đó, phải dừng lại “30 giây” để đọc xuất xứ của món hàng trước khi quyết định mua hay không! Nếu là hàng Trung Quốc, nó có thể bị bỏ ra khỏi giỏ hàng và xem tại siêu thị đó có hàng cùng loại của Việt Nam thì mua.

Trung Quốc là “công xưởng” của thế giới. Trong mỗi gia đình Việt hiện nay tràn ngập hàng Trung Quốc, từ các nhãn hiệu toàn cầu cho đến nhãn hiệu địa phương, từ sợi dây thun cho đến những mặt hàng điện tử, điện lạnh… Nhiều người bảo rằng, nếu nói “không” một cách cực đoan sẽ rất khó mà nên có sự lựa chọn để đào thải từ từ hàng Trung Quốc.

Cân nhắc tiền nào của ấy…

Cùng là chức năng nấu cơm nhưng những chiếc nồi cơm điện có dung tích 1,8 lít của Media (Trung Quốc, có nhà máy tại khu công nghiệp Mỹ Phước, Bình Dương) chỉ có giá 300.000đ, trong khi đó, cùng chức năng nhưng hàng của hãng Kangaroo (Việt Nam) có giá 450.000đ. Với mức giá như vậy, người tiêu dùng có thu nhập thấp sẽ chọn mặt hàng nào có giá thấp hơn với quan niệm: “Nồi nào gạo cũng thành cơm”.

Cùng là những chiếc tivi có độ phân giải 4K nhưng hàng của các thương hiệu như Samsung, LG, Sony có giá cao gấp đôi so với hàng của TCL (Trung Quốc). TCL giải thích rằng, vì họ là nhà sản xuất màn hình cho nhiều hãng khác nên giá rẻ hơn là điều tất nhiên. “Của nhà trồng được” mà!

Cũng như hiện tượng “Wave Tàu” đã làm cho nhiều người vốn chỉ biết nhìn thấy chiếc xe máy “trong giấc mơ” được quyền sở hữu, nay những chiếc điện thoại di động được sản xuất tại Trung Quốc đã góp phần quan trọng trong tăng thuê bao cho các nhà mạng Việt Nam. Thế mạnh của nhóm sản phẩm này là giá rẻ, cộng với nhiều tính năng cao cấp vốn chỉ xuất hiện ở những mẫu tầm trung của các thương hiệu lớn.

Cuối năm ngoái, ông Thiều Phương Nam, trưởng đại diện của hãng sản xuất chip nổi tiếng toàn thế giới Qualcomm, cũng tỏ vẻ ngạc nhiên khi giá smartphone đã ở dưới mức 1 triệu đồng. Chỉ có các hãng sản xuất của Trung Quốc mới làm được điều đó.Nhưng ông bà ta đã đúc kết: “tiền nào của ấy” quả chẳng sai chút nào.

Không hoa mắt vì “nhan sắc”!

Thực tế có nhiều người nghiện hàng Trung Quốc chỉ vì “nhan sắc” của nó. Phải thừa nhận rằng các hãng sản xuất Trung Quốc đã thành công khi đánh vào thị giác của người tiêu dùng. Củ tỏi, củ hành múp míp. Những gói bánh, gói kẹo bắt mắt vì bao bì rực rỡ sắc màu. Nhìn những gói bò – heo khô đóng gói không thể cầm được lòng.

Cách đây năm năm, đại diện Nokia Việt Nam không chịu được sức tấn công của hàng nhái đã nói thẳng: “Đó là những mặt hàng no-name, sản xuất bên Trung Quốc”. Phát biểu của Nokia Việt Nam là một sự thật, và nếu bạn là người tiêu dùng có trách nhiệm, hãy dứt khoát nói không với hàng nhái.

Có dùng mới mua


Nhằm thoả mãn tiện nghi cho cuộc sống, nhưng không có đủ tiền để sắm hàng xịn, vậy là nhiều khách hàng chọn mua hàng Trung Quốc, từ chiếc máy xay sinh tố, bếp từ, lò nướng, lẩu điện, loa, đầu DVD… Đã từng chứng kiến nhiều gia đình, thứ gì cũng có nhưng chỉ “hăm hở” xài được vài lần rồi… cất kho.

Dù giá chỉ là 1 đồng, nhưng với ông Thuận (Thủ Đức), chỉ nên mua những gì mà tần suất sử dụng thấp nhất là một lần/tháng. Vị khách hàng này tâm sự, cứ cuối năm lại tốn thời gian dọn dẹp những vật dụng không xài đến. “Khi mua không nghĩ đến nhu cầu sử dụng, chỉ thấy giá rẻ, thiết kế đẹp mà mua. Tết năm ngoái, khi dọn dẹp kho mới biết mình đã mua nhiều món hàng vẫn còn nguyên trong hộp”, ông Thuận cười.

Chọn thương hiệu toàn cầu


Trung Quốc cũng có những thương hiệu toàn cầu ở nhiều nhóm sản phẩm khác nhau. Với những thương hiệu lớn, giá chẳng thấp hơn các hãng khác là bao. Không lo nhiều lắm về nhóm sản phẩm này, chất lượng đã được cam kết, kèm theo bảo hành, hậu mãi ở mức chấp nhận được.

Điều đáng nói là sản phẩm (điện tử, điện gia dụng, thực phẩm…) của những tên tuổi lạ hoắc, được sản xuất từ những tổ hợp, hợp tác xã ở ven biên giới, theo đường rừng vào thị trường Việt Nam, rồi xuất hiện tại các tiệm tạp hoá từ nông thôn cho đến thành thị lớn như Hà Nội, TP.HCM…

Không cần nói cũng biết chất lượng của những mặt hàng này như thế nào. Thời iPod dung lượng 8GB của Apple có giá 5 triệu đồng, Hồng Phúc (quận 10) hớn hở mua chiếc iPod Tàu với giá 500.000đ nhưng chỉ xài đúng ba ngày là vứt vào sọt rác...
Song Minh (Thế giới Tiếp thị) (Song Minh (Thế giới Tiếp thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem