Muôn sắc bóng hồng bén duyên màn ảnh

Lê Hồng Lâm Thứ tư, ngày 05/02/2020 18:20 PM (GMT+7)
Trong suốt hơn 7 thập niên của điện ảnh Việt Nam, hình ảnh người phụ nữ Việt, đặc biệt là những người phụ nữ nông thôn được các đạo diễn xây dựng thành công qua sự hóa thân của các ngôi sao điện ảnh tiêu biểu qua các thời kỳ khác nhau.
Bình luận 0

Không chỉ gắn liền với sự nghiệp điện ảnh của nhiều diễn viên nữ, họ còn trở thành biểu tượng của vẻ đẹp từ nội tâm đến ngoại hình của người phụ nữ Việt Nam.

Sống mãi cùng nhân vật

“Vợ chồng A Phủ” - truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài được đạo diễn Mai Lộc chuyển thể lên màn ảnh với bộ phim cùng tên và suốt hơn 5 thập kỷ qua, nó vẫn được xem là một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam.

img

  Nghệ sĩ Lê Vi trong phim “Giải hạn”. Ảnh: T.L

Chất liệu dày dặn và sống động cùng những nhân vật đặc sắc trong truyện được tái hiện lên phim gần như nguyên vẹn. Điều đáng ngạc nhiên là, tuy được dựng vào năm 1961, tức chỉ hai năm sau bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam là “Chung một dòng sông”, nhưng “Vợ chồng A Phủ” cho thấy sự chuyên nghiệp và bài bản của ê kíp thực hiện. Bối cảnh vùng cao Tây Bắc được tái hiện thật sinh động với cảnh sắc thiên nhiên, không gian văn hóa của người Mông. Tập tục sinh hoạt ở bản Tà Sùa được dàn dựng công phu như cảnh ném pa pao, thổi kèn lá giao duyên giữa các đôi trai gái, hay tục cướp vợ và tập quán coi phụ nữ như đầy tớ trong nhà.

Nữ nghệ sĩ Đức Hoàn đã sống với dân bản nhiều tháng trời để học nói tiếng Mông, đi gùi nước, hái ngô, xay lúa... đặng có thể vào vai Mị. Đức Hoàn là người Hà Nội gốc, nhưng sau một năm quay bộ phim này ở bản Tà Sùa, bà trở thành... người dân tộc Mông từ lời ăn tiếng nói đến vẻ bề ngoài. Mị trở thành nhân vật kinh điển và gắn liền với bà trong suốt cuộc đời hoạt động điện ảnh.

img

  Ngô Thanh Vân hóa thân thành một bà mẹ nông thôn trong phim Hai Phượng. Ảnh: T.L

Cho dù sau này điện ảnh Việt có một vài bộ phim khai thác về đề tài vùng cao như “Thung lũng hoang vắng”, “Chuyện của Pao”… nhưng nhắc đến hình ảnh của người phụ nữ dân tộc thiểu số trên màn ảnh, chắc chắn khán giả sẽ nói đến nhân vật Mị của Đức Hoàn trong “Vợ chồng A Phủ” đầu tiên.

Trong bộ phim hành động ăn khách kỷ lục “Hai Phượng” (đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt) ra mắt đầu năm 2019 cũng làm nổi bật hình ảnh “duyên quê” của người phụ nữ Việt qua diễn xuất của  Ngô Thanh Vân với hình ảnh chiếc nón lá, áo bà ba tím, cho dù cô xuất hiện từ đầu đến cuối phim qua hình ảnh một “đả nữ” tả xung hữu đột.

Với đề tài văn hóa đồng bằng Bắc Bộ và hình ảnh người phụ nữ hát quan họ với tà áo tứ thân mớ ba mớ bảy duyên dáng, không thể không nhắc đến bộ phim “Đến hẹn lại lên” của đạo diễn Trần Vũ, đặc biệt là bộ phim đã phát hiện ra tài năng diễn xuất của NSND Như Quỳnh với vai diễn đầu đời – cô Nết. “Đến hẹn lại lên” không chỉ dừng lại ở một làng quê văn hóa với những câu hát giao duyên, mà còn là câu chuyện về khát vọng tự do và giải phóng con người.

Nữ diễn viên Như Quỳnh, ở tuổi 20, tỏa sáng với vai chính đầu tay trong bộ phim này. Hình ảnh Nết trong một khuôn hình cận cảnh ở cảnh mở đầu hội Lim, với chiếc nón quai thao cầm tay mở cổng làng bước ra lễ hội, có lẽ là hình ảnh đẹp nhất của chị trong sự nghiệp điện ảnh kéo dài gần 5 thập niên.

Biểu tượng của phụ nữ Việt Nam trong thời chiến tranh và hậu chiến sẽ được khán giả mộ điệu nhắc đến mãi với tuyệt tác “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, qua diễn xuất của nữ diễn viên tài sắc Lê Vân.  Một trong những cảnh xuất sắc nhất là cảnh Duyên diễn cảnh chèo ở sân đình, với trường đoạn người vợ tiễn chồng lên đường ra trận, nguyện thay mặt anh ở nhà chăm sóc mẹ già. Đang trong tâm trạng rối bời và nỗi đau khôn tả, tâm trạng của người vợ trong trích đoạn chèo “Trương Viên” cũng chính là tâm trạng của Duyên.“Lưu li đôi hạt chia nhau, ai gây mà ngăn cách?” - trong tiếng hát nức nở nghẹn ngào, người vợ - hay chính là nỗi lòng của Duyên. Không chịu đựng được nỗi đau này, Duyên đã không diễn hết trích đoạn chèo mà bỏ chạy ra khỏi sân khấu, chạy đến miếu thờ Thành hoàng…

Duyên trở thành vai diễn xuất sắc nhất trong sự nghiệp điện ảnh của Lê Vân, cho dù chị còn đóng nhiều bộ phim thành công khác về đề tài nông thôn Việt Nam như “Chị Dậu”, “Thằng Bờm”, “Thương nhớ đồng quê”…

Thân phận đặc biệt

Lê Vi - em gái út trong ba chị em tài sắc con của cặp nghệ sĩ Trần Tiến – Lê Mai cũng có những vai diễn đáng nhớ về hình ảnh chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là trong hai bộ phim “Cây bạch đàn vô danh” (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) và “Giải hạn” (đạo diễn Vũ Xuân Hưng).

Nếu “Cây bạch đàn vô danh” vẫn tiếp tục đề tài về thời hậu chiến thì “Giải hạn” lại là một câu chuyện về làng quê với những thay đổi, xáo trộn trong thời đất nước bước vào nền kinh tế thị trường. Những phụ nữ như Triệu (Lê Vi đóng), từ vị thế người vợ bị chồng phụ bạc, từ thân phận nông dân làm thuê, chịu đựng sự bóc lột, chèn ép của kẻ khác đã tìm cách để vươn lên, thay đổi. Khi bị dồn vào chân tường, chính Triệu phải tìm cách hành động để giải thoát cho mình, như câu thoại cô nói với Thiện: “Cả ở nhà, cả ở ngoài đời, không nơi nào tôi được sống như mình mong muốn cả”.

Nhưng cũng chính Triệu, dù vượt qua bao trở ngại để thành đạt, lại không dám vượt qua thành trì cuối cùng để đón nhận hạnh phúc mà cô xứng đáng được hưởng. ”Giải hạn” kết thúc với sự dang dở khi Triệu chạy đuổi theo chiếc xe khách đã chở Thiện đi xa...

Mạch phim về đề tài hậu chiến tiếp tục kéo dài đến tận những năm đầu 2000, đặc biệt là trong bộ phim “Đời cát” khai thác thân phận những người dân sống trên vùng cát trắng của các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Được Nguyễn Quang Lập - nhà văn gốc gác Quảng Bình chuyển thể từ truyện ngắn “Ba người trên sân ga” của nhà văn Hữu Phương, “Đời cát” là câu chuyện của một vùng đất đặc biệt với những con người đặc biệt. Sự đặc biệt của nó thể hiện ở cái không gian, môi trường sống không mang tính phổ quát, và các nhân vật bị đặt vào những tình huống trớ trêu, ngặt nghèo để họ bộc lộ bản ngã của mình. Cát trở thành một nhân vật chính xuyên suốt, tác động đến tất cả các nhân vật hữu hình trong phim.

Thành công của “Đời cát” một phần quan trọng là nhờ dàn diễn viên xuất sắc, trong đó nổi bật là Mai Hoa và Hồng Ánh với vai hai người vợ chịu kiếp chồng chung. Lối diễn xuất ghìm nén của Mai Hoa với gương mặt khắc khổ và Hồng Ánh với sự tiết chế cảm xúc cao độ đã giúp “Đời cát” có những phân cảnh tuyệt vời, đặc biệt là “trận chiến tâm lý” giữa hai nhân vật này.

“Đời cát” là một bộ phim về những thân phận nhỏ nhoi bên lề, nhưng mang giá trị phổ quát; một bộ phim rất Việt Nam nhưng cũng rất quốc tế với rất nhiều giải thưởng, trong đó có các giải thưởng diễn xuất cho hai nữ diễn viên Mai Hoa và Hồng Ánh.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem