Mường Và (Sơn La): Cứ 10 nhà thì 9 hộ có nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn

Tuệ Linh Thứ bảy, ngày 18/08/2018 13:05 PM (GMT+7)
Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở bản Mường Và (xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) đã thực sự đi vào cuộc sống. Đặc biệt, bà con các dân tộc ở đây ý thức rất cao trong việc xây dựng nhà tiêu, nhà tắm – một trong những chỉ tiêu được coi là khó thực hiện nằm trong tiêu chí môi trường ở các bản vùng cao.
Bình luận 0

Làm nhà tiêu, nhà tắm là một trong những chỉ tiêu quan trọng nằm trong tiêu chí môi trường (tiêu chí số 17) trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Thiếu nhà tiêu là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh liên quan quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, giun sán… tác động không nhỏ đến sức khỏe gia đình, cộng đồng nhất là ảnh hướng đến năng suất lao động góp phần gia tăng tỷ lệ hộ nghèo ở vùng cao.

img

"Khi tôi đang quét dọn nhà vệ sinh cho sạch sẽ, tôi nghĩ mình cũng đang góp chút sức lực cùng Đảng và nhà nước xây dựng nông thôn mới ở vùng cao" - chị Tòng Thị Tọi - dân bản Mường Và, bảo vậy.

Chia sẻ với báo Điện tử Dân Việt, ông Lò Văn Chiến, Trưởng bản Mường Và, cho biết: Bà con ở đây còn nghèo khó nên những chỉ tiêu, tiêu chí nào dễ thực hiện, phù hợp với sức của người dân được ưu tiên trước. Chúng tôi xác định, để làm tốt NTM, trước tiên, mỗi hộ gia đình phải tự mình làm tốt NTM nơi mình ở mới tạo sức lan tỏa ra cộng đồng được.

Theo ông Chiến, làm nhà vệ sinh, nhà tắm là một trong những việc được bà con đồng tình ủng hộ cao. Bởi vậy, thông qua các cuộc họp của bản, anh em đã tuyên truyền vận động người dân tự xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm. Trong đó, chỉ rõ cho người dân biết, việc không có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống gia đình.

img

Việc xây dựng nhà tiêu, nhà tắm đảm bảo vệ sinh đang góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các bản làng vùng cao.

“Cán bộ xã được giao phụ trách bản cùng với chính quyền bản đã lên kế hoạch chi tiết, đi đến từng hộ vận động, đôn đốc người dân không nên đi tiêu bừa bãi mà cùng nhau phá bỏ các nhà cầu trên ao, làm nhà vệ sinh mới. Nhờ vậy, số hộ có nhà tiêu, nhà tắm đã tăng lên đáng kể trong những năm qua. Hiện khoảng 90% hộ dân trong bản đã có nhà tiêu, nhà tắm đảm bảo vệ sinh” – ông Chiến tự hào, nói.

Chị Tòng Thị Tọi, bản Mường Và nhớ lại: Trước đây, khi chưa có nhà vệ sinh, nơi “giải quyết nỗi buồn” của gia đình là vạt đồi ngay cạnh nhà. Việc này không những ảnh hưởng đến mỹ quan, vệ sinh môi trường mà các con tôi thời đó cũng hay bị bệnh đường ruột, tốn khá nhiều chi phí vào viện điều trị.

“Khi được cấp ủy, chính quyền địa phương đến tuyên truyền về tác hại của việc không có nhà tiêu, nhà tôi cùng với bà con trong bản đã bảo ban, giúp đỡ nhau làm nhà vệ sinh cho từng nhà một. Nhờ có sự đồng lòng như vậy mà đến nay, nhà nào nhà nấy đều có nhà tiêu, nhà tắm; tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh liên quan đến đường ruột như tiêu chảy, kiết lỵ… đã giảm đáng kể. Tình trạng phóng uế bừa bãi ra môi trường của bà con đã chấm dứt hẳn” – chị Tọi vui mừng.

“Mặc dù, điều kiện kinh tể ở bản vùng cao Mường Và còn nhiều khó khăn, song với sự đồng tâm hiệp lực của bà con, tôi hy vọng đến năm 2019, bản xã cán đích tiêu chí môi trường” – ông Lò Văn Chiến tin tưởng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem