Ngọc Huyền
Thứ hai, ngày 10/04/2023 10:00 AM (GMT+7)
Ga đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) trong khung giờ cao điểm có thể lên tới hàng nghìn lượt khách. Nhờ vậy, cánh xe ôm đưa, đón khách liên tục, mang về một khoản thu nhập không hề nhỏ trong ngày.
Ga tàu Cát Linh - Hà Đông chính thức đi vào hoạt động từ ngày 7/11/2021. Tuyến đường đi trên cao, dài 13km, có 12 nhà ga. Tính đến nay, tuyến đường tàu trên cao này đã đi vào sử dụng hơn 1 năm và dần trở nên thông dụng.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, ngày càng có nhiều hành khách lựa chọn tàu điện là phương tiện di chuyển. Nhất là vào giờ cao điểm, mỗi lượt tàu cập ga chở theo hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn hành khách.
Đa số hành khách sử dụng tàu điện để di chuyển là dân công sở. Chính vì vậy, khung giờ cao điểm nhất là từ 7 đến 9 giờ sáng và vào giờ tan tầm là 5 đến 6 giờ chiều.
Trao đổi với phóng viên, nhiều người cho biết việc kết hợp đi tàu điện và xe ôm đã trở thành thói quen bởi sự thuận tiện, giá rẻ lại không phải chịu cảnh tắc đường. Nắm bắt cơ hội này, nhiều tài xế xe ôm đã có mặt từ sớm tại các nhà ga để nhận chở khách.
Tại các sân ga tàu điện tuyến Cát Linh - Hà Đông, từ sáng đến chiều muộn đều nườm nượp các cánh xe ôm qua lại. Dù mặc áo của các hãng xe ôm công nghệ nhưng hầu hết các tài xế này đều mời chào khách và tự lấy giá theo kiểu xe ôm truyền thống.
Được biết, các tài xế xe ôm khi đón khách tại đây sẽ không cần sử dụng đến các app công nghệ, nhờ vậy họ không phải chia phần trăm cho công ty chủ. Ông Nguyễn Văn Hùng (tài xế xe ôm, Thái Hà, Đống Đa) chia sẻ: "Mỗi ngày đứng tại ga Cát Linh ít cũng được gần 100.000 đồng. Những ngày đông khách có khi lên đến vài trăm. Thu nhập ổn hơn hẳn trước đây".
Lượng hành khách đông nên các cánh tài xế tập trung tại sân ga cũng tăng lên. Mỗi tài xế đều chọn cho mình một vị trí thuận lợi để đón khách. Khi hành khách vừa rời khỏi ga Cát Linh, hàng chục xe ôm chờ sẵn từ sảnh và vỉa hè liên tục vẫy gọi, chào mời khách đi xe. Cứ như vậy, vài phút họ lại có một chuyến từ 15.000 - 30.000 đồng.
Theo quan sát của phóng viên, hầu hết các hành khách di chuyển về địa điểm khá gần ga Cát Linh. Vì vậy thời gian đi lại không mất quá nhiều. Sau khi trả khách, các tài xế đều nhanh chóng quay về địa điểm cũ để chờ lượt tàu cập ga tiếp theo. Nếu không nhanh chân, khách hàng có thể bị tài xế khác "giật" mất.
Tại các ga Yên Nghĩa, La Khê, Văn Quán cũng ghi nhận nhiều tài xế xe ôm chờ sẵn dưới chân ga. Gần như là điểm cuối nên các ga này đông khách nhất vào giờ tan tầm. Dù vậy, các tài xế đã có mặt từ sáng để đón các lượt khách lẻ. Vào khoảng thời gian không có khách, các tài xế tạm nghỉ ngơi trên yên xe và ăn uống.
Anh Hoàng Thái (xe ôm - Hà Đông) chia sẻ: "Tại ga này hầu hết là chờ lượt khách về vào giờ tan làm. Tuy không đông đúc nhưng mỗi ngày lượt nhận khách vẫn ổn định, thu nhập một tháng có thể để dư ra".
Để thu hút được nhiều khách hàng, các tài xế xe ôm luôn có mặt mọi lúc, mọi nơi. Thậm chí chuẩn bị sẵn áo mưa cho những ngày thời tiết xấu. Nhiều tài xế cho biết, việc nâng cấp dịch vụ giúp họ nhận được nhiều chuyến hơn. Nhờ vậy mỗi ngày không cần lo lắng về thu nhập như trước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.