Mỹ đưa các trang web do Tencent, Alibaba điều hành vào danh sách khét tiếng về hàng giả

Huỳnh Dũng Chủ nhật, ngày 20/02/2022 07:30 AM (GMT+7)
Mỹ đã kiểm tra tên một số công ty lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm các nền tảng do Tencent và Alibaba điều hành, vì bị cáo buộc kinh doanh "hàng giả và vi phạm bản quyền", đồng thời thêm các doanh nghiệp của họ vào danh sách "các thị trường khét tiếng".
Bình luận 0

Vào ngày 17/2, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã đưa thêm 6 nền tảng bán hàng trực tuyến và 9 chợ bán lẻ của Trung Quốc vào danh sách "thị trường khét tiếng" về hàng giả, vi phạm luật nhãn hiệu và bản quyền của Mỹ. Danh sách tổng thể hàng năm có 77 thực thể gồm 42 thị trường trực tuyến và 35 thị trường thực được báo cáo là có tham gia, hoặc tạo điều kiện cho việc làm giả nhãn hiệu hoặc vi phạm bản quyền đáng kể trải dài hơn một chục quốc gia.

Cụ thể, báo cáo "Đánh giá thị trường khét tiếng về hàng giả và vi phạm bản quyền" của USTR có thêm những nền tảng trực tuyến lần đầu xuất hiện gồm AliExpress và WeChat. Danh sách này còn có những cái tên lâu năm như Baidu Wangpan, DHGate, Pinduoduo và Taobao.

Báo cáo nói rằng, WeChat do Tencent quản lý – có tên Weixin ở Trung Quốc và có 1,2 tỷ người dùng trên toàn cầu tính tới năm 2021 – ngày càng trở thành một nguồn thuận tiện để mua hàng nhái thông qua các đường liên kết "liền mạch" giữa mạng xã hội và các trang thương mại điện tử bán hàng giả.

Danh sách do Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ biên soạn và được công bố, nêu bật các thị trường trực tuyến và thực tế tham gia hoặc tạo điều kiện cho việc làm giả nhãn hiệu hoặc vi phạm bản quyền. Ảnh: @AFP.

Danh sách do Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ biên soạn và được công bố, nêu bật các thị trường trực tuyến và thực tế tham gia hoặc tạo điều kiện cho việc làm giả nhãn hiệu hoặc vi phạm bản quyền. Ảnh: @AFP.

"AliExpress và Taobao hiện cũng sở hữu một số công cụ chống hàng giả tốt nhất trong ngành nhưng bản thân họ lại đang tiếp thị nhiều hơn cho hàng giả. Hơn nữa, các báo cáo cho thấy việc loại bỏ người bán hàng giả trên các nền tảng này ngày càng khó khăn hơn", USTR cho biết trong báo cáo.

Trong số các nền tảng trực tuyến khác của Trung Quốc, dịch vụ lưu trữ đám mây Baidu Wangpan được cho là đã chia sẻ rộng rãi các bộ phim vi phạm bản quyền và kể cả khi bị xóa, chúng vẫn nhanh chóng xuất hiện trở lại.

Trong một tuyên bố mới, Tencent nói rằng: "Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với quyết định của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ và cam kết hợp tác làm việc để giải quyết vấn đề này". Công ty này tiếp tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, coi đây là "trọng tâm trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi", đồng thời cho biết thêm rằng, họ đã và đang thực hiện các biện pháp để ngăn chặn các hành vi vi phạm trên các nền tảng của mình "bao gồm giáo dục, thực thi và hợp tác chặt chẽ với chủ sở hữu quyền, cơ quan chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật". Trong khi đó, Alibaba và Baidu đã không trả lời ngay lập tức sau khi báo cáo này được công bố.

Trong báo cáo dài 56 trang của mình, USTR còn tuyên bố rằng, nạn hàng giả toàn cầu gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ khoảng 29,2 tỷ USD mỗi năm và Trung Quốc là nhà sản xuất hàng giả lớn nhất thế giới. Bộ Thương mại Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức về vấn đề này, nhưng tại một cuộc họp báo hôm qua 18/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có lời đáp trả với Washington.

Wang Wenbin, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Trung Quốc luôn coi trọng việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, và những thành tựu của nước này trong những năm gần đây đã cho tất cả mọi người nhìn thấy". Ông nói với các phóng viên: "Sự tăng trưởng nhanh chóng của các bằng sáng chế nước ngoài ở Trung Quốc cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài có niềm tin vững chắc vào môi trường kinh doanh và bảo hộ bằng sáng chế của Trung Quốc; Chúng tôi kêu gọi phía Hoa Kỳ ngừng chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại".

Trong khi đó, Đại sứ USTR Katherine Tai cho biết trong một tuyên bố hôm 18/2 rằng: "Việc buôn bán hàng giả và hàng nhái trên toàn cầu làm suy yếu sự đổi mới và sáng tạo quan trọng của Hoa Kỳ và gây hại cho người lao động Hoa Kỳ".

"Việc buôn bán bất hợp pháp này cũng làm tăng khả năng bị tổn thương của những người lao động tham gia sản xuất hàng giả, và hàng giả có thể gây ra những rủi ro đáng kể đối với sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng và người lao động trên khắp thế giới".

Mỹ và Trung Quốc đang có tranh chấp kéo dài về thương mại và công nghệ. Ảnh: @AFP.

Mỹ và Trung Quốc đang có tranh chấp kéo dài về thương mại và công nghệ. Ảnh: @AFP.

Được biết, USTR lần đầu tiên bắt đầu xác định các "thị trường khét tiếng" vào năm 2006. Danh sách của họ nhằm mục đích bảo vệ các doanh nghiệp và công nhân Mỹ khỏi tác động của hàng giả giá rẻ, thường được sản xuất bên ngoài nước Mỹ, trang BBC đưa tin. Các chuyên gia quốc tế nhận định, việc đưa vào danh sách mới này là một đòn giáng mạnh vào danh tiếng của các công ty nhưng không bị phạt trực tiếp. Trong khi đó, các cơ quan trong ngành bao gồm Hiệp hội Quần áo và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA) và Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ đã hoan nghênh việc USTR phát hành báo cáo mới này.

Văn phòng USTR cho biết trong một báo cáo riêng biệt được công bố rằng, Hoa Kỳ cần theo đuổi các chiến lược mới và cập nhật các công cụ thương mại nội địa của mình để đối phó với "các chính sách và thực tiễn phi thị trường do các nhà nước khác lãnh đạo". Thực tế, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tham gia vào căng thẳng thương mại trong nhiều năm về các vấn đề như thuế quan, công nghệ và sở hữu trí tuệ, trong số những vấn đề khác. Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc đã không thực hiện tốt một số cam kết trong cái gọi là hiệp định thương mại "Giai đoạn 1" được ký bởi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem