Mỹ loay hoay trong việc theo dõi viện trợ cho Ukraine?

Lê Phương (RT) Thứ năm, ngày 15/12/2022 09:18 AM (GMT+7)
Washington đang tìm kiếm các giải pháp công nghệ cho vấn đề theo dõi viện trợ vũ khí, theo Politico.
Bình luận 0
Mỹ loay hoay trong việc theo dõi viện trợ cho Ukraine? - Ảnh 1.

Mỹ là nước hỗ trợ Ukraine nhiều nhất trong cuộc xung đột với Nga. Ảnh: Getty

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuyển sang blockchain và các giải pháp dựa trên công nghệ khác trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi giám sát 50 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, theo một tài liệu của Bộ Ngoại giao mà Politico xem hôm 14/12.

Được ký bởi Đại sứ Mỹ tại Kiev Bridget Brink vào ngày 6/9, tài liệu dài 9 trang tiết lộ rằng "những hoạt động chiến đấu giữa các lực lượng Ukraine và Nga khiến cho việc giám sát viện trợ đôi khi rất khó thực hiện".

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về nội dung của tài liệu, chỉ tuyên bố rằng: "Chúng tôi coi trọng trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo giám sát phù hợp mọi hỗ trợ của Washington".

Theo tài liệu, Washington sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát bao gồm "một ứng dụng điện thoại thông minh có khả năng tải tất cả phương tiện ảnh và video lên blockchain tại thời điểm chụp", ủy quyền kiểm tra thiết bị cho quân đội Ukraine trong trường hợp không có nhà thầu phương Tây nào sẵn sàng làm việc ở những khu vực "có nguy cơ cao", đồng thời yêu cầu bằng chứng bằng hình ảnh rằng viện trợ đã được nhận, đặc biệt là ở "những khu vực khó tiếp cận". Bên cạnh đó, việc sử dụng các chuyên gia tư vấn quản lý để "xem xét và xác định các lỗ hổng" trong quá trình giám sát cũng được khuyến nghị.

Washington được cho là đang thiết lập một chương trình chuyên dụng chỉ tập trung vào việc giám sát viện trợ cho Ukraine với tên gọi MEASURE (Dịch vụ Giám sát, Đánh giá và Kiểm toán đối với Báo cáo của Ukraine). 

Theo Politico, mốc thời gian ra mắt MEASURE sẽ là vào tháng 3, với hợp đồng 3 năm.

Đầu tháng này, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari cảnh báo các nhà lãnh đạo khu vực khác rằng vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine được cho là đã xuất hiện trong tay các nhóm chiến binh ở Sahel, châu Phi. Hồi tháng 6, người đứng đầu Interpol Jurgen Stock tuyên bố vũ khí được gửi đến Ukraine có thể sẽ "không chỉ được buôn bán sang các nước láng giềng mà còn sang các châu lục khác".

Giáo sư nhân quyền Daniel Kovalik của Đại học Pittsburgh chia sẻ với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi đầu tháng này rằng các chuyến hàng viện trợ cho quân đội Ukraine thường không có sự giám sát của Mỹ hoặc quốc tế.

Tuần trước, đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã cảnh báo Mỹ và các đồng minh rằng sẽ có "hậu quả pháp lý cụ thể" đối với những người cung cấp vũ khí cho Kiev.

Hôm 14/12, Nguyên soái Không quân Johnny Stringer, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Không quân Đồng minh của NATO tuyên bố những thách thức mà liên minh quân sự phải đối mặt đã gia tăng trong thập kỷ qua. Chính vì thế, ông kêu gọi NATO tăng cường chi tiêu cho các loại vũ khí mới trong tương lai.

Bên cạnh đó, ông Stringer cũng bày tỏ lo ngại về khả năng tên lửa siêu thanh của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 8 rằng Nga đã triển khai tên lửa siêu thanh Kinzhal tối tân ít nhất 3 lần kể từ khi chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine bắt đầu vào tháng 2.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem