Mỹ muốn quay lại tham gia Hiệp định CPTPP sẽ không hề đơn giản? (Ảnh: IT)
Ngày 8.3, Bộ trưởng phụ trách Kinh tế của 11 nước gồm Ốt-xtrây-lia, Bru-nây Đa-rút-xa-lem, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam đã tham gia Lễ ký kết chính thức Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thành phố San-ti-a-gô, Chi-lê. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã tham dự Lễ ký kết Hiệp định này.
Tại Lễ ký kết này, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung chia sẻ quan điểm cho rằng, bằng việc đạt được các kết quả tiêu chuẩn cao và cân bằng, Hiệp định CPTPP sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiệp định này thể hiện cam kết chung của các nước thành viên đối với hệ thống thương mại hiệu quả, dựa trên quy tắc và minh bạch, có tính mở đối với tất cả các nền kinh tế sẵn sàng chấp nhận các nguyên tắc này.
Các Bộ trưởng đã bày tỏ quyết tâm sẽ nỗ lực hết sức hoàn thành một cách nhanh chóng các thủ tục pháp lý trong nước nhằm sớm đưa Hiệp định vào thực thi.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng hoan nghênh sự quan tâm của một số nền kinh tế khác đối với Hiệp định CPTPP. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc thúc đẩy hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế một cách sâu rộng trong tương lai thông qua Hiệp định CPTPP.
Trên cơ sở đó, các Bộ trưởng đã nhất trí giao các Trưởng đoàn đàm phán bắt đầu quá trình chuẩn bị cần thiết để việc thực thi Hiệp định này được thông suốt.
Việc các Bộ trưởng phụ trách kinh tế - thương mại của 11 nước tham gia CPTPP chính thức ký kết Hiệp định này và đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, gửi đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt là trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa còn gặp nhiều khó khăn và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới.
Ước tính, CPTPP sẽ được chính thức triển khai từ cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019. Các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ giúp định hình tương lai kinh doanh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều năm tới dù không có sự tham gia của Mỹ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, ngay cả trong trường hợp của Mỹ, nếu Mỹ quan tâm tới việc quay trở lại TPP, thì các nước thành viên CPTPP sẽ vẫn hoan nghênh, bởi Mỹ chính là một trong những nước khởi xướng TPP trước đây. Chỉ có điều, nếu Mỹ muốn quay lại, nhưng đồng thời, cũng muốn đàm phán lại các điều khoản mà họ đã từng đồng ý trước đây, thì câu chuyện sẽ không hề đơn giản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.