Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đồng loạt thu mua, loại nông sản này của Việt Nam rộng cửa thu 9 tỷ USD

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 28/06/2021 18:30 PM (GMT+7)
Việc Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều quốc gia kiểm soát tốt dịch Covid-19 nhờ chiến dịch tiêm vaccine đã giúp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có nhiều thuận lợi, dự báo sẽ thu khoảng 9 tỷ USD trong năm 2021.
Bình luận 0

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc thu mua 56%, xuất khẩu thủy sản tăng 12%

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. 

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021, chiếm 56,1% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, từ đầu năm đến nay, cá tra, tôm đều là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu gia tăng đáng kể. 

Sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp trong mở rộng thị trường dưới sự hỗ trợ, tạo điều kiện của ngành chức năng là yếu tố quan trọng làm nên kết quả khả quan của xuất khẩu thủy sản.

Còn theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc triển khai tiêm vaccine diện rộng ở nhiều quốc gia giúp người dân yên tâm, quay lại với các hoạt động du lịch, giải trí và các hoạt động công cộng. 

Do vậy, nhu cầu thủy sản sẽ hồi phục cả ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và dịch vụ. Thị trường tiêu thụ hồi phục tiếp tục tác động đến nhu cầu thu mua chế biến xuất khẩu, chi phối xu hướng tăng giá nguyên liệu.

Bên cạnh đó, thị trường Mỹ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là tôm khi nguồn cung từ Ấn Độ gặp khó về sản xuất do dịch bệnh. Mỹ cũng đang tăng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam.

Trong khi đó, thị trường Hàn Quốc tăng nhập khẩu bạch tuộc và surimi của Việt Nam.

thủy sản - Ảnh 1.

Xuất khẩu thủy sản khả quan trong 5 tháng đầu năm 2021 nhờ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc mua nhiều. Trong ảnh: Thương lái thu mua tôm tại Bạc Liêu. (Ảnh: Thanh Cường).

Xuất khẩu thủy sản khả quan, giá cá tra tăng nhẹ

Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng khả quan giúp giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ 200 đồng/kg, lên mức 21.500-21.700 đồng/kg cho cá size 800g-1,1kg. 

Đối với cá tra nguyên liệu size lớn từ 1,2kg trở lên, các công ty làm hàng gia công đi thị trường Trung Quốc bắt cá với mức giá tăng nhẹ khoảng 200 đồng/kg, lên mức 21.800-22.000 đồng/kg.

Giá cá tra nguyên liệu hiện vẫn chỉ tương đương so với chi phí sản xuất do giá thức ăn cá tra đã liên tục tăng mạnh trong thời gian qua.

Với mặt hàng tôm, thị trường tôm nguyên liệu Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào. 

Sản lượng tôm thẻ tiếp tục tăng nhanh ở hầu hết các cỡ nên giá tôm thẻ tiếp tục xu hướng giảm.

Xuất khẩu thủy sản sẽ cán đích 9 tỷ USD trong năm 2021

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở những thị trường lớn. 

Trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ dịch Covid – 19.

 "Dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng tiếp theo vẫn đạt kết quả tăng trưởng tốt do có nhiều lợi thế từ các Hiệp định Thuơng mại tự do (FTA) và đảm bảo được sự ổn định trong nuôi trồng và sản xuất khi kiểm soát tốt dịch Covid – 19", ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh.

thủy sản - Ảnh 2.

Xuất khẩu thủy sản tăng giúp giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL tăng nhẹ trong tháng 5/2021. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Caseamex. (Ảnh: Báo Cần Thơ).

Bên cạnh đó, nguồn cung cá tra đang ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu cá tra nửa đầu năm 2021. 

Do đó, trong quý 3/2021 cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu cá tra tới những thị trường lớn và truyền thống là Mỹ, EU, Trung Quốc và ASEAN. Ngoài ra, những thị trường đang phục hồi là Nga và Anh các doanh nghiệp cũng cần đặc biệt lưu ý.

Bộ Công Thương phân tích, đối với thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, EU, dự báo xuất khẩu thủy sản chưa thể phục hồi mạnh.

Mặc dù vậy, các thị trường khác như Australia, Canada, Anh, Nga sẽ tiếp tục là những điểm sáng mới cho xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm vì nhu cầu đang gia tăng và không gặp rào cản thị trường.

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu thủy sản cũng đối mặt không ít khó khăn. 

Điển hình như, nhu cầu của các thị trường vẫn tập trung vào các sản phẩm đóng hộp, hàng khô, surimi, hàng bảo quản, chế biến, giá phải chăng phù hợp cho tiêu thụ kênh bán lẻ. Nhu cầu với các sản phẩm thủy sản tươi, sống tiếp tục giảm.

Cùng với đó, cước vận chuyển hàng đông lạnh đi EU, Mỹ và nhiều thị trường khác tăng vọt. 

Ngoài ra, Trung Quốc tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt đối với hàng đông lạnh nhập khẩu để phòng, chống dịch Covid-19, ảnh hưởng tới tiến độ thông quan hàng hóa cũng là vấn đề nổi cộm cần lưu ý.

Bộ Công Thương dự báo, XK thủy sản cả năm 2021 có thể đạt khoảng 8,7-9 tỷ USD, tăng 5-7% so với năm 2020.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu không cách nào khác phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ về giống, nuôi trồng, thú y phòng bệnh và bảo quản sau thu hoạch. 

Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi và nâng cao giá trị.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem