Quốc gia tham gia CPTTP sau phải tuân thủ “luật chơi” (Ảnh: IT)
Cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế
Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Phạm Tất Thắng- Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp định CPTPP được ký kết là thông tin đáng mừng trong điều kiện hiện nay. Qua đó, nó thể hiện 11 quốc gia quyết tâm đi theo hướng mở cửa thị trường, mặc cho một số tư tưởng đóng cửa, cực đoan…hiện đang có chiều hướng quay trở lại ở một vài nước trên thế giới. Đối với Việt Nam, đây là một hiệp định thương mại tự do có sự cam kết rất cao, nó là sức mạnh tạo ra sự phấn đấu cho các mục tiêu để Việt Nam cải tổ nền kinh tế. Qua đó, CPTPP cũng là động lực để Việt Nam xây dựng lại thể chế kinh tế và tạo lập môi trường kinh doanh mới.
Ông Thắng cũng cho rằng, CPTPP là thị trường phát triển, rộng lớn nên sẽ là cơ hội để hàng hóa của Việt Nam có khả năng đưa sang thị trường này. Đặc biệt là Nhật Bản, ÚC, Singapo…Đây là những quốc gia có sự phá triển tương đối cao, mở ra cơ hội cho chúng ta có khả năng thu hút nguồn vốn, khoa học kỹ thuật tiên tiến từ các quốc gia này. Qua đó chúng ta có thể bắt nhịp được với thời đại công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão trên toàn thế giới.
Theo ông Thắng CPTPP là hiệp định mở ở cả 2 khía cạnh gồm: mở về nội dụng và mở cả về thành viên tham gia. Thời gian hiện tại chỉ có 11 quốc gia nhưng trong tương lai rất có thể có thêm một số quốc gia khác tham gia vào hiệp định này.
Do đó, với 11 quốc gia đầu tiên, họ đưa ra điều kiện đòi hỏi bắt buộc các quốc gia khác tham gia sau phải đáp ứng yêu cầu của họ. Việt Nam cũng là 1 trong các nước đi đầu nên có quyền đưa ra các điều khoản bắt các quốc gia khác tham gia vào sau phải tuân thủ “luật chơi” từ đó tạo ra lợi thế cho nước ta.
Bên cạnh những cơ hội, ông Thắng cũng thừa nhận CPTPP sẽ tạo ra nhiều thách thức cho một số ngành như chăn nuôi, nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam sẽ gặp khó khăn.
“Mặt khác, rào cản khi thuế suất của 11 quốc gia này theo cam kết hầu hết đưa về 0 % thì họ sẽ dựng lên rào cản kỹ thuật trong thương mại, nếu chúng ta vướng vào rào cản đó thì không đưa được sản phẩm của chúng ta vào các thị trường của họ”, ông Thắng cảnh báo.
Lợi thế cả về kinh tế và chính trị
Cùng chung quan điểm trên, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cho rằng: Đây là hiệp định có lợi thế cả về kinh tế, chính trị cho Việt Nam. CPTPP sẽ góp phần làm cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam thuận lợi hơn rất nhiều. Thuế suất với 10 quốc gia còn lại sẽ giảm xuống, hầu hết về 0%, giá cả của các mặt hàng cũng sẽ được xem xét ưu đãi trong phạm vi của các quốc gia trong hiệp định này, góp phần thúc đẩy phát triển ngành hàng sản xuất trong nước cũng như ngành hàng xuất khẩu.
Mặt khác, theo ông Thịnh, doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội nhập khẩu nguyên liệu, linh phụ kiện của các quốc gia phát triển với giá rẻ hơn. Đặc biệt là Nhật Bản là các nước có khoa học công nghệ phát triển.
Ông Thịnh cũng cho rằng, CPTPP có 20 điều khoản đã được tạm hoãn không kỹ kết chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ, vật liệu mới, công nghệ cao... Trước đây, chúng ta đánh giá Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi thực hiện, người được lợi nhất do có tiềm năng về công nghệ và dịch vụ là Mỹ nhưng lại không tham gia nên các nước gạt ra 20 điều khoản này làm cho hiệp định CPTPP dễ dàng, phù hợp hơn, tương đương trình độ của chúng ta. Từ đó, nó cũng giúp cho hoạt động khoa học công nghệ của chúng ta dễ dàng hơn và tốt hơn khi tham gia vào các cam kết của CPTPP.
Ông Thịnh cũng phân tích, một số ngành nghề các nước trong khối này có thế mạnh như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ…là những lĩnh vực chúng ta còn thiếu. “Đương nhiên, trong CPTPPP còn nhiều vấn đề khác nữa liên quan tới yếu tố chính trị xã hội, giải quyết công ăn việc làm, hợp tác về nhân lực, khoa học công nghệ…cũng là cơ hội cho chúng ta. Rõ ràng, khi chúng ta tham gia vào vị thế của Việt Nam sẽ khác hơn. Nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như thế giới sẽ nhìn nhận khả năng hòa nhập của Việt Nam với các quốc gia cao hơn”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo ông Thịnh, ngoài lợi thế thì việc cạnh tranh cũng sẽ khốc liệt hơn khi thuế suất về 0%; Doanh nghiệp trong nước cả lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các nước phát triển, rất có thể có nhiều doanh nghiệp không trụ được phải “phá sản”. Lao động của Việt Nam có ưu điểm giá rẻ nhưng trình độ tay nghề chưa cao, năng suất thấp rất có thể sẽ dẫn đến nhiều người mất việc làm…
Còn PGS. TS Nguyễn Văn Nam – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại cho rằng, dù không được “lấp lánh” như TPP nhưng CPTPP là Hiệp định mới hoàn toàn với cam kết mạnh và cơ hội mở rộng. Hiệu lực cũng có tức thì và mở cửa ngay chứ không phải chờ thời gian chuẩn bị với 95/98 dòng thuế sẽ về 0%. Các hàng hóa, dịch vụ, doanh nghiệp nhà nước, lao động, môi trường sẽ có những quy tắc chung…tác động mạnh vào chính sách mở cửa thị trường của Việt Nam. Trong các nước này có những nước với nền kinh tế phát triển như Nhật, Canada, Mexico, Úc…thậm chí có nhiều nước khác cũng có thể sẽ tham gia vào Hiệp định này tạo ra lợi thế lớn cho Việt Nam. Ngoài ra, mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất sang các nước này cũng sẽ không còn hạn chế về thuế quan, ngay cả dệt may và đồ gỗ cũng được kỳ vọng có những tăng trưởng cao hơn.
“CPTPP sẽ là cơ hội cho Việt Nam thay đổi thể chế, bỏ điều kiện kinh doanh, cải tiến thủ tục hành chính, đặc biệt là cải cách môi trường kinh doanh trong nước”, ông Nam cho biết.
Theo ông Nam, tuyên bố chung của CPTPP cũng cho thấy, các nước tham gia sau thì chỉ gia nhập chứ không được tạm hoãn lại hay đàm phán lại các điều khoản đã thỏa thuận xong. Do đó, Mỹ cũng vẫn chưa có động thái gì sẽ tham gia vào CPTPP nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể đàm phán song phương với Mỹ để mở cửa thị trường lớn này”, ông Nam nói.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, Hiệp định CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD. Dù không có quy mô bằng Hiệp định TPP cũ, nhưng Hiệp định này cũng giúp nhiều nước tiếp cận được với các thị trường thương mại tự do mới.
Các nước thành viên hy vọng Hiệp định này sẽ giúp định hình tương lai kinh doanh tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương trong nhiều năm tới dù không có sự tham gia của Mỹ.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.