Năm 2020: Giá trị đồng tiền Việt sẽ như thế nào?

Hồng Hương Thứ tư, ngày 29/01/2020 18:55 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, năm 2020, tỷ giá Việt Nam đồng sẽ giảm từ 3-4% nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ổn định, đáp ứng cung cầu thị trường.
Bình luận 0

Năm 2019 là năm thành công trong điều hành tỷ giá

Điểm lại những nét nổi bật của "bức tranh" tỷ giá trong năm 2019, giới phân tích tài chính - ngân hàng đánh giá, năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có một năm thành công trong điều hành tỷ giá, giúp kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

img

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có một năm thành công trong điều hành tỷ giá

Thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho thấy, trong cả năm 2019, tỷ giá USD/VND chỉ có 1 đợt sóng duy nhất quanh tháng 5/2019 khi quan hệ thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng, tuy nhiên nhanh chóng hạ nhiệt trong vài tuần sau đó. Tỷ giá cả năm hầu như đi ngang và có chiều hướng giảm vào cuối năm. Tính chung cả năm, VND không những không giảm mà còn tăng giá so với USD là 0,16%.

Trong bối cảnh nhiều nước hạ giá đồng nội tệ để hạn chế sự ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, tiền đồng trong năm 2019 gần như không biến động. Trong khu vực ASEAN, chỉ có tiền của Việt Nam và Thái Lan là đứng yên hoặc tăng giá so với USD, trong bối cảnh nhân dân tệ (CNY) giảm liên tục và chạm gần ngưỡng 7,2.

Đây là hiện tượng "rất hiếm khi xảy ra do quan hệ thương mại theo hướng nhập siêu rất lớn với Trung Quốc", theo đánh giá của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Các chuyên gia phân tích SSI nhận định, kết quả trên đạt được ngoài nhân tố khách quan không thể không kể đến vai trò điều phối của Ngân hàng Nhà nước.

Ngay từ đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã nâng mạnh tỷ giá mua vào từ 22.700 đồng/USD lên 23.200 đồng/USD và giữ nguyên trong 11 tháng, hầu hết thời gian tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước đều cao hơn tỷ giá mua của các ngân hàng thương mại, tạo sức hút lớn với dòng ngoại tệ, gia tăng bộ đệm dự trữ ngoại hối. 

Khi tỷ giá giao dịch giảm mạnh trong tháng 12, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm tỷ giá mua 25 đồng/USD, khéo léo phát đi thông điệp về đồng nội tệ chuyển động có tăng có giảm theo cung cầu thị trường, một hành động hợp lý khi phía Mỹ luôn theo sát các nước có thặng dư thương mại lớn.

"Những kết quả đạt được trong năm 2019 đã gia tăng niềm tin của thị trường vào năng lực điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng như khả năng có thể dự đoán đối với các chính sách của cơ quan quản lý - yếu tố vô cùng quan trọng để tăng sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam", báo cáo của SSI đánh giá.

Nói về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay, năm 2019, trong bối cảnh chịu áp lực từ biến động thị trường quốc tế, NHNN đã điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, điều chỉnh tỷ giá mua/bán ngoại tệ với các tổ chức tín dụng, bám sát diễn biến thị trường. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường diễn biến ổn định, thanh khoản dồi dào; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục, tăng trên 2,5 lần so với cuối năm 2015.

Năm 2020 kỳ vọng đồng nội tệ tiếp tục ổn định

Trong năm 2020, các chuyên gia kỳ vọng, tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt.Theo. TS Bùi Quang Tín, việc giữ ổn định tỷ giá là khâu quan trọng nhất để tạo niềm tin vào đồng nội tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Còn ở góc độ thị trường, cung - cầu ngoại tệ mới là yếu tố quyết định tỷ giá. Hiện, thanh khoản ngoại tệ tốt, cung ngoại tệ đang dư thừa, việc giữ tỷ giá ổn định, không để VND tăng giá nhiều so với USD đã hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu.

Về xu hướng tỷ giá trong năm 2020, nhiều chuyên gia cho rằng, có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt. Với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, NHNN sẽ có đủ  công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung cầu thị trường.

Mặc dù vậy, vẫn có những thách thức cần quan sát và theo dõi, như những bất ổn khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại; cuộc chiến thương mại và Brexit đều chưa được giải quyết dứt điểm; tình hình địa chính trị trên thế giới liên tục vận động với những diễn biến khó lường; 2020 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ…

Còn theo Báo cáo chiến lược mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc cán cân thanh toán tổng thể thặng dư và rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ sẽ giúp VND không mất giá mạnh trong năm 2020. 

Việt Nam có cán cân thanh toán tổng thể thặng dư kể từ năm 2016 đến nay là điểm khác biệt so với năm 2015 và giai đoạn 2007-2011 (giai đoạn VND mất giá mạnh). Sự thặng dư đến từ cả cán cân vãng lai và cán cân vốn. 

Đơn vị này dự báo, trong năm 2020, cán cân thanh toán tổng thể sẽ tiếp tục thặng dư ở mức cao chủ yếu nhờ xuất siêu, dòng vốn FDI dồi dào và nguồn kiều hối ổn định. 

Tuy nhiên, áp lực đối với tỷ giá năm 2020 sẽ đến từ xu hướng tiếp tục yếu đi của đồng NDT (dự báo sẽ mất giá thêm 3-4% nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang căng thẳng) và các đồng tiền khác ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam... Từ những phân tích đó, BVSC dự báo, VND sẽ giảm giá tối đa khoảng 2% trong năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước bất ngờ giảm giá mua vào USD

Ngày 29/11, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vừa hạ mức giá mua vào của USD xuống mức 23.175 đồng, giảm 25 đồng so với...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem