“Việc mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh (SRB) ở nhiều nước châu Á đang trở thành mối đe dọa đối với cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái" - TS Bruce Campbell - Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo Quốc tế về mất cân bằng giới tính khi sinh do UNFPA và Bộ Y tế tổ chức trong ba ngày (5-7.10).
Để xã hội phát triển bình thường, cân bằng nam nữ thì SRB bình thường phải là 105-106 trẻ em gái/100 trẻ em trai khi sinh ra. Nhưng theo nhận định của UNFPA, SRB đã vượt ngưỡng 110/100 như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Đông Âu và Trung Á, thậm chí trên 120/100. Trung Quốc năm 2005, SRB ở lần sinh thứ nhất là 108 nhưng lần sinh thứ 2 là 143, lần sinh thứ 3 là 156. Ở Việt Nam tương tự là 110,2 - 109 - 115,5.
|
Mất cân bằng giới tính khi sinh - gánh nặng cho cả thế giới. |
Theo ông Bruce Campbell: "Vào năm 2050 khoảng 10-15% đàn ông ở các nước có mất cân bằng SRB sẽ phải sống cô đơn, đồng thời gây ra nhiều hệ lụy với trẻ em gái và phụ nữ".
Ông Cristophe Z Guilmoto - chuyên gia kỹ thuật quốc tế, Paris (Pháp) cho biết: "Tâm lý ưa thích con trai có thể khiến phụ nữ và trẻ em gái thành hàng hóa, dẫn đến các hành động nguy hại và phi đạo đức như lựa chọn giới tính trước sinh, nạo phá thai nếu phát hiện là con gái, giết hại trẻ sơ sinh, coi thường, phân biệt đối xử và bạo hành đối với trẻ em gái và phụ nữ".
Các đại biểu đều thống nhất, muốn phá vỡ thực trạng này thì cần có các biện pháp như nới lỏng các quy định khắt khe về số con; quy định mức độ tiếp cận công nghệ xác định giới tính và kiểm soát nạo phá thai bất hợp pháp; có chế độ hỗ trợ trẻ em gái (nhà có con gái được hỗ trợ tiền mặt) và thúc đẩy bình đẳng giới trong các chính sách, luật pháp về phụ nữ, gia đình, quyền thừa kế, việc làm…
Hàn Quốc là một bài học thành công về giảm mất cân bằng SRB. Trong những năm 1980-1990, SRB của Hàn Quốc là 116, nhưng năm 2007 đã quay về mức 107. Chính sách nước này hướng tới tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia lao động, cha mẹ có tiền tiết kiệm hưu trí không phải lo sinh con trai để dựa dẫm, ban hành Luật về quyền và trách nhiệm đối với gia đình cha mẹ đẻ của mình, kể cả sau kết hôn và công nhận phụ nữ là chủ hộ.
"Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án "Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2011-2020" với mục tiêu từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng SRB, tiến tới ổn định và cân bằng" - ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số -KHHGĐ Việt Nam cho biết.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.