Trước khi bén duyên với con ba ba, anh Dũng có mở một xưởng gỗ trên tỉnh Sơn La và thuê nhiều người về làm. Trong thời gian ở Sơn La, qua tiếp xúc và tìm hiểu các hộ nuôi ba ba gần đó, anh thấy nuôi ba ba gai cho hiệu quả kinh tế cao hơn cả làm gỗ.
“Thấy mỗi lần người ta bán có mấy con ba ba mà thu về mấy chục triệu, trong khi đó họ bán ba ba gai suốt, tôi ngồi tính toán sơ sơ thì cả xưởng mộc hàng chục người làm của mình thu nhập không bằng 2 ông bà già nuôi ba ba gai, nên sau đó tôi quyết định về quê để nuôi loại ba ba này” - anh Dũng kể lại.
Nhờ nuôi ba ba khổng lồ mà mỗi năm gia đình anh Dũng có lãi hơn nửa tỷ đồng.
Năm 2004, sau khi đã nắm được kỹ thuật nuôi ba ba trong tay, anh Dũng mạnh dạn đầu tư xây dựng và cải tạo ao nuôi, hệ thống thay thoát nước... và bắt đầu khởi nghiệp với loại ba ba khổng lồ này. Những năm đầu bắt tay vào khởi nghiệp, anh Dũng gặp không ít khó khăn, thách thức như vốn ít, chưa có kinh nghiệm nuôi nên đàn ba ba gai chậm lớn và thất thoát đầu con.
Trong quá trình nuôi, anh Dũng không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm, tham gia vào các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật nuôi ba ba, cũng như đi thăm quan các mô hình nuôi ba ba gai cho hiệu quả cao ở trong và ngoài tỉnh.
Trung bình mỗi năm gia đình anh Dũng bán ra thị trường gần 4.000 con ba ba giống, được bán với giá 150 ngàn đồng/con.
Sau nhiều năm lăn lộn với nghề, đến nay quy mô nuôi ba ba gai của gia đình anh Dũng đã lên tới hàng nghìn con. Trung bình, mỗi năm gia đình anh Dũng xuất bán ra thị trường gần 4.000 con ba ba giống với giá 150.000 đồng/con và hơn 500kg ba ba gai thương phẩm với giá 550.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình anh Dũng lãi hơn 500 triệu đồng.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Dũng cho biết, so với các loại vật nuôi khác thì giống ba ba này khá dễ nuôi và cho hiệu quả kinh tế cao. Trung bình nuôi khoảng 3 năm là ba ba sẽ đạt trọng lượng trên 5kg, nếu giữ lại nuôi tiếp thì mỗi năm tiếp theo ba ba gai sẽ lớn được từ 3-5kg và sẽ cho hiệu quả kinh tế cực cao.
Ba ba mẹ mỗi năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa trung bình khoảng 20 quả và ấp trong vòng khoảng hơn 50 ngày là nở.
“Hiện tại gia đình có gần 100 cặp ba ba gai bố mẹ, trung bình mỗi năm cho ra được gần 4.000 nghìn con giống, hiện đang được bán với giá 150.000 đồng/con. Ngoài ra, mỗi năm gia đình còn bán hàng trăm con ba ba thương phẩm, có những con trọng lượng lên tới hàng chục kg. Sau khi trừ hết chi phí mỗi năm gia đình tôi lãi hơn 500 triệu đồng” - anh Dũng cho hay.
Anh Lê Hồng Dũng cũng khẳng định, so với chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ba ba gai thương phẩm có năng suất cao hơn, không phải suy nghĩ nhiều. Thức ăn của chúng cũng khá dễ kiếm và rẻ tiền.
“Con ba ba này phàm ăn lắm, từ cá nhỏ cho đến lợn hay gà nó đều ăn hết, thậm chí chết rồi nướng lên nó cũng ăn. Thời gian trước, giá lợn hơi rẻ nên gia đình tôi thường mua thịt lợn về nướng cho ba ba gai ăn và trong quãng thời gian đó, gia đình tôi tiết kiệm được đáng kể tiền thức ăn” - anh Dũng chia sẻ.
Cũng theo anh Dũng, vào khoảng năm 2011, giá trị của con ba ba này cực cao, khoảng 2 triệu đồng/1kg và con giống có giá lên tới 700.000 đồng/con nên nuôi vào thời điểm đó thu nhập rất lớn. Tuy giờ giá giảm mạnh nhưng tính ra nuôi ba ba gai vẫn cho kinh tế cao hơn các loại vật nuôi khác vì chi phí thức ăn khá thấp.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi ba ba gai, anh Dũng cho hay, ba ba gai có thể nuôi trong bể xi măng hoặc trong ao, diện tích ao tùy thuộc vào mật độ thả nuôi, nhưng phải đảm bảo mật độ 0,5 – 2 con/m2, độ sâu mực nước ao từ 1,5 – 2m, đáy ao cần xây dựng sao cho có độ nghiêng dần về cống thoát nước, góc ao phải có lối cho ba ba bò lên khu đất trống để phơi nắng khi cần thiết. Phải đảm bảo nước trong ao, bể luôn sạch, vào mùa đông nên chú ý để bèo nhiều, giúp hút chất bẩn trong nước và giữ ấm cho ba ba, vào mùa hè thì vớt bớt bèo đi, tạo thông thoáng cho ba ba phát triển..
Vui lòng nhập nội dung bình luận.