Nam Định: Sâu đục thân “tấn công” lúa Hè Thu, nhiều cánh đồng sâu xuất hiện vô số

Lãng Hồng Thứ năm, ngày 02/09/2021 19:39 PM (GMT+7)
Thời điểm này, lúa mùa trên địa bàn tỉnh Nam Định đã vào giai đoạn phân hóa - trỗ đòng. Song, nhiều dịch bệnh gây hại đang tấn công, uy hiếp các ruộng lúa, nhất là bệnh sâu đục thân 2 chấm.
Bình luận 0

Theo thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Nam Định, hiện nay trà lúa mùa sớm và mùa trung tốt sớm bắt đầu trỗ bông. Dự kiến đến ngày 5/9, toàn tỉnh sẽ có 15% diện tích lúa trỗ bông.

Trên trà lúa mùa sớm, mùa trung tốt sớm sâu đục thân 2 chấm có mật độ rất cao, gấp 2 - 3 lần so với trung bình nhiều năm. Bướm đang vũ hóa và đẻ trứng với mật độ trung bình 0,05 - 0,1 ổ/m2, nơi cao 0,5 - 0,7 ổ/m2, cá biệt có nơi 1 - 3 ổ/m2.

Lượng bướm và trứng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nếu không được phun trừ kịp thời, các trà lúa mùa sẽ bị sâu gây hại nặng, tỷ lệ bông bạc có thể lên tới trên 50%.

Nam Định: Sâu đục thân “tấn công” ruộng lúa, nhiều nơi nhiễm mật độ cao - Ảnh 1.

Nông dân huyện Trực Ninh, tỉnh Nam ĐỊnh phun trừ bệnh sâu đục thân 2 chấm.

Dự kiến, diện tích cần phun trừ sâu đục thân 2 chấm khoảng 15.000ha, tập trung ở những nơi gần nguồn chiếu sáng, ven làng, gần khu ruộng bỏ hoang ở các xã như: xã Mỹ Thắng, Mỹ Trung ở huyện Mỹ Lộc; xã Nam Thượng, Nam Cường, Nam Toàn, Hồng Quang thuộc ở NamTrực; xã Yên Đồng, Yên Nhân ở huyện Ý Yên; xã Liêm Hải, Phương Định, Trực Đại, Trực Tuấn ở huyện Trực Ninh và 1 số địa phương khác.

Ngoài ra, bệnh bạc lá đã xuất hiện trên các giống nhiễm và có nguy cơ bùng phát gây hại ở diện rộng. Đồng thời, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, rầy các loại lứa 5 và bệnh khô vằn cũng đang là cao điểm gây hại.

Ông Nguyễn Sinh Tiến- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định cho biết, đơn vị đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để các hộ nông dân kiểm tra đồng ruộng, tự phân loại các trà lúa để có biện pháp chăm sóc bổ sung phù hợp…

Tổ chức phun trừ sâu đục thân 2 chấm lứa 4 khi lúa bắt đầu trỗ (trỗ 1 - 5% số bông) cho những diện tích trỗ bông từ ngày 25/8 - 5/9 có mật độ ổ trứng ≥ 0,2 ổ/m2. Nơi có mật độ trứng ≥ 1 ổ/m2 phải trừ kép (lần 1 khi lúa thấp tho trỗ, lần 2 sau lần 1 từ 5 - 7 ngày; ruộng trỗ trước phun trước, ruộng trỗ sau phun sau).

Ngoài ra, cần tập trung phòng trừ bệnh sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, rầy lứa 5 và bệnh khô vằn, đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá lúa.

"Ruộng có mật độ ổ trứng sâu đục thân cao, bà con nông dân cần ngắt bỏ ổ trứng trước khi phun thuốc. Khi sâu cuốn lá nhỏ và đục thân cùng xuất hiện, chỉ cần sử dụng thuốc trừ sâu đục thân khi lúa bắt đầu trỗ sẽ trừ được cả 2 đối tượng.

Trường hợp, nếu các đối tượng dịch hại cần phòng trừ xuất hiện cùng 1 lúc có thể phối hợp các loại thuốc nhưng vẫn giữ nguyên nồng độ của mỗi loại. Và, trong thời gian 4 giờ sau phun gặp mưa phải phun trừ lại", ông Tiến cho biết thêm.

Trước tình hình sâu bệnh gây hại lúa nghiêm trọng, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành công văn gửi Sở NNPTNT Nam Định, UBND các huyện và các đơn vị có liên quan tập trung phòng trừ sâu đục thân 2 chấm bảo vệ lúa mùa 2021.

Được biết, vụ mùa năm 2021, toàn tỉnh Nam Định gieo cấy 73.300ha lúa mùa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem