Năm học mới ở điểm trường nhiều gian khó của tỉnh Điện Biên: Vượt 10km đường rừng để đến trường

Vinh Duy - Tuấn Hùng Thứ ba, ngày 05/09/2023 12:00 PM (GMT+7)
Vàng Đán là xã khó khăn nhất của huyện Nậm Pồ (Điện Biên). Để đến được các điểm trường, các thầy cô giáo phải vượt qua dốc cao, vực sâu, đi bộ vài giờ đồng hồ. Điểm trường Huổi Dạo 1, Huổi Dạo 2 là những điểm trường khó khăn nhất của Vàng Đán.
Bình luận 0

Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Lò Thị Khoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng Đán cho biết: "Năm học 2023 – 2024, trường đón trên 400 trẻ đến trường. Tại điểm trường Huổi Dạo 1 – 2, đón 67 cháu đến lớp. Để các học sinh có ngày khai giảng thật ý nghĩa, thầy cô giáo nhà trường đã không quản ngại khó khăn đến từng gia đình vận động phụ huynh cho các cháu đến trường".

2 điểm trường Huổi Dạo 1 - 2 là 2 điểm trường mà năm 2020, Báo Nông thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt đã hỗ trợ xây dựng 2 phòng học.

Năm học mới ở điểm trường nhiều gian khó của tỉnh Điện Biên - Ảnh 1.

Lễ khai giảng liên trường Mầm non, Tiểu học, THCS Vàng Đán, huyện Nậm Pồ (Điện Biên). Ảnh: Vinh Duy.

Ngay từ sáng sớm, nhiều phụ huynh đã đưa các học sinh đến điểm trường trung tâm để dự lễ khai giảng. Anh Vàng A Dua, bản Huổi Dạo 2 chia sẻ: "Mặc dù điểm trường Huổi Dạo 2 cách điểm trường trung tâm hơn 10km, nhưng tôi vẫn cố gắng đưa con đến dự lễ khai giảng. Đường khó đi, 2 bố con phải đi từ 6 giờ sáng để đến trường kịp lễ khai giảng".

Là cô giáo có thâm niên dạy học ở bản Huổi Dạo 2, cô giáo Lò Thị Bích chia sẻ: "Huổi Dạo 2 là bản có 100% đồng bào dân tộc Mông. Năm nay bản đón 37 cháu đến trường. Từ giữa tháng 8, thầy cô đã cùng phụ huynh tu sửa lại lớp học, sân vườn để cho các em được đến trường trong điều kiện thuận lợi nhất". Lễ khai giảng năm học này nhiều phụ huynh của điểm trường Huổi Dạo 1 - 2 không quản ngại khó khăn đã vượt hơn 10km đường rừng để đưa con em đến dự lễ khai giảng.

Năm học mới ở điểm trường nhiều gian khó của tỉnh Điện Biên - Ảnh 3.

Các học sinh Trường Mầm non Vàng Đán trong lễ khai giảng. Ảnh Vinh Duy.

Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 tại huyện Nậm Pồ, thời tiết như ủng hộ vùng đất biên viễn nhiều khó khăn này. Trong khi cả tháng 8, trời mưa rả rích suốt ngày nhưng những ngày đầu tháng 9, trời không mưa, đường đi lại tốt hơn.

"Nếu trời mưa chắc 2 bố con tôi không thể đến kịp lễ khai giảng. Hơn 10km từ Huổi Dạo 2 đến trường trung tâm là đường đất, đi lại rất khó khăn. Mấy hôm nay trời nắng, đường đi lại đã bớt khó khăn hơn" anh Vàng A Khai, bản Huổi Dạo 2 chia sẻ.

Lai Châu: Ngành giáo dục thiếu giáo viên trong năm học mới

Sáng 5/9, hơn 150.000 học sinh thuộc các trường học ở Lai Châu đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới 2023-2024. Ngay từ sáng sớm, trên các ngả đường đến các trường học trong toàn tỉnh, học sinh các cấp học, bậc học nô nức đến trường dự lễ khai giảng năm học mới. Các thầy, cô giáo ở các trường cũng có mặt từ rất sớm để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho lễ khai giảng diễn ra thuận lợi.

Lai Châu: Học sinh hân hoan chào đón năm học mới, ngành giáo dục thiếu giáo viên  - Ảnh 1.

Học sinh các trường ở Lai Châu hân hoan bước vào năm học mới. Ảnh: Tuấn Hùng

Có mặt tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học, trung học cơ sở Can Hồ (xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) chúng tôi cảm nhận bầu không khí tưng bừng, náo nhiệt của lễ khai giảng năm học mới. Trên nét mặt thơ ngây của các em học sinh người dân tộc nơi đây hiện rõ niềm vui mừng, phấn khởi. Những tiết mục múa hát của các thầy, cô giáo, các em học sinh của nhà trường biểu diễn, tạo nên bầu không khí vui tươi, phấn khởi ngày tựu trường.

Clip: Học sinh vùng cao Lai Châu hân hoan bước vào năm học mới.

Tương tự như Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học, trung học cơ sở Can Hồ, lễ khai giảng năm học mới tại các trường khác của tỉnh Lai Châu cũng diễn ra trước niềm hân hoan chào đón của các em học sinh.

Bên cạnh niềm hân hoan chào đón năm học mới của các thầy, cô giáo và các em học sinh, ngành GDĐT Lai Châu phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.

Ông Tống Văn Sơn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết: Năm học 2023-2024, huyện biên giới Mường Tè có 36 trường, 603 lớp, với tổng số hơn 14.400 học sinh. Bước vào năm học mới, khó khăn lớn nhất của ngành GDĐT huyện Mường Tè, đó là về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giáo viên. Toàn huyện hiện còn 195 phòng học bán kiên cố, 18 phòng học tạm. Cơ sở hạ tầng dành cho công tác nuôi dạy bán trú thiếu thốn, phòng ở cho học sinh nhiều trường còn tạm bợ, ở phòng lắp ghép, nhà ăn, nhà bếp, hệ thống vệ sinh còn thiếu... ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học của các trường.

Lai Châu: Học sinh hân hoan chào đón năm học mới, ngành giáo dục thiếu giáo viên  - Ảnh 4.

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục huyện Mường Tè thiếu hơn 80 giáo viên. Ảnh: Tuấn Hùng

"Mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác tuyển dụng giáo viên mới, song năm học này, huyện Mường Tè vẫn còn thiếu 78 giáo viên, trong đó bậc THCS thiếu 58 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 8 giáo viên và bậc mầm non thiếu 12 giáo viên. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến công tác dạy và học của các trường", ông Sơn nhấn mạnh.

Chia sẻ với Dân Việt về những khó khăn trong năm học 2023-2024, ông Lưu Hồng Phương – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, cho hay: "Năm học này, toàn tỉnh Lai Châu có 337 trường học, với tổng số hơn 150.000 học sinh. Ngành Giáo dục và Đào tạo Lai Châu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất phải kể đến, đó là tình trạng thiếu giáo viên. So với biên chế được giao, toàn ngành hiện thiếu hơn 800 giáo viên, nên việc sắp xếp đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn. Việc tuyển dụng và hợp đồng giáo viên ở những môn học mới gặp khó do thiếu nguồn tuyển dụng…

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo Lai Châu đề ra mục tiêu, đó là tiếp tục đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, cũng như triển khai chương trình giáo dục mầm non mới. Để đáp ứng yêu cầu năm học, ngành đang phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, để tăng cường, biệt phái, điều động. Cùng với đó, ngành đã chỉ đạo các đơn vị, phòng giáo dục dồn dịch học sinh những điểm trường nhỏ lẻ về các điểm trung tâm, những nơi có điều kiện đảm bảo để giảm số lớp".

Được biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu đã và đang chỉ đạo các trường học trong toàn tỉnh linh hoạt trong việc tổ chức dạy học như bố trí 1 giáo viên dạy ở nhiều trường trên cùng địa bàn đối với những nơi có khoảng cách gần nhau, phân công giáo viên cấp THCS giảng dạy cấp tiểu học, giao nhiệm vụ cho giáo viên môn Tiếng Anh cấp THPT giảng dạy môn Tiếng Anh cấp tiểu học.

Mặt khác, ngành giáo dục Lai Châu cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn mở rộng, đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp có đủ năng lực, uy tín trong việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là học ngoại ngữ với giáo viên người nước ngoài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem