Năm Thân kể chuyện con Khỉ "cứu"... quan hầu

Minh Khuyên Thứ hai, ngày 08/02/2016 06:24 AM (GMT+7)
Thời phong kiến xưa, chữ “hầu” dùng trong tước hầu, cũng đồng âm với chữ “hầu” là con khỉ. Vì thế câu thơ đã bị ám chỉ tới một ông quan hầu vào thời Trịnh Khải, khiến ông ta giật mình, giận dữ, ức đến mức từ quan.
Bình luận 0

Theo “Giai thoại văn học Việt Nam”, Hoàng Ngọc Phách - Kiều Thu Hoạch (sưu tầm và biên soạn, 2001), Nxb Văn học, Hà Nội, vào thời Trịnh Khải (năm 1783), Đặng Kim làm quan tới tước hầu, nhưng vì muốn lấy lòng chúa, liền xin đổi họ mình theo họ chúa, tự đặt là Trịnh An. Việc làm “lố bịch” này của ông ta, chẳng mấy ai ưa!

img

Phủ chúa Trịnh ở thế kỷ XVII (tranh minh họa; Nguồn: Internet).

img

Người Việt Nam ở thế kỷ XVIII (ảnh minh họa; Nguồn: Internet).

Một hôm Trịnh An (!) khăn áo chỉnh tề sang chầu bên phủ chúa. Vừa ra khỏi cổng thì thấy trên tường vôi trắng nhà mình có một bức tranh thuỷ mặc. Đến gần xem thì thấy vẽ một cây cổ thụ, cành lá trơ trọi, thân cây xiêu hẳn về một phía mà gốc rễ cơ hồ như sắp bong lên khỏi mặt đất. Đặc biệt ở phía trên chạc ba có một con khỉ nằm ngủ li bì. Bên cạnh có ghi hai câu thơ: “Khỉ ơi tỉnh dậy đi thôi/ Đừng chờ cây đổ đi đời nhà mi!”.

Ngẫm mãi, thấy nguyên chữ “hầu” là tước hầu, cũng đồng âm với chữ “hầu” là con khỉ. Vì thế câu thơ trên rõ ràng là ám chỉ quan hầu Đặng Kim (!). Xem xong, ông ta lạnh toát, giật mình, tỉnh ngộ.

Liền sau đó, ông ta kiếm cớ từ quan, về nhà, lấy lại họ tên cũ, hằng ngày đọc sách ngâm thơ, không đoái hoài đến việc chính sự nữa.

Nhờ vậy, mà khi Trịnh Khải “đổ”, Đặng Kim thoát nạn. Sau đó, ông hết sức tìm kiếm tác giả của bức vẽ và câu thơ ngày đó, không phải để kiếm chuyện mà là để đền ơn. Nhưng tìm mãi không thấy tông tích người nào cả !

Chuyện con khỉ ngủ, nhưng cứu một người như vậy đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem