Duyên rắn
Từ trung tâm xã Điện Quang, đường vào bản 3 xa hun hút, ven hai bên đường lèo tèo vài ngôi nhà sàn chênh vênh bên sườn núi. Khi chúng tôi hỏi đến ông Lê, từ cụ già đến trẻ nhỏ, ai cũng biết, cũng chỉ đường tận tình.
|
Bệnh nhân đến chưa được vào nhà ngay. |
Ở Điện Quang, người ta gọi ông Hoàng Văn Lê là "Lê rắn", đem thắc mắc hỏi ông, ông bảo: "Từ nhỏ tôi đã là thợ săn rắn, lại hay bị rắn cắn nên người làng bản gọi thế cho dễ nhớ thôi. Hơn nữa, tôi hành nghề chữa trị độc rắn nên bà con đặt cho biệt hiệu như vậy".
Câu chuyện vừa bắt đầu, một nhóm người từ đâu chạy vào nhà ông Lê gọi í ới. Theo kinh nghiệm, ông Lê biết đấy là một ca bị rắn cắn đến cấp cứu. Nạn nhân là một cậu bé chừng 7 tuổi, ông Lê ra xem vết cắn rồi nói gì đó bằng tiếng Tày. Cậu bé và đám đông cảm ơn rồi ra về.
Vào nhà, ông Lê bảo: "Cậu bé bị rắn cắn, người nhà tưởng rắn độc nên hốt hoảng đưa đến. Tôi xem vết cắn chỉ là rắn nước không có độc tố gì nên không phải chữa. Tôi làm nghề tròn 35 năm rồi, xem vết cắn thì chuẩn không chệch bao giờ".
Năm ông Lê 18 tuổi, trong một lần đi săn rắn hổ mang đã không may bị rắn chúa cắn một nhát vào gót chân phải. Nhanh như cắt, ông rút trong người ra đoạn dây buộc dưới bắp chân rồi lết về nhà trong sự hoảng sợ của gia đình.
Chạy chữa khắp nơi mà độc tố trog người ông Lê vẫn không hết, cơ thể bị phù to, gót chân bị hoại tử. Không ăn không uống được gì, ông nằm nhà chờ chết. May sao, bà ngoại của ông Lê là lương y Lương Thị Lan vừa đi hành nghề từ Hà Giang trở về. Nghe tin cháu sắp chết, bà Lan cấp tốc mang theo phương thuốc gia truyền đến hóa giải độc tố. Chỉ nửa tiếng sau khi uống thuốc, ông Lê hồi tỉnh, cơ thể bắt đầu trở lại bình thường.
|
Thuốc của ông Lê gồm 3 loại lá kịch độc. |
Nhận thấy đứa cháu có duyên với rắn, bà Lan bắt đầu nhận Lê làm đệ tử. Phải mất một năm, ông Lê mới học được những bí quyết mà bà ngoại truyền cho. Trong một năm học nghề, ông Lê phải theo bà ngoại đi khắp nơi làm "phụ tá" trong mỗi ca chữa trị độc rắn.
Thuốc độc và cách chữa lạ lùng!
Học nghề được một năm thì ông Lê bắt đầu đi chữa cho các nạn nhân. Người đầu tiên được ông Lê chữa là chị Hoàng Thị Bốn ở xã Nghĩa Đô. Chị Bốn bị rắn hổ mang cắn vào tay, chất độc phát tác khiến chị đau đớn quằn quại.
Tiếp nhận bệnh nhân, ông Lê không khỏi sợ hãi vì chưa bao giờ tự mình chữa trị cho ai. Ông trấn tĩnh, rồi chạy một mạch vào rừng lấy ra 3 lá thuốc đem về giã nhuyễn. Phần nước ông đưa cho bệnh nhân uống, phần bã ông đắp vào chỗ bị rắn cắn. Chỉ một lúc sau chị Bốn trở lại bình thường, tự đi về nhà được.
Tiết lộ về phương thuốc kỳ lạ này, ông Lê cho hay: "Đó là 3 loại lá khác nhau mà nhiều người vẫn thường dùng làm rau. Nếu ăn một loại riêng lẻ thì không chết nhưng ăn cả 3 loại cùng lúc sẽ không tài nào cứu chữa vì nó là thuốc độc. Phải dùng độc trị độc thì mới có hiệu quả".
|
Uống xong mới được tháo dây buộc ga rô. |
Cách chữa của ông Lê mới thực sự lạ lùng. Người bệnh không được đưa vào trong nhà khi chưa uống thuốc. Chỉ khi uống thuốc xong và thấy tỉnh táo mới được bước vào cửa, nếu không bệnh sẽ tái phát.
Cứu người qua... điện thoại
Trong 35 năm qua, ông Lê đã chữa cho hàng nghìn người bị rắn độc cắn. Những bệnh nhân bị bệnh viện trả về từ khắp các tỉnh thành, từ Lào Cai, Hà Giang đến Hà Nội, Đắk Lắk... ông cũng chữa khỏi.
Đã có lần vì bệnh nhân không có điều kiện đến tận nhà, ông đã phải lặn lội vào tận xã Cam Cọn để chữa. Trong khi đó, ở nhà ông lại có một bệnh nhân được đưa đến trong tình trạng nguy kịch. Không biết làm cách nào, ông đã điện thoại về cho anh con trai cả là Hoàng Viết Hùng, hiện đang là Xã đội trưởng xã Điện Quang làm theo hướng dẫn. Tuy nhiên, ông Lê cũng nói về cách chữa trị gia truyền này có phần "ma quái và bùa chú". Bởi khi bát thuốc được giã xong, ông Lê giơ bát ngang mặt và lẩm bẩm gì đó.
|
Và vào nhà đắp thuốc vào vết rắn cắn. |
Ông Lê bảo: "Đấy là mấy câu cầu nguyện mà bà ngoại tôi dặn. Thực ra đó không phải bùa chú mà chỉ là những lời khấn tâm linh cho an lòng mà thôi. Còn tác dụng hay không thì ở phương thuốc mà tôi pha chế". Theo ông Lê, nạn nhân bị rắn cắn tuyệt đối không được uống nước và rượu. Bởi khi uống nước, độc tố sẽ truyền đến tim nhanh hơn gây nguy hiểm. Hơn nữa, dân gian hay dùng dây cao su buộc ga rô với tâm lý an toàn. Nhưng thực ra dùng dây cao su càng nguy hiểm vì thít và làm hỏng tĩnh mạch. Bệnh nhân chỉ nên dùng dây vải để buộc sẽ bớt những đau đớn và cũng an toàn hơn.
35 năm hành nghề trị độc rắn, ông Lê đã cứu hàng nghìn người thoát khỏi cái chết mà chưa để xảy ra trường hợp nào đáng tiếc. Nhưng cũng ngần ấy thời gian ông đi khắp nơi mà chưa tìm được người thích hợp để truyền lại phương thuốc quý báu.
"Ông Lê được thừa hưởng phương thuốc gia truyền từ người thân nên hành nghề chữa trị độc rắn lâu rồi. Tuy không có bằng cấp gì nhưng nhiều người đến nhờ ông chữa trị và khỏi bệnh. Ông Lê cũng chưa để xảy ra trường hợp đáng tiếc nào. Ở vùng rừng núi, nhiều rắn độc nên chúng tôi luôn khuyến khích ông Lê hành nghề bằng tất cả cái tâm, cái tài của người thầy thuốc". (Ông Trần Đình Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Quang) |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.