Nắm vững 4 nguyên tắc vàng này, cây cảnh hoa hồng sẽ ra hoa hết vụ này đến vụ khác

S.E.N Thứ năm, ngày 02/03/2023 15:33 PM (GMT+7)
Không phải bất cứ người yêu hoa hồng nào cũng biết cách trồng và chăm sóc làm sao cho hồng dày cánh, hoa nở nhiều và đẹp, lá xanh, cây khỏe. Để cây cảnh hoa hồng phát triển khỏe mạnh và ra hoa đều đặn, bạn cũng cần nắm được 4 nguyên tắc vàng dưới đây.
Bình luận 0

Là loại cây cảnh được nhiều người yêu thích vì thời gian ra hoa kéo dài, số lượng hoa nhiều và chủng loại phong phú, cây cảnh hoa hồng với vẻ đẹp đằm thắm chiếm giữ trái tim của không biết bao người yêu cây cảnh. 

Nắm vững 4 nguyên tắc vàng này, cây cảnh hoa hồng sẽ ra hết vụ này đến vụ khác - Ảnh 1.

Hoa hồng là loài cây cảnh sang trọng, quý phái đang ngày càng được ưa chuộng hiện nay. Hoa hồng leo nổi bật bởi cho hoa nhiều, mang vẻ đẹp hoang dại và có hương thơm nồng nàn. Ảnh: Nắng trong vườn

Tuy nhiên, không phải bất cứ người yêu hoa hồng nào cũng biết cách trồng và chăm sóc làm sao cho hồng dày cánh, hoa nở nhiều và đẹp, lá xanh, cây khỏe. 

Để cây cảnh hoa hồng phát triển khỏe mạnh và ra hoa đều đặn, bạn cũng cần nắm được 4 nguyên tắc vàng dưới đây.

1. Cắt tỉa cây cảnh đúng lúc, đúng giai đoạn

Ắt hẳn những ai chăm sóc cây cảnh hoa hồng đều biết rằng, việc cắt tỉa cành là vô cùng quan trọng, bởi đây chính là tiền đề để cây cảnh sinh trưởng, phát triển cũng như ra được nhiều hoa.

Nắm vững 4 nguyên tắc vàng này, cây cảnh hoa hồng sẽ ra hết vụ này đến vụ khác - Ảnh 2.

Ai cũng biết cây cảnh hoa hồng phát triển rất nhanh, chỉ có cắt tỉa đúng cách thì hoa hồng mới phát triển khỏe mạnh và ra hoa nhiều hơn. Ảnh: Greenfarm.

Vào mùa Xuân, mùa Hạ và mùa Thu, bạn cần cắt tỉa cành cho cây cảnh hoa hồng. Lưu ý, bạn nên cắt bỏ một số cành bệnh, cành chết, cành tăm. Ngoài ra, nếu còn một số cành gầy yếu, còi cọc thì có thể tỉa bỏ bớt để tập trung nuôi dưỡng những cành khỏe, thúc đẩy sự phát triển của chồi phụ.

Vào mùa Hạ, bạn chỉ nên cắt tỉa trên phần cành hoa đã tàn, như vậy sẽ giúp các lá non của cây cảnh hoa hồng phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, hãy mạnh tay dọn dẹp lá vàng, lá già phía dưới.

Nắm vững 4 nguyên tắc vàng này, cây cảnh hoa hồng sẽ ra hết vụ này đến vụ khác - Ảnh 3.

Cắt tỉa cây cảnh hoa hồng giúp cây càng phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: Greenfarm.

So với việc cắt tỉa cành cây cảnh hoa hồng vào mùa Xuân và mùa Hạ thì việc cắt tỉa vào mùa Thu là rất quan trọng, thông thường vào cuối mùa Thu và đầu mùa Đông, chính là thời kỳ ra hoa của cây cảnh hoa hồng đã kết thúc và sắp bước vào thời kỳ ngủ đông, bạn có thể cắt tỉa đồng loạt. 

Nếu muốn điều chỉnh hình dáng của cây cảnh, lúc này bạn có thể tỉa bớt tất cả các cành cao hơn, để lại một số cành chính để năm sau hoa hồng mọc thêm nhiều cành mới.

2. Bón phân cho cây cảnh hoa hồng thường xuyên

Không chỉ chú trọng việc cắt tỉa cho cây cảnh đúng lúc, đúng thời điểm mà để cây cảnh hoa hồng phát triển nhanh và ra hoa nhiều thì việc bón phân thường xuyên cho cây cảnh đỏng đảnh này cũng là rất cần thiết.

Nắm vững 4 nguyên tắc vàng này, cây cảnh hoa hồng sẽ ra hết vụ này đến vụ khác - Ảnh 4.

Bón phân thường xuyên cho cây cảnh hoa hồng là vô cùng cần thiết. Ảnh: Greenfarm.

Quá trình bón phân cho cây cảnh hoa hồng được chia theo từng giai đoạn cụ thể. Khi hoa gần tàn, bạn nên bổ sung phân có hàm lượng lân cao như phân chuồng của trâu bò, phân trùn quế, phân gà... để kích thích rễ mới nhằm hồi sức cho cây cảnh, từ đó thúc đẩy mọc chồi mới.

Đặc biệt, khi cây cảnh ra nụ mới, hãy bón phân giàu kali để thúc cây cảnh ra nhiều nụ hơn, nhằm tăng số lượng hoa. Lưu ý, không nên bón phân khi trời mưa liên tục, nắng nóng kéo dài hoặc rét đậm rét hại.

3. Luôn đặt cây cảnh trong môi trường đầy đủ ánh sáng

Cây cảnh hoa hồng cần rất nhiều ánh sáng trực tiếp, mỗi ngày cây cảnh hoa hồng cần từ 6 đến 8 giờ nắng để cây cảnh hoa hồng có thể phát triển tốt và ra hoa đẹp.

Do đó, bạn nên đặt những chậu cây cảnh này ở nơi đón ánh nắng mặt trời buổi sáng hoặc có ánh nắng thường xuyên, tránh nơi đón nắng gắt vào buổi trưa. Trong điều kiện khí hậu đặc biệt nóng, cây cảnh hoa hồng phát triển tốt nhất khi chúng được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào buổi trưa.

Nắm vững 4 nguyên tắc vàng này, cây cảnh hoa hồng sẽ ra hết vụ này đến vụ khác - Ảnh 5.

Cây cảnh hoa hồng cần rất nhiều ánh sáng mỗi ngày. Ảnh: S.E.N

Có đủ ánh sáng, cành cây cảnh hoa hồng sẽ mập mạp, vươn dài lá xanh màu hơn và hoa nở rực rỡ hơn. Vì vậy, tốt hơn hết bạn nên đặt chậu cây cảnh hoa hồng ở nơi có nhiều nắng như ngoài ban công, sân vườn.

Nếu thiếu nắng, cây cảnh hoa hồng thường có những biểu hiện như sắc lá chuyển từ xanh đậm sang xanh non hoặc vàng vọt, cành phát triển dài nhưng còi cọc, yếu ớt, ít chồi, ít lá; cây không ra hoa hoặc cho hoa nhỏ thưa cánh.

4. Phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây cảnh hoa hồng

Điều mà mọi người sợ nhất khi trồng hoa hồng là sâu bệnh, bởi sau khi hoa hồng nhiễm bệnh, tốc độ lây nhiễm rất nhanh, nên công tác phòng ngừa đặc biệt quan trọng.

Cách tốt nhất để phòng bệnh cho cây cảnh hoa hồng là chọn giống kháng bệnh. Những bông hồng này được lai tạo và chọn lọc để chống lại các bệnh phổ biến nhất của hoa hồng, bao gồm cả bệnh phấn trắng và đốm đen.

Đối với các giống thường, hoa thường bị sâu bệnh do những nguyên nhân như: chậu trồng ở nơi ẩm ướt, thiếu ánh sáng hoặc tình trạng bị ngập úng khi trời mưa. Sâu bệnh tấn công sẽ làm hồng giảm sức sống, hoa lá bị hư hỏng, cây bị suy kiệt và có thể bị chết cây. Một số sâu, bệnh thường gặp trên hoa hồng:

Với bệnh phấn trắng trên cây cảnh hoa hồng, bạn cần xử lý như sau:

– Triệu chứng: Thường xuất hiện mùa hè, đặc biệt những ngày khô nóng và đêm ẩm ướt. Nấm gây hại đến lá, thân, cuống hoa, đài hoa và cánh hoa, trên những phần non của cây, phủ một lớp nấm trắng như bột làm cho lá bị khô héo và rụng hàng loạt.

– Để phòng bệnh: Hãy tưới nước sát gốc vào buổi sáng, tránh tưới ướt lá đặc biệt khi ướt qua đêm sẽ tạo môi trường hoàn hảo cho nấm gây hại. Cắt tỉa hoa hồng để không khí lưu thông qua tán lá cũng giúp ngăn chặn sự phát triển của bệnh phấn trắng này.

– Để trừ bệnh: Cần cắt tỉa toàn bộ chồi, nụ, hoa, lá đã bị nhiễm bệnh, đem rác đi đổ, tiêu hủy. Nên pha baking soda vào nước và phun lên lá hồng 1 – 2 lần một tháng.

Nắm vững 4 nguyên tắc vàng này, cây cảnh hoa hồng sẽ ra hết vụ này đến vụ khác - Ảnh 6.

Người trồng hoa hồng sợ nhất là sâu bệnh gây hại. Ảnh: Xây dựng số

Với bệnh đốm đen trên cây cảnh hoa hồng, bạn cần nắm những yếu tố sau:

– Triệu chứng: Là một bệnh nấm lây qua đường nước. Nó xuất hiện dưới dạng những đốm tròn màu đen hoặc nâu ở mặt trên của lá. Nó bắt đầu từ phía dưới gốc và hoạt động theo hướng lên trên, cuối cùng gây ra hiện tượng rụng lá.

– Để phòng bệnh: Ngăn ngừa bệnh này giống như cách ngăn ngừa bệnh phấn trắng: cải thiện lưu thông không khí xung quanh lá và cây, chỉ tưới nước ở sát đất.

– Để trừ bệnh: Trường hợp xuất hiện bệnh thì dùng hỗn hợp baking soda và dầu hoa quả có thể giúp chống lại sự lây lan của đốm đen.

Với việc xuất hiện bọ trĩ trên cây cảnh hoa hồng

– Triệu chứng: Bọ trĩ là một trong những loại côn trùng gây hại nghiêm trọng và làm người trồng hồng lo lắng bởi việc trị chúng cực kỳ khó khăn và mất nhiều thời gian.

– Để phòng bệnh: Dọn dẹp rác xung quanh gốc cây và khu vực xung quanh để hạn chế tối đa nơi ẩn nấp của bọ trĩ (nên đốt sạch rác sau khi dọn).

– Để trừ bệnh: Cắt tỉa toàn bộ hoa đang và sắp nở trên cây, cắt tỉa lá già.

Khi thấy nhện đỏ, nhện đen, nhện vàng trên cây cảnh hoa hồng, chúng ta cần nắm những yếu tố sau:

– Triệu chứng: Khi bị nhện, lật mặt dưới lá sẽ thấy nhện nhỏ lấm tấm li ti như hạt bụi bám vô lá, có thể màu đen, đỏ, trắng, vàng… Lá có biểu hiện lấm tấm vàng từng mảng xa nhau. Nặng hơn nữa thì nhện sẽ xuất hiện luôn mặt trên của lá, lá bị loang vàng khắp nơi. Nặng nhất là nhện sẽ chăng tơ kín ngọn cây, lá sẽ khô và có màu vàng đồng xỉn.

– Để phòng trừ bệnh: Dùng nước xịt mạnh và kỹ lá ngay khi phát hiện để dập dịch kịp thời và tránh lây lan thêm, chú ý phải xịt nhiều mặt dưới để rửa trôi nhện, và phải phun hàng ngày vì trứng sẽ nở, trứng bám lá chắc hơn nên ko thể trôi hết. Phun khoảng vài lần thì pha 1ml nước rửa bát hoặc sữa tắm cùng 2l nước phun vài ngày. Đây là cách đơn giản nhất, ít độc hại nhất nhưng phải chăm chỉ vì nó dễ tái. Lâu dài có thể dùng 1ml neem oil đem nhũ hoá cùng 1-2ml sữa tắm baby rồi pha cùng 1l nước phun hàng tuần.

Bên cạnh đó, cây cảnh hoa hồng còn bị bệnh gỉ sắt, rệp sáp… tấn công. Nếu không phát hiện sớm cây sẽ bị còi cọc, kém phát triển và dẫn đến chết cây. Để hạn chế bệnh hiệu quả nhất, các bạn phải có chế độ chăm sóc hoa hồng hợp lý, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, thay giá thể, vệ sinh sạch sẽ vườn, chậu. Trường hợp mới bị hãy sử dụng biện pháp như dầu Neem hay xà phòng diệt côn trùng để kiểm soát. Nếu cây bị nặng thì cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp để tiêu diệt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem