Nạn đói ngay trước mắt: Tây Phi đối mặt với khủng hoảng lương thực lịch sử

Lê Phương (Reuters) Thứ ba, ngày 05/04/2022 12:02 PM (GMT+7)
Hôm 5/4, các tổ chức cứu trợ cho biết Tây Phi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất lịch sử do xung đột, hạn hán và tác động của chiến sự ở Ukraine.
Bình luận 0
Tây Phi đối mặt với khủng hoảng lương thực lịch sử  - Ảnh 1.

Cư dân của làng Zerma Dare ngồi trong trại dành cho những người di tản ở thị trấn Ouallam, Niger, ngày 6 tháng 7 năm 2021. Ảnh: Reuters

Khoảng 27 triệu người đang mất an ninh lương thực ở Tây Phi và con số đó có thể tăng lên 38 triệu vào tháng 6/2022, tăng 40% so với năm ngoái và là mức cao nhất lịch sử, 11 tổ chức viện trợ quốc tế cho biết trong một tuyên bố chung.

Những vùng đất rộng lớn ở Tây Phi, bao gồm các vùng của Burkina Faso, Mali, Niger và Nigeria, đang phải đối mặt với các cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo buộc hàng triệu người phải rời bỏ đất đai của mình. Cùng với Chad, đây là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn đói.

Khu vực này cũng chứng kiến tình trạng lũ lụt và hạn hán ngày càng nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khiến việc trồng trọt trở nên khó khăn hơn. Sản lượng ngũ cốc năm 2021/2022 giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái ở Niger và 15% ở Mali, theo Mạng lưới Phòng chống Khủng hoảng Lương thực của Tây Phi.

Trên hết, giá lương thực toàn cầu đang tăng cao và thương mại bị gián đoạn do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Việc đóng cửa biên giới do đại dịch Covid-19 cũng có tác động tiêu cực, Mạng lưới Phòng chống Khủng hoảng Lương thực cho biết.

Assalama Dawalack Sidi, Giám đốc khu vực Tây và Trung Phi của Oxfam (liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới nhằm tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công) cho biết: "Rất nhiều người phải di dời và đất đai bị bỏ hoang vì xung đột Nga - Ukraine, nhưng chúng ta cũng đang chứng kiến những động lực mới".

Sáu nước Tây Phi nhập khẩu 30-50% lúa mì của họ từ Nga và Ukraine, theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO).

Bà Sidi cảnh báo, chiến sự ở Ukraine cũng có nguy cơ làm chuyển hướng nguồn hỗ trợ cần thiết trong khu vực. Bà nói: "Nhiều nhà tài trợ cho biết họ có thể sẽ phải cắt nguồn tài trợ cho châu Phi để chi trả cho những người tị nạn ở châu Âu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem