Nạn nhân của nắng nóng: người đàn ông hôn mê ven đường, thân nhiệt tới 41 độ

Diệu Linh Thứ tư, ngày 04/07/2018 14:20 PM (GMT+7)
Bệnh viện Bạch Mai vừa cho biết, khoảng 10h, bệnh viện đã tiếp nhận một người đàn ông trung niên bị sốc nhiệt do nắng nóng. Khi vào viện, thân nhiệt của người đàn ông đã lên đến 41 độ C
Bình luận 0

Theo lời của người dân kể, tại địa bàn phường Định Công (Hà Nội), người dân đã phát hiện một người đàn ông trung niên nằm bên vệ đường nên đã báo công an đưa vào BV Bạch Mai cấp cứu. Thời điểm nhập viện, thân nhiệt bệnh nhân lên đến 41 độ C, nghi ngờ sốc nhiệt do nắng nóng. Hiện, công an đang xác định thân nhân bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng cấp cứu tổng hợp, (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân được đưa đến trong tình trạng hôn mê, thân nhiệt lên đến 41 độ C. Sau khi được cấp cứu, hạ nhiệt, thân nhiệt của bệnh nhân đã xuống hơn 38,5 độ C. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn hôn mê, chưa tỉnh". "Chúng tôi vẫn tiếp tục làm các xét nghiệm chẩn đoán nhưng nghi ngờ ban đầu, bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng" - bác sĩ Tuấn nói. 

img

Bệnh nhân đã hạ nhiệt nhưng vẫn hôn mê. Ảnh Sức khỏe đời sống

Các bác sĩ cho biết, với tình trạng nhiệt độ lên đến 41 độ có khả năng sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng. Tuy nhiên cần phải làm các đánh giá sâu mới biết được. 

Theo TS. Tuấn, bệnh nhân sốc nhiệt có các biểu hiện ban đầu như mặt đỏ bừng, da khô nóng, mệt lả, đỏ mặt, nôn mửa, hôn mê. Khi phát hiện nạn nhân bị sốc nhiệt, việc cần làm đầu tiên là phải sơ cứu bệnh nhân. 

"Cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân vào khu vực râm mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng cách chườm khăn thấm nước mát vào cổ, nách, bẹn, lau người bằng nước mát để thân nhiệt bệnh nhân hạ xuống nhanh chóng. Có thể dội nước nhưng không dùng thuốc hạ sốt. Sau đó nhanh chóng chuyển bệnh nhân đi bệnh viện" - TS. Tuấn cho biết. 

Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội), mọi người, đặc biệt là trẻ em và người già không nên ra đường vào giờ nắng nóng cao điểm. Người dân nên bổ sung nước đầy đủ, ăn nhiều trái cây, rau có tác dụng thanh nhiệt như nước chanh, cam, rau đay, mùng tơi, mướp đắng, lá dấp cá, rau má, nước dừa; Hạn chế các món ăn xào, rán mà nên luộc hoặc nấu canh, ăn nhiều cua, cá; Mặc quần áo vải bông thoáng rộng; Nên tắm khi đã ráo mồ hôi, sau khi tắm cũng không nên ra gió hay vào phòng có điều hòa ngay. Những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao không nên qua lại giữa môi trường nóng-lạnh đột ngột, không nằm ngủ nơi nhiều gió.

Theo các bác sĩ, người dân nên đề phòng sốc nhiệt bằng cách hạn chế ra đường vào giữa lúc nắng nóng từ 10-15h. Nếu phải ra đường thì cần đội mũ, mang ô, mặc đồ chống nắng. Người lao động ngoài trời ngoài việc mang đồ chống nắng thì cứ 1 tiếng làm việc lại vào nghỉ 5-10 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể. Mỗi ngày người dân nên uống từ 2-3 lít nước. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem