PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh cho biết, bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Theo kết quả điều tra dịch tễ học bệnh ĐTĐ toàn quốc năm 2012 do Bệnh viện Nội tiết T.Ư tiến hàn, tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ trên toàn quốc ở người trường thành là 5,42% dân số. Tuy nhiên, mới chỉ có 36,4% người ĐTĐ trong cộng đồng được chẩn đoán. Có đến 67,8% bệnh nhân nội trú đang điều trị trong các cơ sở y tế là bệnh không lây nhiễm như ĐTĐ, tim mạch, tâm thần, tai nạn chấn thương...
Lớp đào tạo cho nhân viên y tế về quản lý đái tháo đường do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức.
Theo ông Khuê, thách thức lớn nhất hiện nay trong việc tiếp cận và cung cấp các dịch vụ y tế về căm sóc bệnh ĐTĐ tại Việt Nam là trình độ cán bộ y tế còn hạn chế, việc đào tạo lại, đào tạo liên tục, cập nhật những kiến thức mới, chuyên sâu về bệnh ĐTĐ chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị.
Để phòng, chống bệnh ĐTĐ ở Việt Nam, từ năm 2002-2015, Dự án Phòng, chống bệnh ĐTĐ đã được thiết lập và triển khai. Bộ Y tế đã củng cố và hoàn thiện mạng lưới khám, chữa bệnh nội tiết (Phòng khám, Khoa, Trung tâm, BV Nội tiết…) trong hệ khám, chữa bệnh và dự phòng; Tăng cường nhận thức của cộng đồng về ĐTĐ; Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế: Tăng cường năng lực Y tế cơ sở trong dự phòng, phát hiện sớm, quản lý ĐTĐ; Hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn; Củng cố hệ thống thông tin báo cáo…
Trong khuôn khổ “Chương trình Chăm sóc đái tháo đường tại Việt Nam” “Chương trình đào tạo về đái tháo đường” đã tổ chức các lớp đào tạo nhằm tăng cường năng lực cho các cán bộ y tế và các cơ sở lâm sàng trong điều trị và quản lý đái tháo đường. Chương trình đào tạo được thiết kế và triển khai theo 2 loại hình, đào tạo cho nhóm giảng viên và đào tạo cho nhân viên y tế. Khóa học sẽ tập trung vào nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh ĐTĐ; Tăng số lượng cán bộ y tế được đào tạo về chăm sóc bệnh ĐTĐ; Cải thiện cơ sở hạ tầng chăm sóc bệnh ĐTĐ ở Việt Nam; Đẩy mạnh chăm sóc bệnh ĐTĐ ở trẻ em và phụ nữ mang thai.
Đây là lớp đào tạo thứ 4 do chính các giảng viên đã được đào tạo từ 3 lớp tập huấn từ năm 2012 đến nay tham gia giảng dạy. Như vậy cho đến nay Chương trình đào tạo về đái tháo đường đã đào tạo được 300 giảng viên và hơn 600 nhân viên y tế được đào tạo về quản lý đái tháo đường. Bộ Y tế hy vọng, với số lượng bác sỹ được đào tạo về quản lý đái tháo đường sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và chất lượng sống cho người bệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.