Nặng tình lễ hội hoa ban

Thứ ba, ngày 08/04/2014 09:08 AM (GMT+7)
Lễ hội Hoa ban năm 2014 do TP.Sơn La (Sơn La) tổ chức đã kết thúc trước 0 giờ ngày 7.4 nhưng dư âm của 2 ngày diễn ra lễ hội vẫn tràn ngập trên các nẻo đường của thành phố.
Bình luận 0
Đây là năm đầu tiên TP. Sơn La tổ chức Lễ hội Hoa ban- một trong những lễ hội quan trọng nhất của bà con dân tộc Thái Tây Bắc.Lễ hội Hoa ban là lễ hội tâm linh, cầu phồn thực của người Thái ở Tây Bắc, báo cáo với trời đất, tổ tiên, thánh thần về kết quả lao động, sản xuất, sinh sống trong những năm qua.

Một tiết mục văn nghệ trong đêm khai mạc Lễ hội Hoa ban TP.Sơn La.
Một tiết mục văn nghệ trong đêm khai mạc Lễ hội Hoa ban TP.Sơn La.

Đây cũng là dịp cầu cho mùa vụ mới mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, con người khỏe mạnh, cái rương đầy thóc, cái bếp ấm lửa hồng, không phải chịu cảnh bữa đói, bữa no; không lo con thú ác ngăn đường, lo cơn lũ dữ tàn phá, tình người chan chứa yêu thương…

Kỳ lễ hội này, tất cả các xã, phường trong thành phố đều có sự góp mặt với lễ hội ở nhiều loại hình vui chơi, giải trí, thi thố tài năng như: Thi múa xòe, bắt cá bằng tay, chọi chim, chọi gà, đi cà kheo, nấu ăn, kéo co, tosmakle, biểu diễn trang phục dân tộc, văn nghệ... Lễ hội đã thu hút hàng ngàn người dân quanh vùng về tham dự, đặc biệt là có rất đông du khách trong hành trình đến với Sơn La, Điện Biên dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoàng, quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết: “Chúng tôi đang trên đường đến với Điện Biên. Tối ngày 4.4, vừa đến Sơn La, thấy có Lễ hội Hoa ban, thế là cả đoàn bàn nhau ở lại. 2 ngày dự lễ hội, thấy quả là không phí thời gian mà lại thêm được nhiều hiểu biết, nhiều cảm nhận, chụp được rất nhiều ảnh hay, đẹp về văn hóa, con người các dân tộc trong một chuyến hành trình về Tây Bắc”.

Còn với bà Lò Thị Chăm, dân bản Tam, xã Chiềng Đen, TP.Sơn La thì lễ hội này thật vui, thật đẹp, thật đoàn kết. “Người Chiềng Đen chúng tôi vẫn có nhiều tiết mục văn nghệ, nhiều trò vui khác muốn đóng góp trong những lễ hội như thế này.

Mong rằng thời gian tới, có tổ chức lễ hội hoa ban thì kéo dài tới 3-4 ngày để dân chúng tôi vừa được vui chơi, giao lưu, học tập lẫn nhau và thi thố, biểu diễn những tài năng, những nét văn hóa riêng của địa phương, làng bản mình”- bà Chăm nói.
Thanh Tâm (Thanh Tâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem