Nâng trình độ giáo viên tiểu học - việc cần nhưng khó làm nhanh

Tùng Anh Thứ ba, ngày 05/12/2017 06:18 AM (GMT+7)
Theo dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), giáo viên tiểu học sẽ được nâng chuẩn trình độ lên hệ cao đẳng (CĐ), tiến tới lên hệ đại học (ĐH) để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, việc nâng chuẩn trình độ sẽ ảnh hưởng nhiều đến công việc và đời sống giáo viên.
Bình luận 0

Trung cấp không được dạy tiểu học

Đó là một trong những thay đổi quan trong trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang được Bộ

GDĐT đưa ra lấy ý kiến. Theo Bộ GDĐT, việc nâng trình độ giáo viên tiểu học là cần thiết để phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong thời gian tới. Ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, ở bậc tiểu học, giáo viên sẽ phải dạy tích hợp cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, kiến thức tổng hợp nhiều.

img

Giáo viên tiểu học phải có chuẩn bằng cao đẳng trở lên. (Ảnh chụp tại trường Tiểu học Thực nghiệm Hà Nội). Ảnh: Tùng Anh

Ngoài việc dạy kiến thức, giáo viên tiểu học còn có nhiệm vụ xây dựng nền tảng, thói quen, kỹ năng ban đầu cho học sinh. Với yêu cầu cao như vậy, trình độ trung cấp chỉ học trong 2 năm (mà đã có tới 1 năm học kiến thức chung), ít thời gian thực tế không thể đáp ứng được yêu cầu mới.

Đánh giá về chất lượng giáo viên theo bằng cấp, lãnh đạo 1 trường tiểu học tại TP.Hải Dương cho biết, đa số những giáo viên có bằng đào tạo hệ CĐ đều có chất lượng giảng dạy tốt hơn, sự nhạy bén trong việc áp dụng các phương pháp giảng dạy mới cũng tốt hơn.

“Giáo viên có trình độ trung cấp thường không được ưu tiên trong xét tuyển. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp thiếu giáo viên quá, hoặc đó là những giáo viên đã tuyển dụng nhiều năm, đã có tuổi hoặc sắp về hưu. Đối với những giáo viên này, trường đều phải ưu tiên cho đi bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ sư phạm thường xuyên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy” – vị lãnh đạo này cho biết.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hữu – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học cho biết, theo số liệu cập nhật vào tháng 9.2017, đã có 33/63 tỉnh thành phố có tỷ lệ 90% giáo viên tiểu học trên chuẩn, chỉ có 3 tỉnh là Hà Giang, Tuyên Quang và Lào Cai có tỷ lệ dưới 70%, thấp nhất là Tuyên Quang đạt tỷ lên 63,86% giáo viên có trình độ CĐ trở lên.

“Đây là những con số thuyết phục để ban soạn thảo đưa ra việc nâng chuẩn trình độ giáo viên trong dự thảo lần này. Việc nâng chuẩn trình độ là phù hợp với xu thế hiện nay khi tại nhiều quốc gia đã yêu cầu giáo viên tiểu học phải có trình độ thạc sĩ” – ông Hữu nói.

Những người còn công tác trên 5 năm vẫn phải nâng chuẩn trình độ nhưng áp dụng các hình thức đào tạo linh hoạt và phù hợp. Không phải luật có hiệu lực là những người không có đủ tiêu chuẩn thì loại ra khỏi ngành".

Ông Nguyễn Đức Hữu –
Phó Vụ trưởng phụ trách
Vụ Giáo dục tiểu học

Hà Giang là một tỉnh khó khăn nhưng cũng có chuẩn trình độ giáo viên tiểu học đạt 70%. Ông Nguyễn Thế Bình – Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang cho biết, việc nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học là cần làm để nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, ông Bình đề xuất, sau khi sửa đổi Luật Giáo dục, Bộ GDĐT cũng cần có lộ trình thực hiện đối với những địa bàn khó khăn chưa đủ điều kiện. Để áp dụng tiêu chuẩn mới về giáo viên cũng rất nên có cơ chế đặc thù.

Chuẩn bằng cấp thôi chưa đủ

Chỉ còn khoảng 8 năm nữa cô Hoàng Thị H ở (Trạm Tấu, Yên Bái) đến tuổi về hưu. Mấy chục năm công tác trong ngành giáo dục, cô H luôn đạt danh hiệu là giáo viên dạy giỏi mặc dù cô chỉ có bằng sư phạm hệ trung cấp. Cô H cho biết, nghe thông tin sửa đổi Luật Giáo dục trong đó yêu cầu nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học lên hệ CĐ cô rất hoang mang.

“Nếu như sau khi luật sửa đổi xong, Bộ GDĐT cho áp dụng ngay thì những giáo viên như tôi không biết sẽ phải xoay sở thế nào? Học tiếp thì không thể vì tuổi cũng đã nhiều, thời gian thì không có nhiều vì chỉ ít năm nữa là nghỉ hưu rồi. Mà không học thì liệu có bị đuổi ra khỏi ngành hay không?” – cô H băn khoăn.

Tương tự, cô Nguyễn Thị P - giáo viên tiểu học tại Hoàng Su Phì (Hà Giang) cũng rất lo lắng khi nghe thông tin giáo viên tiểu học sẽ buộc phải có bằng CĐ trong những năm tới. Cô P tâm sự: “Giáo viên vùng cao, điều kiện sinh hoạt và dạy học tại các điểm trường hết sức khó khăn. Rất nhiều người học 3 – 4 năm ĐH, CĐ, có bằng cấp cao họ ngại lên vùng cao dạy học lắm. Chính vì vậy cần có cơ chế đặc thù cho thầy cô vùng khó trong việc chuẩn trình độ”.

Nói về vấn đề này, ông Hữu cho biết, Bộ GDĐT dự kiến những người có trình độ trung cấp còn công tác từ 1 – 5 năm thì địa phương sẽ cho đi bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ chứ không yêu cầu đi đào tạo lại để có bằng CĐ.

“Tuy nhiên, những người còn công tác trên 5 năm thì vẫn phải nâng chuẩn trình độ nhưng áp dụng các hình thức đào tạo linh hoạt và phù hợp. Không phải luật có hiệu lực là những người không có đủ tiêu chuẩn thì loại ra khỏi ngành" - ông Hữu nhấn mạnh.

TS Vũ Thu Hương – giảng viên khoa giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) lại cho rằng, việc nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học lên hệ CĐ rồi tiến tới ĐH là chưa đủ và không cần thiết. Theo bà Hương, để trở thành một giáo viên tiểu học giỏi cần nhiều yếu tố khác chứ không phải chỉ tấm bằng. “Điều đầu tiên là sự yêu nghề, yêu trẻ. Không yêu nghề, yêu trẻ thì không nên làm giáo viên, đặc biệt là không nên làm giáo viên tiểu học và mầm non” – bà Hương nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem