NATO liều lĩnh giúp Ukraine ngăn bước tiến của Nga, thổi bùng nguy cơ xung đột trực tiếp với Moscow
NATO làm mọi cách ngăn bước tiến của Nga ở Ukraine, thổi bùng nguy cơ xung đột trực tiếp với Moscow
Phương Đăng (theo AP)
Thứ hai, ngày 01/07/2024 20:45 PM (GMT+7)
Chậm rãi nhưng đều đặn trong mùa hè này, quân đội Nga đã dần dần xuyên thủng hàng phòng thủ thiếu vũ khí và thiếu người của Ukraine nhờ một cuộc tấn công không ngừng nghỉ. Điều này khiến phương Tây phải thực hiện các chiến lược mới và cung cấp thêm vũ khí để giúp Kiev ngăn chặn các bước tiến mới của Nga.
Những động thái của phương Tây nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của Nga ở Ukraine và phản ứng tiềm tàng của Điện Kremlin có thể dẫn đến sự leo thang nguy hiểm bao gồm nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO, theo AP.
Nỗ lực tấn công tăng cường, không ngừng nghỉ của Nga
Cuộc tấn công của Nga vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine, Kharkov, bắt đầu vào tháng 5, khiến các đồng minh phương Tây của Kiev lo ngại dường như đã mất đà sau khi quân đội Ukraine điều thêm binh sĩ từ các mặt trận khác tới khu vực.
Tuy nhiên, Nga vẫn có những bước tiến gia tăng đều đặn ở khu vực Donetsk, bao gồm cả xung quanh thị trấn trên đỉnh đồi chiến lược Chasiv Yar, một cửa ngõ vào các thành phố trọng yếu của vùng Donetsk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Các nhà phân tích cho biết sự sụp đổ của Chasiv Yar sẽ đe dọa các trung tâm quân sự quan trọng của Ukraine bao gồm Sloviansk và Kramatorsk.
Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng Moscow không cần đạt được lợi ích nhanh chóng mà sẽ tiếp tục chiến lược hiện tại là tiến chậm nhưng chắc chắn.
"Mục đích của Nga không phải là đạt được bước đột phá lớn mà là thuyết phục Ukraine rằng họ có thể duy trì bước tiến vững chắc, từng km một, dọc theo mặt trận", Michael Kofman, thành viên cao cấp của Chương trình Nga và Á-Âu tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie bình luận.
Ngoài ra, Moscow cũng tăng cường các cuộc không kích vào các cơ sở năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng khác của Ukraine bằng làn sóng các cuộc tấn công tên lửa và máy bay không người lái. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết chiến dịch tấn công tầm xa dai dẳng của Nga vào cơ sở năng lượng và hạ tầng quan trọng của Ukraine có nghĩa là mặt trận không chỉ bị kéo căng mà còn bị mở rộng về chiều sâu.
Nhà phân tích an ninh Sergei Poletaev tại Moscow cho biết, Điện Kremlin muốn dần dần rút cạn các nguồn lực của Ukraine để buộc Kiev phải chấp nhận một thỏa thuận hòa bình theo các điều khoản của Nga.
Ông nhấn mạnh lợi thế quân sự của Moscow cho phép họ "duy trì áp lực trên toàn bộ tiền tuyến và đạt được những bước tiến mới trong khi chờ đợi Ukraine sụp đổ".
Phương Tây đáp trả, Điện Kremlin cảnh báo nghiêm khắc
Washington và một số đồng minh NATO đã đáp trả nỗ lực tấn công tăng cường, không ngừng nghỉ của Nga vào Ukraine thời gian qua bằng cách cho phép Kiev sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công hạn chế bên trong nước Nga.
Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ chống lại các mục tiêu quân sự ở Nga gần Kharkov và những nơi khác gần biên giới, nhưng cho đến nay vẫn chưa cấp phép cho các cuộc tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và một số quan chức phương Tây khác cho rằng Kiev có quyền sử dụng vũ khí của họ để tấn công các tài sản quân sự ở bất kỳ nơi nào bên trong lãnh thổ Nga. Ông Macron và một số lãnh đạo của các nước Baltic thuộc NATO cũng đã có những tuyên bố khiến Nga nổi giận về việc triển khai quân đội phương Tây tới Ukraine.
Tổng thống Putin đã cảnh báo rằng đây sẽ là một bước leo thang lớn và ông đe dọa sẽ trả đũa bằng cách cung cấp vũ khí cho các đối thủ của phương Tây. Nhà lãnh đạo Nga được cho là đã củng cố cảnh báo trên bằng cách ký hiệp ước phòng thủ chung với Triều Tiên vào tháng 6 và cởi mở về việc cung cấp vũ khí cho Bình Nhưỡng.
Căng thẳng leo thang thêm một bước sau cuộc tấn công của Ukraine bằng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất vào thành phố Sevastopol, Crimea khiến bốn người thiệt mạng và hơn 150 người bị thương.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó cảnh báo rằng, họ có thể áp dụng các biện pháp đáp trả không xác định đối với máy bay không người lái của Mỹ đang hoạt động trên Biển Đen để thu thập và cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine. Các thông tin tình báo này được cho là giúp Kiev tấn công chính xác vào các mục tiêu của Nga.
Bản thân Tổng thống Putin cũng cảnh báo rằng, NATO đã sai lầm khi cho rằng Nga sẽ không sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình, đồng thời tái khẳng định sẽ sử dụng “mọi biện pháp” đáp trả nếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này bị đe dọa.
Vasily Kashin, một nhà phân tích quốc phòng tại Moscow, lưu ý rằng khi Ukraine tăng cường sử dụng vũ khí phương Tây để gây ra thiệt hại cho Moscow, thì Tổng thống Putin sẽ "phải làm điều gì đó để đáp trả một khi các cuộc tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga gây ra thương vong đáng kể".
Ông Kashin cảnh báo, Nga có thể đáp trả bằng cách nhắm vào máy bay không người lái của phương Tây hoặc vệ tinh do thám của Mỹ, hoặc cũng có thể tấn công một số tài sản của các nước NATO ở các vùng lãnh thổ hải ngoại. Điều này có thể giảm thiểu nguy cơ gây ra xung đột toàn diện với liên minh.
Tuy nhiên, một số nhà bình luận Nga khác lo ngại rằng, hành động đáp trả như vậy vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ra xung đột trực tiếp với NATO.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.